Tên tài liệu:
Lĩnh vực:
Dự Hội nghị có đồng chí Đỗ Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể; thành viên Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh, 15 huyện, thành phố.
Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh Lê Công Nghiệp nhấn mạnh: Những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện công tác gia đình và PCBLGĐ. Đẩy mạnh quán triệt, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCBLGĐ, thực hiện 16.602 tin, bài, ảnh các loại, 48 kịch bản truyền thanh, 14 kịch bản thông tin lưu động, hàng ngàn pa nô, băng rôn, áp phích, khẩu hiệu, gần 250 ngàn sách mỏng, tài liệu, tờ rơi, băng cassette, đĩa CD. Đội tuyên truyền lưu động tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; đội chiếu bóng lưu động tỉnh lồng ghép tuyên truyền PCBLGĐ bằng hình thức xe hoa, xe loa phóng thanh, chiếu phim lưu động, góp phần lan tỏa rộng rãi những thông điệp về PCBLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc đến cộng đồng. Mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên phổ biến giáo dục pháp luật các cấp được củng cố, phát huy, toàn tỉnh có 159 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 498 cấp huyện và 2.498 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Qua 10 năm, tổ chức 93.445 cuộc, có 3.642.244 lượt người là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham dự.
Quang cảnh Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ
Về mô hình PCBLG, toàn tỉnh có 131 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 59 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 145 địa chỉ tin cậy cộng đồng; 189 đường dây nóng. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ lồng ghép các mô hình, thành lập 3.904 câu lạc bộ, tổ, nhóm với 72.182 thành viên tham gia thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Chi hội phụ nữ 3 sạch góp phần xây dựng nông thôn mới”; câu lạc bộ, tổ, nhóm “Nuôi dạy con tốt”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Người cha tốt của con”, “Gia đình hạnh phúc”, “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”, câu lạc bộ “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững”...
Cũng theo đồng chí Lê Công Nghiệp, số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có xu hướng giảm qua các năm, tuy nhiên trong 10 năm còn xảy ra 4.457 vụ, trong đó, đưa ra cộng đồng dân cư góp ý, phê bình 133 vụ; áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn 29 vụ; xử phạt hành chính 357 vụ, xử lý hình sự 161 vụ. Riêng lực lượng Công an các cấp tiếp nhận, xử lý 393 vụ, 400 đối tượng, xử lý hành chính 337 vụ với 343 đối tượng, khởi tố điều tra 56 vụ, 57 đối tượng; đưa 44 đối tượng có hành vi bạo lực gia đình ra kiểm điểm trước dân. Tòa án tỉnh phối hợp tổ chức 4 phiên tòa lưu động xét xử 4 vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại huyện Hòn Đất, thành phố Rạch Giá, huyện Phú Quốc và huyện An Minh. Trong số 4.323 người bị bạo lực gia đình, đối tượng là nữ từ 16 tuổi đến 59 tuổi chiếm hơn 81%, trẻ em chiếm gần 15,7%, từ 60 tuổi trở lên chiếm 3,3%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình như: cờ bạc, rượu chè, số đề, tệ nạn xã hội… Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ nghèo đói, thiếu việc làm, kết hôn sớm, ngoại tình, ghen tuông; bất bình đẳng giới, thiếu hiểu biết pháp luật về PCBLGĐ; thiếu các kỹ năng ứng xử, giải quyết khi gia đình xảy ra mâu thuẫn, xung đột… Một số nơi cộng đồng dân cư còn thờ ơ với hành vi bạo lực gia đình; một số vụ bạo lực gia đình do nạn nhân giấu giếm vì giữ thể diện gia đình, hoặc sợ bị bạo lực nhiều hơn, một phần còn do nhận thức đây là việc riêng…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh Kiên Giang ghi nhận, biểu dương các cấp, các ngành, các địa phương, tập thể, cá nhân đã nỗ lực cùng chung tay, góp sức triển khai thi hành Luật PCBLGĐ trong thời gian qua. Đồng chí yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo Công tác gia đình, các cấp, các ngành và các đại biểu tham dự hội nghị cần xem xét khắc phục những tồn tại hạn chế đã nêu tại hội nghị. Trong thời gian tới, BCĐ Công tác gia đình các cấp nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo của Trung ương để tham mưu thực hiện đồng bộ, nhất là thực hiện Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 29/02/2016 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động quốc gia về PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2020. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác PCBLGĐ; đưa mục tiêu về PCBLGĐ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm ở các ngành, địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho rằng, cần đổi mới nội dung, phương thức triển khai tuyên truyền sâu rộng, phù hợp với thực tiễn địa phương; phát huy vai trò chủ động phối hợp giữa các cấp, các ngành, chú trọng vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư đối với công tác PCBLGĐ. Gắn triển khai, tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới và các phong trào, cuộc vận động khác. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình PCBLGĐ ở cơ sở, tổ chức sơ kết việc thực hiện các mô hình; khuyến khích các tập thể, cộng đồng, gia đình, người dân tham gia PCBLGĐ, cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện Luật PCBLGĐ, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật; biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác PCBLGĐ; kiểm điểm, phê bình cơ quan, đơn vị, địa phương, tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, đề nghị cấp ủy, chính quyền, BCĐ Công tác gia đình các cấp hàng năm tổ chức sơ, tổng kết việc triển khai thi hành Luật, kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế…
Dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen cho 10 tập thể và 10 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ (2008- 2018)./.
Bình Nguyên