Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vĩnh Long: Tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam

01/03/2021 | 10:28

Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2000 – 2020; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các văn bản, đề án về công tác gia đình giai đoạn 2010 – 2020.

Đến dự có ông Nguyễn Minh Dũng - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Trần Thanh Lâm - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Vĩnh Long

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục khơi dậy và vận động nhân dân phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc như Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và ý chí tự lực, tự cường.

Qua 20 năm thực hiện, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Tư tưởng đạo đức, lối sống trong cộng đồng dân cư chuyển biến mạnh mẽ. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân được nâng lên. Đặc biệt, phong trào đã khơi dậy truyền thống đoàn kết, tạo nên sức mạnh nội lực ngay trong mỗi người dân, mỗi gia đình, trong các tầng lớp Nhân dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền dân chủ của Nhân dân, gắn bó tình làng, nghĩa xóm; phát huy vai trò tự quản của người dân trong cộng đồng, chất lượng và đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên, nền tảng, giá trị đạo đức được quan tâm giữ gìn quy tắc ứng xử văn hóa được hình thành, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, toàn diện.

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái tiếp tục được phát huy và trở thành phong trào quần chúng, thường xuyên và sâu rộng. Công tác vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được chú trọng. Di sản văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy, nhiều giá trị văn hóa, sản phẩm văn hóa mới được hình thành và phát triển.

Cũng từ phong trào này, nhiều gương điển hình tiên tiến đã được nhân rộng và tạo được sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ; tạo động lực để phát huy tài năng, trí tuệ của các cá nhân, tập thể trong học tập, lao động sản xuất ở các cơ quan, đơn vị, xóm, ấp; giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định tình hình chính trị trên địa bàn.

Có thể nói, trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thì công tác gia đình, nhất là xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nội dung quan trọng. Đối với tỉnh Vĩnh Long, công tác gia đình trong thời gian qua có chuyển biến tích cực. Qua triển khai Kế hoạch, tỉnh đã thực hiện đạt và vượt nhiều mục tiêu, chỉ tiêu. Nếu như năm 2000 cả tỉnh chỉ có 33,8% hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa thì đến 2020 có đến 96,8% gia đình văn hóa.

Năm 2000 cả tỉnh có 14,3% ấp khóm khu đạt chuẩn văn hóa thì đến năm 2020 có đến 99,4% ấp khóm khu đạt chuẩn văn hóa. Đến nay, tỉnh có 67/73 xã đạt danh hiệu "Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới", đạt tỷ lệ 91,78%; 13/20 phường, thị trấn đạt danh hiệu "Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị".

Các gia đình được phổ biến, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật về các chế độ chính sách, về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng ngừa sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình; hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo được cung cấp kiến thức, kỹ năng để phát triển kinh tế gia đình, ứng phó thiên tai, dịch bệnh,...

Đặc biệt, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn có sự chuyển biến mạnh mẽ. Các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội đã nâng cao trách nhiệm, từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình. Đến năm 2020, tỉnh Vĩnh Long đã cơ bản thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn.

Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời để thực hiện hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và công tác gia đình với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, để phong trào này thật sự trở thành động lực phấn đấu ngay trong mỗi gia đình, trong mỗi người dân.

Đặc biệt, xem trọng công tác vận động nhân dân, mọi thành phần kinh tế xã hội trên cơ sở đề cao vai trò, trách nhiệm và tính hiệu quả của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị nhằm đưa từng nội dung, tiêu chí của phong trào đi sâu vào đời sống, từ đó huy động sức mạnh tổng hợp của cộng đồng xã hội gắn với mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Các ngành, các cấp, đoàn thể phải chủ động và sáng tạo trong xây dựng kế hoạch, kinh phí thực hiện phong trào và công tác gia đình; thường xuyên kiểm tra, giám sát và tổ chức bình xét, công nhận danh hiệu văn hóa đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định, nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, công bằng, phản ánh đúng số lượng và chất lượng các danh hiệu văn hóa. Kịp thời khen thưởng, biểu dương, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, các mô hình, cách làm hay, tạo sự lan tỏa rộng khắp về tính hiệu quả tích cực của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình trên địa bàn.

Đẩy mạnh việc vận động nâng cao chất lượng và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Ấp, khóm văn hóa"; triển khai và thực hiện nghiêm túc việc xây dựng nếp sống văn minh gắn với gia đình văn hóa, gia đình gương mẫu trong việc chấp hành và thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Chú trọng phát huy vai trò của người dân trong tham gia thực hiện phong trào. Phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư. Từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần phát huy vai trò nêu gương, đồng hành với Nhân dân cùng tham gia thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình

Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới và đô thị văn minh và Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương; ưu tiên kinh phí cho hoạt động của các phong trào, quan tâm đầu tư xây dựng, tăng cường hoạt động về các thiết chế văn hóa, các hoạt động thể dục thể thao với phương châm "nâng cao chất lượng, quan tâm sâu sát kịp thời và có sự thống nhất, đồng thuận cao, nhất quán từ tỉnh đến cơ sở

Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Ban Chỉ đạo công tác gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cần chủ động và tích cực hơn nữa trong công tác tham mưu, đề xuất lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả phong trào và công tác gia đình....

Dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tặng Bằng khen cho cho 1 tập thể, 1 hộ gia đình và 2 cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000-2020.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2000-2020; 04 tập thể và 07 cá nhân tiêu biểu trong việc thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản, đề án về công tác gia đình giai đoạn 2010-2020.

Theo vinhlong.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×