Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Yên Bái có 574 di sản văn hóa phi vật thể

13/06/2023 | 15:51

Tỉnh Yên Bái hiện có 574 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 1 di sản được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2021; 6 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Yên Bái có 574 di sản văn hóa phi vật thể - Ảnh 1.

Xoè Thái – di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại được truyền dạy trong trường học tại thị xã Nghĩa Lộ. Trong ảnh: Một buổi tập xòe của cô và trò Trường THCS Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ.

Cụ thể, 1 di sản Nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2021; 6 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ cấp sắc của người Dao huyện Văn Yên; Nghệ thuật Xòe Thái ở Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ; Hạn Khuống của người Thái thị xã Nghĩa Lộ; Lễ mừng cơm mới của người Mông, huyện Mù Cang Chải; Nghệ thuật Khèn Mông của Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu.

Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo và ban hành các văn bản thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, khích lệ đồng bào các dân tộc trong tỉnh giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.

Từ năm 2022 đến 6 tháng năm 2023, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành bảo tồn 6 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch như "Dân ca, dân vũ dân tộc Khơ Mú (xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn)”; "Dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc Phù Lá (xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Chấn)”; Lễ hội Đền Thác Bà (thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình); Lễ hội Đền Đông Cuông (xã Đông Cuông, huyện Văn Yên); Lễ hội Đền Đại Cại (xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên); Lễ hội Đền Tuần Quán (phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái).

Việc bảo tồn, tổ chức các lễ hội truyền thống tiêu biểu tại các địa phương được chú trọng. Hằng năm, trên địa bàn tỉnh diễn ra trên 60 điểm lễ hội truyền thống, trong đó có 3 điểm lễ hội được tổ chức ở các khu di tích cấp Quốc gia (Lễ hội Đền Đông Cuông, xã Đông Cuông, Lễ hội Đền Nhược Sơn, xã Châu Quế Hạ - huyện Văn Yên và lễ hội Đền Đại Cại, xã Tân Lĩnh - huyện Lục Yên), các điểm lễ hội diễn ra thường niên, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc, từng địa phương trong dịp đầu xuân ở cấp xã, thôn, bản như: Lễ hội Lồng Tồng (Xuống Đồng) của dân tộc Tày, Thái, Nùng; lễ hội Cầu mùa của dân tộc Dao; lễ hội Rằm tháng Giêng của dân tộc Thái…

Công tác tổ chức lễ hội đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và du khách đến tham quan. Các lễ hội được tổ chức đúng quy định, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Nhiều lễ hội truyền thống đã thu hút được du khách thập phương, góp phần tích cực quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của tỉnh.

Theo Báo Yên Bái

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×