Tên tài liệu:
Lĩnh vực:
Đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
Đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình
Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt quá trình lịch sử, gia đình Việt Nam luôn là môi trường văn hoá để mỗi cá nhân được phát triển toàn diện, hướng đến chân thiện mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc và có trí tuệ, tư duy tiến bộ.
Trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập hiện nay, bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống, gia đình Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ và thách thức không nhỏ. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử, không đăng ký kết hôn ngày càng tăng; tệ nạn xã hội tiếp tục xâm nhập vào gia đình; tình trạng tảo hôn, phụ nữ lấy chồng nước ngoài qua môi giới bất hợp pháp; tình trạng buôn bán người, bạo lực và xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp;… đặc biệt, gần đây xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình hết sức nghiêm trọng đã phá vỡ nền tảng giá trị đạo đức trong gia đình, làm băng hoại các chuẩn mực của xã hội.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chưa thực hiện nghiêm và có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về gia đình; công tác truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống chưa phát huy hiệu quả cao; nhất là chưa xem việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình là nền tảng, là tiền đề để hình thành nhân cách con người, từ đó kết hợp với giáo dục đạo đức, lối sống ở nhà trường, cộng đồng và xã hội; nhiều gia đình còn xao nhãng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên trẻ trong gia đình; chưa nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trước tình hình trên, Bộ VHTTDL đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, Đề án, Chỉ thị nhằm tăng cường các giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình phù hợp với tình hình hiện nay trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 33-NQ/TW Ban chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; và các mục tiêu cần đạt đến năm 2020 của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, các Chương trình, Đề án, liên quan thuộc lĩnh vực gia đình.
Ngày 26 tháng 12 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm (gọi tắt là Đề án 2589). Đề án 2589 gồm các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về Ngày Quốc tế Hạnh phúc, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc.
Ngày 29 tháng 3 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, xây dựng các chương trình chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược, Chương trình, Đề án liên quan đến lĩnh vực gia đình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong giai đoạn đến năm 2020; ưu tiên bố trí nguồn lực đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ được giao; lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình với các phong trào, cuộc vận động đang triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đánh trống khai mạc Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2018.
Sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã có nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế của gia đình Việt Nam trước những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cụ thể, thực hiện Đề án 2589, từ năm 2014-2018, Bộ VHTTDL đều có văn bản hướng dẫn về chủ đề, các khẩu hiệu tuyên truyền, nội dung hoạt động gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ cũng có Kế hoạch từng năm tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc đã tạo dư luận tốt, lan tỏa trong xã hội như: Năm 2014 chủ trì với sự phối hợp của TW Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3, chủ đề ”Yêu thương và Chia sẻ” tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đồng thời trao giải cuộc thi viết về “Gia đình hạnh phúc” trên Báo Văn hóa. Năm 2015 chủ trì với sự phối hợp của Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn TP Hồ Chí Minh chương trình nghệ thuật “Bài ca Hạnh phúc” và triển lãm nghệ thuật “Hạnh phúc ngày sum họp” gắn với sự kiện kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015). Năm 2016 tổ chức Hội thi Câu lạc bộ Gia đình chủ đề về “Gia đình hạnh phúc”. Năm 2017 chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng văn hóa gia đình thời kỳ đương đại”, chủ trì với sự phối hợp của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học “Quan niệm về hạnh phúc của người Việt Nam”. Bên cạnh đó tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách gắn với việc nâng cao chỉ số hạnh phúc xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội…
Với nội dung phù hợp với nguyện vọng chung của các tầng lớp nhân dân, các thông điệp tuyên truyền chủ đề “Yêu thương và chia sẻ” được đánh giá mang tính hiệu triệu, vận động mạnh mẽ và tính nhân văn sâu sắc; đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3, đông đảo nhân dân biết tới Ngày Quốc tế Hạnh phúc, ý nghĩa của Ngày Quốc tế Hạnh phúc; tiếp nhận được nhiều hơn thông tin về các chính sách an sinh xã hội. Những thông điệp, các hoạt động cụ thể được người dân sáng tạo, chia sẻ thông qua các hình vẽ, thiệp, ảnh, clip, lời chúc lan truyền cảm hứng trên mạng xã hội và bằng những hành động cụ thể quan tâm tới nhau trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... đã mang lại những cảm xúc ấm áp, khơi gợi lòng yêu thương, nhắc nhở nhau về giá trị sống tốt đẹp. Các tấm gương điển hình xuất hiện, lan tỏa trong cộng đồng. Ý thức và hành động thiết thực trong xây dựng hạnh phúc gia đình, hạnh phúc cộng đồng được nâng cao và cụ thể hóa.
