Tên tài liệu:
Lĩnh vực:
Điểm hẹn Bình Liêu
Đã đến Bình Liêu công tác khá nhiều dịp, tham gia trải nghiệm một số lễ hội văn hóa, nét sinh hoạt của bà con dân tộc thiểu số, song với tôi Bình Liêu vẫn chưa bao giờ “cũ”. Trong tiết trời thu tháng 9 đã bắt đầu se lạnh, dọc tuyến đường tuần tra biên giới nơi đây tựa như bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp. Từng đám mây lảng bảng vờn trên đỉnh núi, những thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau chạy tít tắp đến tận chân trời, thấp thoáng đây đó làn khói bếp bay lên từ những ngôi nhà vách đất truyền thống nép mình bên lưng đồi... Tất cả hòa quyện tự nhiên, thanh bình như chính cảnh sắc và nhịp sống nơi đây vậy.
Cung đường biên giới ở Bình Liêu nhìn từ trên cao.
Khoảng hai, ba năm trở lại đây những tên địa danh như thác Khe Vằn, Khe Tiền, dãy núi Cao Ba Lanh, Cao Xiêm, Cao Ly, những cột mốc 1305, 1327... đã trở nên phổ biến và quen thuộc với du khách trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là những khách phượt. Và khi nhắc đến Bình Liêu, người ta không chỉ nghĩ về một vùng đất biên giới với 96% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gắn với đặc thù phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, cửa khẩu mà còn biết đến là một địa điểm du lịch đặc sắc, ấn tượng.
Những chuyển mình rõ nét của Bình Liêu trong khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch địa phương thời gian qua phải kể đến sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/HU. Nghị quyết ban hành đã tạo động lực mạnh mẽ, mở ra một hướng đi mới cho Bình Liêu trên con đường phát triển và hội nhập.
Năm 2015, Bình Liêu đã xây dựng được 3 tuyến, 7 điểm tham quan du lịch và được UBND tỉnh công nhận. Cụ thể, tuyến 1 từ thị trấn Bình Liêu - xã Húc Động - xã Đồng Văn - Cửa khẩu Hoành Mô; tuyến 2 từ trung tâm thị trấn Bình Liêu - xã Lục Hồn - cửa khẩu Hoành Mô - xã Đồng Văn; tuyến 3 từ thị trấn Bình Liêu - đường tuần tra biên giới - cửa khẩu Hoành Mô. 7 điểm du lịch trên địa bàn huyện, bao gồm: Thác Khe Vằn, thác Khe Tiền, thác Sông Moóc, đình Lục Nà, chợ trung tâm huyện Bình Liêu, chợ Đồng Văn và Cột mốc số 1317, cửa khẩu Hoành Mô. Huyện cũng đã quy hoạch được 7 nhóm sản phẩm du lịch theo chuyên đề, nổi bật là: Du lịch khám phá, trải nghiệm bản sắc văn hóa, các ngày lễ hội như lễ hội đình Lục Nà, hội Kiêng gió của dân tộc Dao Thanh Phán, hội hát Soóng cọ (dân tộc Sán Chỉ)...
Trên cơ sở các tuyến, điểm du lịch đã được quy hoạch, những năm qua, huyện đã tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Đến nay, đã hoàn thành các tuyến đường tuần tra biên giới và đường lên các cột mốc có cảnh quan đẹp, như: Đường Lục Ngù - Khe Tiền, Nà Ếch - Khe Vằn, Đồng Văn - Khe Tiền... Đối với dịch vụ lưu trú, nếu trước đây Bình Liêu chỉ có một nhà nghỉ Bình Sơn tại trung tâm thị trấn và 5 nhà nghỉ có quy mô nhỏ tại cửa khẩu Hoành Mô thì nay đã có 17 cơ sở lưu trú với gần 200 phòng. Từ năm 2017, trên địa bàn cũng đã phát triển một số nhà ở theo hình thức homestay cho khách du lịch thuê đi kèm nhiều dịch vụ cho thuê lều trại, xe máy, trang phục dân tộc, bán nông sản địa phương...
Cùng với đó, các hoạt động quảng bá, xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch cũng được huyện quan tâm. Đặc biệt, để giới thiệu, kết nối, quảng bá và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ du lịch của địa phương, tháng 8/2017, Bình Liêu đã thành lập và đưa vào hoạt động Văn phòng Du lịch.
Quyết tâm tạo đột phá
Theo thống kê của UBND huyện, năm 2015, toàn huyện ước tính đón trên 33.000 lượt khách, 7 tháng đầu năm 2018 đã đón gần 41.000 lượt khách. Như vậy, số lượt khách nội địa đến địa bàn đã vượt mục tiêu Nghị quyết 01-NQ/HU đề ra. Song doanh thu về du lịch vẫn chỉ duy trì trung bình đạt 15 tỷ đồng/năm còn rất thấp so với mục tiêu nghị quyết. Trước những khó khăn hiện nay về hạ tầng dịch vụ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tiếp cận được thị trường khách quốc tế, chưa thu hút đầu tư ngoài ngân sách nhà nước... Bình Liêu đã đề ra một số giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Theo đó, chủ động vận dụng có hiệu quả các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào các ngành, nghề liên quan đến phát triển du lịch; tiếp tục tạo môi trường thông thoáng, hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư làm động lực thúc đẩy phát triển du lịch. Đồng thời, kiến nghị tỉnh tiếp tục nghiên cứu, sớm ban hành chính sách khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, đổi mới công tác quảng bá hướng tới thị trường khách du lịch nước ngoài; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích nguồn lực trong nhân dân để phát triển du lịch.
Anh Tằng Văn Dào, chủ Homestay A Dào, xã Đồng Văn, chia sẻ: Thời gian qua thực hiện mô hình homestay, lượng khách du lịch lưu trú tại cơ sở đã ổn định và có xu hướng tăng. Tôi cũng đang tập trung nguồn vốn, học tập kinh nghiệm dự định mở rộng mô hình có thêm phòng riêng cho gia đình, nhóm bạn và các dịch vụ phục vụ du khách có nhu cầu tự nấu ăn, tổ chức liên hoan. Đồng thời, đưa thêm nhiều hoạt động trải nghiệm sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc Dao ngay trong homestay như văn hóa ẩm thực, may trang phục truyền thống...
Bên cạnh đó, Bình Liêu cũng sẽ chú trọng phát huy hiệu quả hoạt động của Văn phòng Du lịch trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch; tăng cường kết nối với các tour du lịch trong nước. Trước mắt, Bình Liêu đang gấp rút tập trung hoàn thành việc xây dựng bản văn hóa, du lịch người Tày Đồng Thanh gắn với phát triển du lịch và chuẩn bị cho Lễ hội hoa sở diễn ra vào tháng 12 tới đây.
Với những giải pháp đồng bộ, tin tưởng rằng du lịch Bình Liêu sẽ tiếp tục có những khởi sắc trong thời gian tới, khẳng định hướng đi đúng của cấp ủy, chính quyền trong định hướng, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương.
Theo baoquangninh.com.vn