Tên tài liệu:
Lĩnh vực:
Văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống coi gia đình là một giá trị sống. Ảnh: forum.gocit.vn
Giá trị của văn hóa gia đình Việt Nam
Học giả nghiên cứu nổi tiếng về gia đình Việt Nam Léopold Cadière cho rằng, tất cả các gia đình trên thế giới cần phải học gia đình Việt Nam “Xin đưa ra một lời nguyện là đừng sử dụng bất cứ biện pháp nào có nguy cơ làm suy yếu gia đình tại xứ Việt Nam này, trái lại hãy củng cố nó bằng mọi cách…”.
Đúng vậy, trong lịch sử Việt Nam, gia đình luôn được tôn trọng “Người Việt Nam bắt đầu sự tồn tại và phát triển của dân tộc từ một gia đình – gia đình thật đông con của Lạc Long Quân và Âu cơ, với một trăm người con đầy sức sống”.
Mới đây, tại Hội nghị sinh hoạt chuyên đề của Đảng ủy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, GS.TS Đặng Cảnh Khanh đã khẳng định: Gia đình là nền tàng xã hội, vừa là nơi nương tựa về tình cảm vừa là chỗ dựa về tinh thần cho con người trong suốt cuộc đời đầy rẫy những khó khăn và trắc trở; mỗi thành viên có thể mất đi nhưng gia đình là tồn tại vĩnh viễn. Gia đình họ tộc không chỉ tồn tại trong cuộc sống đương đại mà còn từ lịch sử tổ tiên và tiếp tục truyền về mãi mãi.
Bởi vậy, hôn nhân đối với nhiều gia đình là một điều rất thiêng liêng. Theo truyền thống xưa thì đời người thường phải thực thi ba loại nghi lễ quan trọng nhất đó là: hôn nhân, tang lễ và tế lễ. Hôn nhân là việc xây dựng gia đình, tang lễ là việc ma chay cho những người thân đã quá cố, tế lễ là việc thờ cúng trời đất, ông bà tổ tiên.
Văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống coi gia đình là một giá trị sống; là một bộ phận của cộng đồng; cộng đồng có trách nhiệm với gia đình; Nguyên tắc cơ bản nhất của các mối quan hệ gia đình là tình cảm và trách nhiệm.
GS.TS Đặng Cảnh Khanh cũng nêu dẫn chứng sự khác biệt giữa gia đình Việt Nam và Trung Hoa: So với gia đình nho giáo Trung Hoa, gia đình Việt mang sắc thái xã hội nhiều hơn. Người Trung hoa chú trọng nhiều hơn tới mối quan hệ họ tộc còn người Việt chú trọng nhiều hơn tới các quan hệ cộng đồng theo kiểu bỏ anh em xa mua láng giềng gần.
Chuẩn mực cao nhất của hạnh phúc gia đình người Việt không phải là sự giàu sang mà là tình nghĩa. Người Việt yêu lao động, nhưng với họ, điều kiện vật chất chỉ là phương tiện mà chưa bao lại được đề cao như là mục đích của hạnh phúc. Bởi vậy, thực tế lịch sử đã cho thấy, chừng nào mà viên đá tảng gia đình còn vững chắc thì chừng đó, các cấu trúc xã hội được xây dựng trên đó còn ổn định.
Gia đình Việt Nam truyền thống nghiêng nhiều về quan hệ tình cảm, tình nghĩa còn gia đình nho giáo Trung Hoa nghiêng nhiều về mặt bổn phận, trách nhiệm, lễ nghĩa. Quan hệ trong gia đình người Việt “bình đẳng” hơn so với quan niệm nho giáo. Quyền uy của người cha trong gia đình nho giáo là quyền uy lớn nhất.
Trong hôn nhân, người phụ nữ cũng được đảm bảo một số quyền lợi mà gia đình nho giáo không thể có được như quyền được chia tài sản khi ly hôn, quyền được xóa bỏ hôn nhân nếu gặp phải người đàn ông không xứng đáng.
Ngày xưa ta có Luật Hồng Đức quy định, hôn lễ chỉ được chính thức công nhận khi người phụ nữ thuận tình. Thậm chí trong trường hợp đã đính hôn, mà người con trai bị tật nguyền, phạm án hoặc phá tan tài sản thì người phụ nữ có quyền trả lại sính lễ và không thành hôn.
