Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vĩnh Phúc: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu

23/01/2024 | 10:40

Là di tích khảo cổ học có quy mô lớn, mang nhiều giá trị về dân tộc học, lịch sử, văn hóa, song di tích Đồng Đậu chưa được khai thác xứng tầm để phát triển du lịch; công tác quản lý, bảo vệ di tích chưa được thực hiện chặt chẽ, bài bản.

Trước thực tế đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, giai đoạn 2023 - 2030”, với nhiều giải pháp cụ thể nhằm đưa Đồng Đậu trở thành một trung tâm văn hóa, lịch sử, một quần thể di tích quốc gia đặc biệt về lịch sử buổi đầu dựng nước của dân tộc.

Vĩnh Phúc: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu - Ảnh 1.

Khu di tích Đồng Đậu được trông coi, gìn giữ cẩn thận. Ảnh: Kim Ly

Di tích Đồng Đậu ở thị trấn Yên Lạc có quy mô rộng 85.000 m2, được phát hiện vào tháng 02/1962. Từ đó đến nay, di tích đã được các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương nghiên cứu, khai quật khảo cổ 7 lần với tổng diện tích 802 m2.

Quá trình khai quật di tích thu được khối hiện vật đa dạng về chất liệu, số lượng và kiểu dáng, gồm đá, gốm, xương, sừng, đồng… với nhiều loại hình phong phú gồm công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, đồ trang sức, xương, răng động vật, di cốt người… phản ánh quá trình định cư lâu dài của người Việt cổ tại đây suốt gần 2 thiên niên kỷ.

Đồng Đậu là di tích khảo cổ có diễn biến văn hóa lâu dài, hiếm có, trải suốt từ thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên, qua văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun đến văn hóa Đông Sơn. Các nhà khoa học đã nhận xét: “Đồng Đậu như một tấm bia lịch sử ghi lại quá trình tồn tại và vươn lên từ thấp tới cao của người Việt cổ ở buổi đầu dựng nước”.

Những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. UBND thị trấn Yên Lạc đã thành lập Ban Quản lý di tích Đồng Đậu và cử người trực tiếp trông coi.

Chính quyền địa phương phối hợp với các ban, ngành chức năng tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa, giáo dục về lịch sử của địa phương nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân trong việc tham gia gìn giữ, bảo vệ di tích, không để xảy ra tình trạng xâm lấn trái phép di tích.

Vĩnh Phúc: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu - Ảnh 2.

Các em học sinh tham quan, tìm hiểu về những hiện vật được khai quật từ di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Kim Ly

Đến nay, di tích Đồng Đậu được bảo tồn gần như nguyên vẹn; các hoạt động nghiên cứu, khai quật, trưng bày, hội thảo, tuyên truyền, quảng bá giá trị di tích được mở rộng không chỉ ở cấp địa phương mà mang tầm quốc gia, quốc tế. Việc bảo quản, trưng bày, lập hồ sơ khoa học các bộ sưu tập hiện vật được thực hiện theo quy trình.

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, bảo quản và trưng bày gần 5.000 hiện vật được khai quật từ di tích Đồng Đậu, giúp tái hiện cuộc sống sinh hoạt, đời sống kinh tế, tâm linh của cư dân Đồng Đậu cách đây gần 4.000 năm.

Tuy nhiên, kể từ khi được phát hiện đến nay, Đồng Đậu chủ yếu được biết đến trong phạm vi của các nhà nghiên cứu, phục vụ cho các đợt thám sát, khai quật khảo cổ, nghiên cứu lịch sử và các khoa học chuyên ngành, chưa được nhân dân và du khách biết tới với vai trò là địa điểm lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa bản địa buổi đầu dựng nước.

Công tác quản lý, bảo vệ di tích chưa được thực hiện chặt chẽ, bài bản. Các lớp đất của di tích bị đào xới do hoạt động canh tác; chân gò bị xói lở do các hiện tượng thiên nhiên và một số hoạt động dân sinh; tình trạng địa táng, trồng cây lâu năm, đào giếng, tạo đường đi, giao đất đấu thầu thuộc phạm vi thềm bảo vệ đã làm hư hại tới di tích.

Công tác bảo quản các hố khai quật, các di vật phát hiện tại di tích chưa được thực hiện bài bản, khoa học. Việc đầu tư, quy hoạch di tích gắn với không gian văn hóa vùng phụ cận, với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa hiệu quả…

Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu, giai đoạn 2023-2030” đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế kể trên.

Theo đề án, trong giai đoạn 2023 - 2030, tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên ngành ở Trung ương tiến hành nghiên cứu làm sáng tỏ một cách khoa học, sâu sắc, minh chứng sinh động, phong phú về giá trị dân tộc học tại di tích; đầu tư xây dựng hạ tầng và các trung tâm dịch vụ văn hóa du lịch tại di tích gồm hệ thống đường giao thông, khuôn viên, nhà ban quản lý, bãi đỗ xe, nhà trưng bày bổ sung di tích, bia chỉ dẫn tuyến tham quan…

Khoanh vùng, điều chỉnh địa giới các khu vực bảo vệ di tích một cách hợp lý, khoa học; triển khai lắp đặt bia, biển hướng dẫn, trưng bày ngoài trời, trưng bày ảo, giáo dục trải nghiệm, kết nối di tích với các di sản văn hóa tiêu biểu trong và ngoài tỉnh để phát triển du lịch; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với các nhà khoa học khảo sát, điền dã, lập hồ sơ khoa học trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Việc triển khai các nhiệm vụ của đề án sẽ góp phần đưa Đồng Đậu trở thành một di tích đặc biệt có giá trị, tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa không chỉ ở Vĩnh Phúc mà là của quốc gia, dân tộc; góp phần gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch về nguồn cội.

Theo Báo Vĩnh Phúc

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×