Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

15 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của ngành VHTTDL năm 2017

12/01/2017 | 17:57

Sáng 12/1, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Hội nghị cũng được tổ chức tại các điểm cầu Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIII về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016- 2020, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2016, ngành VHTTDL cả nước đã nỗ lực phấn đấu thi đua, triển khai có hiệu quả kế hoạch công tác năm 2016, hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển ngành, đạt nhiều kết quả nổi bật.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị


Trong công tác Xây dựng và hoàn thiện thể chế, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chính sách của Bộ hoàn thành kế hoạch đề ra, góp phần đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đặc biệt là 03 Nghị định liên quan đến yêu cầu, điều kiện kinh doanh được ban hành, tạo thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp. Nhiệm vụ xây dựng, quản lý chiến lược, quy hoạch, kế hoạch ngành bám sát chủ trương, định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước.

Công tác cải cách hành chính được triển khai tích cực, bám sát nội dung Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ.

Trong lĩnh vực văn hóa, gia đình cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2016, hồ sơ “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được Ủy ban Liên chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nâng tổng số di sản được UNESCO ghi danh là 25. Di sản Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế và Mộc bản Trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) được Ủy ban Chương trình ký ức Thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương ghi danh là Di sản Tư liệu Thế giới.

Hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, thông tin cổ động tuyên truyền chính trị, phục vụ các ngày lễ lớn của đất nước và sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch năm 2016. Công tác xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam được tập trung chỉ đạo, đánh dấu quan trọng về nhận thức, tư duy chiến lược về quản lý văn hóa trong tình hình mới. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được bảo tồn, phát huy thông qua các phong trào thi đua yêu nước.

Công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đạt được những kết quả quan trọng, bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác dân tộc, đăc biệt là Đề án “Bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” ban hành theo Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức các hoạt động thiết thực vinh danh, tập huấn đối tượng là văn nghệ sỹ, nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số . Các Ngày hội đồng bào dân tộc, vùng đồng bào dân tộc được tổ chức tốt, đáp ứng đời sống tinh thần nhân dân, tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Trong lĩnh vực Điện ảnh, Bộ cũng đã tổ chức tốt các hoạt động quảng bá điện ảnh và du lịch thông qua các Tuần phim Việt Nam ở nước ngoài, Liên hoan phim Quốc tế. Tổ chức thành công Liên hoan phim phim Quốc tế Hà Nội 2016.

Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành việc tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, tổ chức biểu diễn, đảm bảo sự đan xen, hài hoà giữa các loại hình nghệ thuật, văn nghệ truyền thống và hiện đại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Triển khai các giải pháp sáng tạo và quảng bá tác phẩm của các đơn vị nghệ thuật truyền thống trực thuộc Bộ.…

Hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Công tác bảo vệ bản quyền tác giả và các quyền liên quan; Công tác quản lý nhà nước về gia đình cũng đạt nhiều thành tựu.

Trong lĩnh vực Thể dục- thể thao, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển thể dục thể thao; Đẩy mạnh sự nghiệp thể thao quần chúng; Tập trung đào tạo, tập huấn lực lượng, thi đấu giành thành tích xuất sắc trên các đấu trường thể thao khu vực, châu lục và thế giới quốc tế.

Thể thao Việt Nam đã đạt được những thành tích nổi bật: Các vận động viên đội tuyển quốc gia giành thành tích cao tại các giải thể thao ở khu vực, châu lục và thế giới với 482 HCV, 385 HCB, 345 HCĐ. Lần đầu tiên trong lịch sử Thể thao Việt Nam đoạt Huy chương Vàng tại Olympic và Paralympic với thành tích xuất sắc của VĐV Hoàng Xuân Vinh giành 01 HCV, 01 HCB và phá kỷ lục Olympic, đưa đoàn Thể thao Việt Nam xếp vị trí thứ 48 tại Olympic Rio 2016; VĐV Lê Văn Công và đoàn thể thao Người Khuyết tật Việt Nam giành 1HCV, 1HCB, 2HCĐ, đứng thứ 55/162 quốc gia tham dự. Đội tuyển Bóng đá Futsal nam lọt vào tứ kết World Cup Futsal thế giới; đội bóng đá U19 nam quốc gia đồng hạng ba giải vô địch Bóng đá nam U19 Châu Á, chính thức giành quyền tham dự Vòng chung kết giải Vô địch Bóng đá U20 thế giới năm 2017 tại Hàn Quốc; VĐV Bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên giành 01 HCV và phá kỷ lục giải Vô địch Bơi châu Á; VĐV bóng bàn Nguyễn Anh Tú giành 01 HCV tại giải vô địch Bóng bàn Đông Nam Á...

Lĩnh vực du lịch, năm 2016, du lịch Việt Nam đón 10 triệu khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015; phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tăng 9% so với năm 2015; tổng thu từ du lịch đạt hơn 400.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2015, về đích trước 4 năm so với mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2016 đạt 2 mốc kỷ lục mới: tổng số khách nhiều nhất và mức tăng tuyệt đối trong năm nhiều nhất (trên 2 triệu lượt, so với trung bình 580 nghìn lượt trong giai đoạn 2010-2015).