Học giả Đào Duy Anh đã viết “Nếu người đàn ông bị tội lưu đày thì pháp luật bắt cả vợ chính, vợ hầu phải đi theo để khỏi chia lìa gia đình. Cha mẹ, con cháu người bị tội thì được tùy ý. Sở dĩ pháp luật thi hành những đặc ân ấy là cốt để gia đình khỏi bị điêu tàn”. Qua đó, có thể khẳng định, gia đình họ tộc không chỉ tồn tại trong cuộc sống đương đại mà còn từ lịch sử tổ tiên và tiếp tục truyền về mãi mãi.
Chuẩn mực cao nhất của hạnh phúc gia đình người Việt không phải là sự giàu sang mà là tình nghĩa. Ảnh minh họa (nguồn: Nguồn ảnh IT)
Định hướng chung xây dựng gia đình Việt Nam
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thay đổi tích cực nói trên, hệ giá trị gia đình cũng còn nhiều mặt hạn chế. Nhiều gia đình, để tham gia vào sự phân công lao động mới, vào thị trường lao động đã buộc phải chấp nhận cảnh phân tán, li biệt. Thay đổi về giá trị gia đình thể hiện ở hai khía cạnh: Thứ nhất là sự tái sinh trở lại ở nơi này nơi khác những hủ tục của gia đình kiểu cũ gắn liền với tư tưởng phong kiến lạc hậu; Thứ hai là sự phát triển tràn lan của những quan điểm nhận thức và hành vi không đúng đắn về gia đình xuất phát từ ảnh hưởng của lối sống cá nhân, thực dụng.
Việc phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội và bình đẳng về kinh tế với nam giới, cũng làm cho họ vắng bóng nhiều hơn trong môi trường gia đình. Trẻ em lớn lên và học tập trong nhà trường nhiều hơn là của cha mẹ, ông bà và gia đình. Gia đình cũng có thể trở nên lạnh giá hơn… Mặt khác, với sự mở rộng của giáo dục và phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, phụ nữ ngày nay cũng ít phụ thuộc hơn vào những chuẩn mực và hình thức của gia đình truyền thống. Việc thực hiện các quyền của phụ nữ và trẻ em đã làm biến đổi trật tự gia đình cũ.
Yêu tố gia đình tác động làm tăng tội phạm: Quan hệ gia đình lỏng lẻo. Trong nền kinh tế thị trường, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không còn chặt chẽ như trước đây, tình trạng ly hôn, ly thân giữa các cặp vợ chồng gia tăng, thiếu sự chăm sóc lẫn nhau; Đặc biệt là trong những gia đình có vấn đề: gánh nặng gia đình quá lơn, gia đình có người nghiện hút, có người chơi cờ bạc, có người liên quan đến mại dâm và có tiền án, tiền sự… Đây là những nguyên nhận dẫn đến con cái họ bản thân họ để roi vào các hoạt động tội phạm, ma túy, mại dâm…
Để hướng tới việc giải phóng các nguồn lực con người, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta không thể không chống lại những di hại của chủ nghĩa gia trưởng, chống lại những tư tưởng trọng nam khinh nữ, xóa bỏ những quy chuẩn cũ về gia đình, xây dựng những mô hình gia đình mới.
Theo GS. TS Đặng Cảnh Khanh để khắc phục những hạn chế của gia đình Việt Nam, trước những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trước hết cần nâng cao hệ giá trị gia đình; đảm bảo cơ sở vật chất và tinh thần cho gia đình; phát huy các giá trị truyền thống; xây dựng các quy chuẩn văn hóa mới về gia đình; tăng cường quản lý nhà nước về gia đình; phát huy vai trò của cộng đồng; Đồng thời trị liệu, ngăn chặn khủng hoảng gia đình.
Cần phát huy các giá trị truyền thống trong gia đình. Ảnh: news.zing.vn
Có thể thấy, gia đình Việt Nam ngày nay đã có những thay đổi sâu sắc trên các khía cạnh khác nhau, cả về cấu trúc, chức năng cũng như các mối quan hệ gia đình. Việc nhận diện những thay đổi đó có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành những luận cứ khoa học cho việc xây dựng luật pháp, các Nghị định, các chính sách xã hội nhằm phát huy vai trò to lớn của gia đình trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Lan Phạm