Nhiều hoạt động được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày hội gia đình Việt Nam hàng năm.
Ngoài ra, thực hiện Chỉ thỉ của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch số 1797/KH-BVHTTDL ngày 28/4/2017 triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gửi tới các Bộ, ngành, địa phương. Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 3294/QĐ-BVHTTDL ngày 19/9/2016 về Kế hoạch xây dựng bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; Quyết định số 4843/QĐ-BVHTTDL ngày 08/12/2017 ban hành thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”….
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình thông qua các hình thức như: Xây dựng và phát triển chuyên mục tuyên truyền trên Đài Tiếng nói Việt Nam với thời lượng 60 phút/tuần trên các chuyên mục Gia đình Việt, Cuộc sống xanh, Diễn đàn các vấn đề xã hội, Câu lạc bộ người cao tuổi, Giáo dục và Đào tạo, Phụ nữ, Gia đình và Xã hội, Hành trang trẻ, Thiếu nhi, Đường về... ; Phối hợp tổ chức chạy chữ thông điệp truyền thông về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên Đài Truyền hình Việt Nam vào các dịp “Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3”, “Ngày Gia đình Việt Nam 28/6” và “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”.
Bên cạnh đó, duy trì chuyên trang “Gia đình” trên các báo in của Báo Phụ nữ Việt Nam, Báo Gia đình và xã hội, Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Văn hoá; báo in và báo điện tử của Tạp chí Gia đình và Trẻ em. Các ấn phẩm được phát hành theo hình thức báo tuần, báo tháng; lượng phát hành lớn, theo kênh của các báo đến với trực tiếp bạn đọc là các gia đình, cán bộ thực hiện công tác gia đình và đông đảo đối tượng khác trong xã hội. Xuất bản 200 số tạp chí chuyên đề “Gia đình hạnh phúc” gửi các Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị liên quan để làm tài liệu tham khảo phục vụ công tác tuyên truyền tại địa phương, đơn vị.
Chủ trì, phối hợp với các Ban, Bộ, ngành Trung ương, hướng dẫn 63 tỉnh, thành tổ chức các hoạt động truyền thông trọng điểm nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình…; Phối hợp tổ chức các sự kiện, hội thi, ngày hội gia đình, các cuộc triển lãm về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Chủ trì soạn thảo, biên tập, sản xuất video clip về các hoạt động hướng đến xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc.
Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình thông qua việc triển khai Đề án lồng ghép nội dung xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm phát huy hiệu quả phối hợp trong giáo dục trẻ em của 3 môi trường: gia đình, nhà trường, xã hội.
Hướng dẫn các địa phương tiếp tục kiện toàn, củng cố và phát triển mô hình “Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững”, mô hình “Phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng”. Hiện có 75% số xã/phường/thị trấn trên toàn quốc đã triển khai các mô hình này. Bộ VHTTDL ký kết chương trình phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, giai đoạn 2018-2022 nhằm thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên diện rộng, hướng tới nhiều nhóm đối tượng trong xã hội. Xây dựng kế hoạch tổ chức thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trong giai đoạn 2019-2020 từ nguồn sự nghiệp gia đình của Bộ VHTTDL hỗ trợ cho 09 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Trong tương lai chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một thế hệ gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh.
Gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã có những thay đổi sâu sắc trên các khía cạnh khác nhau, cả về cấu trúc, chức năng cũng như các mối quan hệ gia đình. Bên cạnh những mặt thay đổi tích cực, hệ giá trị gia đình cũng còn nhiều mặt hạn chế. Tuy nhiên, với những chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước và sự vào cuộc quyết liệt của các Ban, Bộ, ngành địa phương, nhất là Bộ VHTTDL, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một thế hệ gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh.
Bài 2: Gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Lan Anh