Bộ trưởng cũng đưa ra 15 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của ngành trong năm 2017. Năm 2017, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; quán triệt Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017, Ngành văn hoá, thể thao và du lịch tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như Triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ thực hiện Chương trình hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng; Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách đặc thù, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường giải pháp thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ năm 2017; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá văn hóa, thể thao và du lịch ở trong và ngoài nước; Đẩy mạnh hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hoá; Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Tổ chức tốt các Ngày hội văn hóa các dân tộc, vùng đồng bào dân tộc; Triển khai thực hiện Đề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn và hỗ trợ sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị”; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước; ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm; khắc phục tối đa những vấn đề còn hạn chế trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Tiếp tục chỉ đạo và định hướng nghệ thuật đối với các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc để có nhiều tác phẩm có chất lượng cao; Chỉ đạo, tổ chức các triển lãm, sự kiện mỹ thuật, nhiếp ảnh trong toàn quốc; Đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường quản lý, thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, Chương trình hành động quốc gia về PCBLGĐ…



Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại Hội nghị

Về Thể dục thể thao: Đẩy mạnh phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng trên địa bàn cả nước, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc của người dân, đặc biệt trong đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, tạo nền tảng cho phát triển thể thao thành tích cao. Tập trung tập huấn, chuẩn bị lực lượng vận động viên; nâng cao thành tích của các môn thể thao trọng điểm theo hướng tiếp cận với thành tích của châu lục và thế giới. Phấn đấu đạt thành tích cao tại SEA Games 29, Paragames 9 tại Malaysia và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới.

Trên lĩnh vực Du lịch, tập trung hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), trình Quốc hội ban hành; xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật; tổ chức triển khai Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn; Triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về phát triển Du lịch. Phấn đấu năm 2017, đạt 81,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó: Khách du lịch quốc tế đạt khoảng 11,5 triệu lượt. Khách du lịch nội địa đạt khoảng 70 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 460 nghìn tỷ đồng….

Tại Hội nghị, đại diện các Sở VHTTDL như Nam Định, Kiên Giang, Hà Nội, Quảng Nam cũng đã phát biểu về kinh nghiệm cũng như các đề xuất đối với các lĩnh vực thiết chế văn hóa, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch, kinh nghiệm tổ chức Năm du lịch quốc gia…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ngành VHTTDL gặt hái được nhiều thành công trên các lĩnh vực năm vừa qua. Thủ tướng cũng yêu cầu ngành kiên quyết đấu tranh, phê phán cái xấu, tệ nạn của xã hội, các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực của con người Việt Nam… Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, mỗi cán bộ của ngành chủ động phát huy vai trò làm nòng cốt, thực hiện tốt các phong trào văn hóa và là ngôi sao của Việt Nam góp phần lan tỏa, quảng bá hình ảnh, con người đất nước ta với thế giới.


Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi tổng kết ngành hôm nay thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với với sự nghiệp, xây dựng và phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

“Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, chỉ đạo của Thủ tướng hôm nay chính là phương châm hành động, là quyết tâm chính trị của toàn ngành trong việc hoàn thành trọng trách được Đảng và Nhà nước giao cho”- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định.

Thay mặt Ban cán sự Đảng Bộ VHTTDL và cán bộ toàn ngành VHTTDL, Bộ trưởng hứa, tập thể Lãnh đạo Bộ VHTTDL, cán bộ toàn ngành thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao, khắc phục những tồn tại, hạn chế, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra cho năm 2017 và những năm tiếp theo.

Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng đã trao Huân chương Độc lập Hạng Nhì cho nguyên Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh. Hội nghị cũng đã trao Cờ, Bằng Khen của Thủ tướng, cờ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho các đơn vị, các sở VHTTDL. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải cũng đã phát động thi đua trong toàn ngành VHTTDL.

Toàn cảnh Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thay mặt Ban cán sự Đảng lãnh đạo Bộ chúc mừng những thành công của ngành.

Trong năm 2017, Bộ trưởng đề nghị, đối với ngành du lịch, cố gắng tăng từ 2- 2,5 triệu khách quốc tế trong năm 2017, đến 2018 sẽ theo kịp Indonesia.

Với thể thao, Bộ trưởng cho rằng, thành tích năm 2016 đã rất rực rỡ, năm 2017, Thể thao Việt Nam phải đứng top đầu SEA Games, chuẩn bị cho tiền đề Asian Games.

Vấn đề quan trọng là nâng tính chuyên nghiệp ở chuyên môn, thể hiện ở kỹ thuật chiến thuật trong rèn luyện thể lực và tính chuyên nghiệp của VĐV trong sinh hoạt, phong cách thi đấu, đạo đức sân cỏ.

Bộ trưởng cũng yêu cầu thể thao thành tích cao lưu ý tập trung vào những ngành mũi nhọn có thế mạnh. Với thể thao quần chúng, cần quan tâm phong trào toàn dân rèn luyện, thể thao ở mọi nơi mọi lúc, vừa nâng cao thể lực tầm vóc vừa giáo dục đạo đức lối sống cho con người, đặc biệt việc phổ cập bơi cho trẻ em phải được thực hiện khẩn trương, tích cực và triệt để hơn nữa.

Với lĩnh vực văn hóa, một trong việc cần thiết nhất hiện nay là xây dựng đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử. Năm 2016, Thủ tướng đã khen ngành VHTTDL trong việc tổ chức các hội thảo về văn hóa doanh nghiệp, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn… Bộ trưởng cho rằng, phải hỗ trợ tạo điều kiện bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và biến những sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch.

Bộ trưởng lưu ý, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các đơn vị phải gắn kết thực nhiệm vụ văn hóa với du lịch. Bảo tồn văn hóa không chỉ gìn giữ được các giá trị của văn hóa mà còn góp phần tạo sản phẩm để phát triển du lịch./.
Hồng Hà, Nam Nguyễn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×