Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vĩnh Long: Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di tích

14/02/2023 | 07:32

Vĩnh Long là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng. Toàn tỉnh có hơn 700 di tích, với khoảng 1.400 lễ hội. Thời gian qua, các cấp, các ngành đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích.

Vĩnh Long: Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di tích - Ảnh 1.

Di tích lưu giữ truyền thống hàng trăm năm của địa phương

Tuy nhiên, theo thời gian, các di tích dần xuống cấp và việc phát huy giá trị cũng gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng.

Giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống

Theo Sở VHTTDL, toàn tỉnh có 68 di tích xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa (13 di tích quốc gia và 55 di tích cấp tỉnh), cùng các lễ hội đã đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước.

Cùng với việc lập hồ sơ xếp hạng, công tác trùng tu, tôn tạo các di tích cũng được quan tâm, thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật, qua đó góp phần lưu giữ được nét văn hóa, kiến trúc lâu đời của di tích.

Năm 2021 - 2022, tỉnh đã tiến hành tu bổ 4 di tích với số tiền trên 2,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, hơn 5,4 tỷ đồng kinh phí xã hội hóa và hàng ngàn ngày công lao động.

Bên cạnh đó, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch và lễ hội được địa phương ưu tiên thực hiện. Ngành VHTTDL đã kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành, đưa di tích vào các tour, tuyến du lịch. Mỗi năm, các di tích đã đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử…

Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và Lăng ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tái công nhận và công nhận mới là điểm đến du lịch tiêu biểu năm 2022.

Ngành văn hóa cũng đang phối hợp với ngành giáo dục thực hiện phong trào “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực”.

Theo định kỳ và lịch chăm sóc di tích, các giáo viên đưa học sinh đến quét dọn kết hợp với nói chuyện, sinh hoạt tìm hiểu về di tích lịch sử địa phương.

Qua đó, giúp học sinh tìm hiểu về lịch sử vùng đất, truyền thống đấu tranh giữ nước của cha ông, giáo dục lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho các em, giáo dục các em ý thức được giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa để cùng chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp này.

Trách nhiệm không của riêng ai

Vĩnh Long: Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di tích - Ảnh 2.

Giữ gìn di tích để thế hệ hôm nay ý thức được giá trị của lịch sử, văn hóa dân tộc

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Xuân Hoanh cho biết, công tác trùng tu và tôn tạo di tích theo Thông tư số 65 của Bộ Tài chính quy định không được phép xây dựng công trình mới mà chỉ bảo dưỡng, sửa chữa.

Thực tế, nhiều di tích được xây dựng đã lâu, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn, cần thiết phải xây dựng mới.

Năm 2022, tạm dừng bổ sung kinh phí từ nguồn xổ số kiến thiết để chi sửa chữa, bảo dưỡng các công trình thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế các công trình công cộng, văn hóa phúc lợi xã hội quan trọng khác nên di tích chưa được đầu tư tu bổ.

Từ năm 2021, bảo tàng đã đề xuất danh mục 13 di tích cần trùng tu cấp thiết nhưng đến nay chưa được cấp kinh phí để tu bổ.

Di tích đình Hòa Ninh (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ) xuống cấp khá nghiêm trọng, đã có đề án sửa chữa từ lâu nhưng do dịch COVID-19 bùng phát, nguồn kinh phí tạm dừng nên người dân và ban quản lý luôn đau đáu trông chờ.

Chú Nguyễn Văn Xo - Trưởng Ban Quản lý Di tích đình Hòa Ninh (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ) bày tỏ: “Chúng tôi phải tạm chêm lại mái ngói, mong đình sớm được trùng tu, không còn lo lắng đổ sập nữa. Đình Hòa Ninh tọa lạc ở vị trí địa lý đặc biệt, ít nơi nào có được là gần kề Thánh thất Cao Đài và Nhà thờ Tin lành.

Nhiều đoàn du lịch đến cù lao nhưng chưa thu hút được du khách đến thăm đình. Đây cũng là trăn trở mà chúng tôi mong chính quyền, sở ngành sẽ tạo điều kiện phát triển du lịch tâm linh, từ đó góp phần phát triển địa phương”.

Vĩnh Long: Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di tích - Ảnh 3.

Nhiều di tích xuống cấp cần được kịp thời trùng tu, bảo vệ

Tọa lạc gần “thủ phủ mai vàng” của khu vực miền Tây Nam Bộ, đình Phước Định (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) đang mong chờ được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh.

Cùng quan điểm phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, chú Huỳnh Thanh Tâm - ban quản lý di tích đình chia sẻ: “Đình Phước Định ở gần làng mai vàng. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho phát triển gắn liền với du lịch tâm linh.

Tôi cùng bà con mong muốn đình Phước Định sẽ được xem xét, hỗ trợ sớm công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh để được bảo tồn, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho người dân tốt hơn”.

Tại buổi làm việc với Sở VHTTDL khảo sát công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, ông Nguyễn Đắc Phương - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nhấn mạnh đối với các di tích, đề nghị sở tiếp tục kiểm đếm, đánh giá, củng cố hồ sơ, hoàn thiện tài liệu tiến hành tham mưu xếp loại; hướng dẫn về quy trình, thủ tục, hồ sơ duy tu, tôn tạo các di tích, kể cả di tích phổ thông.

Đồng thời, xây dựng quy hoạch đầu tư các sản phẩm du lịch từ các di tích (nếu cần thiết); cần thiết đề xuất tham mưu lãnh đạo tỉnh để bố trí thùng công đức, hết sức lưu ý vai trò, trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý tự chủ...

Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh - Phó Giám đốc Sở VHTTDL, cùng với trách nhiệm của Nhà nước, rất cần sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng trong giữ gìn, phát huy giá trị di tích. Nhiều di tích trong tỉnh chưa thực hiện việc đặt thùng công đức. Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023. Thông tư cũng quy định về các nội dung chi, mức chi bảo vệ và phát huy giá trị di tích gồm các khoản chi thường xuyên và khoản chi đặc thù, tạo điều kiện cho các cơ sở tôn giáo xây dựng kế hoạch thu chi tiền công đức và tài sản quyên góp một cách phù hợp.


Theo Báo Vĩnh Long

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×