Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

10 sự kiện tiêu biểu của ngành thư viện năm 2016

10/01/2017 | 14:25

Năm 2016, ngành Thư viện đã có những bước phát triển tích cực, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng văn hóa đọc và nâng cao tri thức cho mọi tầng lớp nhân dân. Dưới đây là 10 sự kiện tiêu biểu của ngành trong năm vừa qua:

1. Hội nghị tổng kết 05 năm hoạt động thư viện và Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hóa trong lĩnh vực thư viện giai đoạn 2011-2015 và Liên hoan tiếng hát ngành thư viện lần thứ III



Hội nghị - Hội thảo diễn ra từ ngày 02-03/6/2016 tại Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với sự tham gia của hơn 500 đại biểu là cán bộ Lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao, cán bộ Lãnh đạo thư viện tỉnh/thành, cán bộ thư viện cấp huyện, cấp xã của 63 tỉnh/thành trong cả nước. Hội nghị đã đánh giá một cách toàn diện những thành tựu của ngành thư viện đã đạt được trong giai đoạn 2011-2015, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn 2016-2020.

Cùng với Hội nghị, Liên hoan tiếng hát ngành thư viện với chủ đề “Thư viện mãi mãi một niềm tin” đã được tổ chức với sự tham gia của các tiết mục đến từ các cán bộ thư viện của hệ thống thư viện công cộng trong cả nước.

Hội nghị đã mở ra giai đoạn phát triển mới (2016-2020) với sứ mệnh hướng tới cộng đồng, tích cực phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân, phục vụ xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Hội nghị được đánh giá có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trong hoạt động thư viện.

 2. Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh Thư viện tại 03 miền Bắc, Trung, Nam



Nằm trong các nhiệm vụ để triển khai Dự án Luật Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành các Hội nghị-Hội thảo tổng kết 15 năm tình hình thực hiện Pháp lệnh thư viện tại 03 miền Bắc, Trung, Nam. Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã nêu lên những thuận lợi, khó khăn, đánh giá tác động, hiệu quả và xem xét các vấn đề còn bất cập, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh trong thực tiễn hoạt động thư viện hiện nay, trên cơ sở đó làm căn cứ giúp Ban Soạn thảo Luật thư viện xây dựng, hoàn thiện Dự thảo trình Quốc hội.

3. Ký kết Chương trình phối hợp công tác số 122/CTPH-BVHTTDL-BGDĐT giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện



Ngày 15 tháng 01 năm 2016, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết chương trình phối hợp công tác trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện. Nội dung Chương trình phối hợp công tác bao gồm: xây dựng, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực nhà trường, tuyên truyền, hướng dẫn triển khai các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, đào tạo cán bộ thư viện, tạo cơ chế giúp các thư viện nhà trường và thư viện công cộng cùng một khu vực, cộng đồng dân cư có thể liên kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.

Chương trình phối hợp công tác là bước đi quan trọng của hai Bộ và có ý nghĩa sâu sắc trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với thư viện nhà trường và cơ sở giáo dục.

4. Ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Cục công tác chính trị (Bộ Công an) trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện



Ngày 06 tháng 12 năm 2016 tại Trụ sở của Bộ Công An đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đẩy mạnh hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong hệ thống thư viện Công an nhân dân giai đoạn 2016-2021 giữa Cục Công tác Chính trị (Bộ Công An) và Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Nội dung phối hợp bao gồm: Tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các thư viện; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực thư viện trong Công an nhân dân; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ thư viện Tạo cơ chế giúp các thư viện có thể hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau về cơ sở vật chất, trang thiết bị thư viện, kinh nghiệm quản lý, nguồn nhân lực…

Chương trình phối hợp công tác là bước đi quan trọng  của hai Bộ và có ý nghĩa sâu sắc trong việc nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về thư viện, từng bước củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện Công an nhân dân, phát huy tối đa nguồn lực hai ngành.

5. Triển khai Dự án trang bị xe ô tô lưu động cho 05 thư viện tỉnh: Sơn La, Quảng Nam, Gia Lai, Nghệ An, An Giang



Thực hiện Dự án “Trang bị xe ô tô thư viện lưu động” do Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khởi xướng và vận động tài trợ, ngày 07 tháng 10 năm 2016 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tập đoàn Vingroup tổ chức Lễ trao tặng xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện cho các địa phương: Sơn La, Nghệ An, Quảng Nam, Gia Lai, An Giang. Nội dung và mục đích của Dự án là thúc đẩy việc đưa thông tin, tri thức đến với người dân (bao gồm cả người khiếm thị và khuyết tật), cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và những vùng đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tạo điều kiện cho người dân thực hiện việc học tập suốt đời.

