Tên tài liệu:
Lĩnh vực:
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa tổ chức Gặp mặt nhân kỷ niệm 25 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới (11/12/1993); 15 năm Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO ghi tên vào danh mục Kiệt tác Văn hóa phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại (7/11/2003).
TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phát biểu khai mạc. Ảnh: Nhật Tuấn.
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết, sau chiến tranh, Quần thể Di tích Cố đô Huế bị tàn phá nghiêm trọng, chỉ còn 400/1400 công trình nhưng trong tình trạng đổ nát, hư hỏng.
Các di sản phi vật thể cũng bị hủy hoại, thất tán. Hệ thống lễ hội cung đình đã không còn tồn tại sau khi triều Nguyễn chấm dứt; hệ thống sách vở, tư liệu đồ sộ của triều Nguyễn cũng bị hủy hoại hoặc bị di chuyển phần lớn đi nơi khác…
“Trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước sau chiến tranh, việc bảo tồn di sản văn hóa Huế gặp muôn vàn khó khăn. Năm 1981, trong Lời kêu gọi cứu vãn di sản văn hóa Huế tại Hà Nội, Tổng Giám đốc UNESCO lúc bấy giờ - Ngài M’Bow - đã cho rằng: Di sản Huế đang ở trong tình trạng lâm nguy, đang đứng bên vực thẳm của sự diệt vong và sự quên lãng… Chỉ có “một sự cứu nguy khẩn cấp” với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế thì mới có thể giúp Huế thoát ra khỏi tình trạng trên”, TS. Phan Thanh Hải chia sẻ.
Ngay sau đó, một cuộc vận động quốc tế để hỗ trợ Huế đã được triển khai mạnh mẽ; sự nhìn nhận về triều Nguyễn và các di sản của triều đại này cũng từng bước thay đổi theo hướng tích cực.
Tháng 6/1982, Công ty Quản lý Di tích và Danh thắng Huế được thành lập (từ năm 1992 đổi tên thành Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể di tích Cố đô và các di sản văn hóa phi vật thể liên quan.
Bằng sự vào cuộc khẩn trương của các cấp chính quyền, năm 1992, bộ hồ sơ về di sản vật thể của Huế đã được xây dựng và đệ trình UNESCO. Ngày 11/12/1993 (cách đây 25 năm), Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Nhằm bảo tồn di sản văn hóa Huế, ngày 12/2/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 105/TTg phê duyệt Dự án quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Cố đô Huế, giai đoạn 1996 - 2010 và sau này là Quyết định số 818/QĐ-TTg phê duyệt dự án điều chỉnh Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, giai đoạn 2010 - 2020.
TS. Phan Thanh Hải cho biết: “Di sản Văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử dần dần được hồi phục. Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung”.
Đến nay, Huế được UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu của Việt Nam về bảo tồn di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, đánh giá cao những nổ lực của đội ngũ Trung tâm. Ảnh: Nhật Tuấn.
Sau khi Quần thể Di tích cố đô Huế được công nhận là Di sản Thế giới, 10 năm sau (ngày 7/11/2003), Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam tiếp tục được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại (đến năm 2008 được gọi là Di sản Phi vật thể Đại diện của nhân loại). Đây cũng là loại hình di sản Phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận là Di sản Thế giới.
Từ khi Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có nhiều nỗ lực góp phần làm cho loại hình âm nhạc đặc biệt này tiếp tục khẳng định giá trị và lan toả. Nhiều nội dung công việc đã được chú trọng như: sưu tầm, lưu trữ tài liệu; nghiên cứu và phục hồi hệ thống bài bản, nhạc cụ, y phục…
Trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp UNESCO cho các cá nhân xuất sắc. Ảnh: Nhật Tuấn.
Những thành công vang dội bước đầu của công cuộc bảo tồn các giá trị di sản Huế đã mở ra tiền đề thúc đẩy công cuộc phục hưng di sản Huế bước sang một tầm cao mới, đi vào chiều sâu và mang tính toàn diện hơn.
Năm 2009, Mộc bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới. Tiếp sau đó, hai Di sản tư liệu khác của triều Nguyễn cũng đã được Uỷ ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO công nhận Di tư liệu. Đó là: Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016). Đến năm 2017, Châu bản triều Nguyễn cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới.
Như vậy, Cố đô Huế đã có 5 di sản thế giới ở tất cả 3 loại hình: Di sản Văn hóa vật thể, Di sản Phi vật thể, Di sản Tư liệu. 3 trong số đó đều là các di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở 3 loại hình.
Di sản Huế: Từ ‘đống đổ nát’ vươn lên tầm thế giới. Ảnh: Nhật Tuấn.
Chia sẻ tại buổi kỷ niệm, ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, đã chúc mừng và đánh giá cao những nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác bảo tồn di tích, cả về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm quản lý đối với di sản văn hóa.
Nằm trong chương trình kỷ niệm này, còn có hoạt động Trưng bày, giới thiệu “Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo điện Kiến Trung”; xuất bản ấn phẩm “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Thế giới tại Cố đô Huế”…
Theo khampha.vn