Đây được coi là một trong những sự kiện có tính đột phá đối với sự phát triển của ngành thư viện trong năm 2016.

6. Thành lập Thư viện Công An nhân dân-Thư viện đầu ngành về Công an



Ngày 25 tháng 5 năm 2016 tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân (Bộ Công an) đã tổ chức Lễ khai trương Thư viện Công an nhân dân. Thư viện được xây dựng tại Trụ sở Bộ Công an gồm: Kho lưu trữ luân chuyển tài liệu, phòng đọc truyền thống, phòng đọc điện tử, trang tin điện tử để bạn đọc có thông tin, quảng bá hoạt động của thư viện Công an nhân dân. Thư viện Công an nhân dân đã và đang từng bước khẳng định vị thế là thư viện đầu ngành về phát triển văn hóa đọc trong lực lượng Công an nhân dân.

7. Đại hội Hội thư viện Việt Nam nhiệm kỳ III (2016-2021)



Ngày 25/11/2016, Đại hội đại biểu Hội Thư viện nhiệm kỳ III (2016-2021) của Hội Thư viện Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Đại hội đã tổng kết những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ 2011-2015, phương hướng hoạt động nhiệm kỳ III (2016-2021) với nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về Hội thư viện, phát triển các chi hội, liên chi hội, phát huy vai trò trong công tác chuyên môn, nâng cao vị thế của Hội và công tác chuẩn bị đại hội CONSAL XVII và XVIII.

Đại hội đã nhất trí bầu 51 đồng chí vào Ban Chấp hành Hội Thư viện Việt Nam. Ông Phạm Thế Khang giữ chức Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam.

8. Khai trương phòng đọc dành cho người khuyết tật, khiếm thị tại thư viện tỉnh Đồng Tháp



Ngày 28 tháng 6 năm 2016, nhân tuần lễ học tập suốt đời với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số”, nhằm tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn có điều kiện khai thác và sử dụng thư viện một cách có hiệu quả đặc biệt là người khuyết tật, khiếm thị, trẻ em cơ nhỡ, không có điều kiện đến trường, từ ngày 28/6/2016 thư viện tỉnh Đồng Tháp mở cửa Phòng phục vụ dành cho người khuyết tật.

Với cơ sở vật chất 20 chỗ ngồi, trang bị 1.000 bản sách các loại, 200 đĩa CD (dạng sách nói) Phòng đọc dành cho người khuyết tật (bao gồm người khiếm thị, khiếm thính và các dạng khuyết tật khác) đã trở thành một cầu nối hữu hiệu giúp cho người khuyết tật, khiếm thị và những đối tượng đặc biệt khác có thể tiếp cận với thông tin, tri thức, giúp các đối tượng này hình thành thói quen sử dụng sách báo, mở rộng kiến thức.

9. Anh Nguyễn Quang Thạch nhận giải xóa mù chữ của UNESCO với mô hình sách hóa nông thôn


Nguồn: vov.vn

Ngày 8/9/2016, UNESCO đã trao giải thưởng Vua Sejong về xóa mù chữ cho Chương trình “Sách hóa nông thôn” của anh Nguyễn Quang Thạch. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được tôn vinh giải thưởng lớn của UNESCO về xóa mù chữ. Chủ tịch Ban Giám khảo đánh giá nhờ có sáng kiến này mà Việt Nam đạt tỷ lệ cao về xóa mù chữ.

Giải thưởng của UNESCO này không chỉ là sự động viên đối với cá nhân anh Nguyễn Quang Thạch mà còn là động lực lớn cho các nỗ lực sáng kiến chung trong cộng đồng để nâng cao văn hóa đọc tại Việt Nam.

10. Khai trương không gian chia sẻ S.Hub tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (Ngày 24 tháng 11 năm 2016)



Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc với một không gian hiện đại, mang đến cảm hứng sáng tạo để học tập, trao đổi tri thức, ngày 24/11/2016, Thư viện Quốc gia Việt Nam và Công ty Điện tử Samsung Vina chính thức khai trương không gian chia sẻ S.Hub tại Thư viện Quốc gia.

Không gian chia sẻ S.hub sẽ trở thành nơi lưu truyền tri thức và khơi gợi nguồn cảm hứng thực sự tin cậy, thân thiện, đổi mới, sáng tạo và đem đến một mô hình tổ chức dịch vụ thư viện đổi mới, phục vụ cho việc đọc, nghiên cứu, giao lưu, học tập và chia sẻ ý tưởng của các bạn trẻ./.

Vụ Thư viện

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×