Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vĩnh Long: Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

07/01/2022 | 13:49

Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long nhằm đẩy mạnh đầu tư hỗ trợ phát triển văn hóa đọc, huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc, giúp người dân tiếp cận với thông tin tri thức, nâng cao dân trí, góp phần phục vụ cho quá trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà trong xu thế hội nhập.

Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch là phát triển văn hóa đọc góp phần phát triển văn hóa và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện;  Tiếp tục xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong nhân dân; Xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, kết nối và phát triển tài nguyên thông tin; ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, hiện đại hóa thư viện; phát triển văn hóa đọc tạo môi trường học tập suốt đời cho nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí cho người dân.

Theo Kế hoạch phấn đấu nâng tỷ lệ bạn đọc, tỷ lệ tài liệu được phục vụ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 tăng 50% so với giai đoạn 2017-2020 (mỗi năm tăng 10%); tỷ lệ tài nguyên thông tin được bổ sung tăng 10% mỗi năm; 100% viên chức thư viện công cộng cấp tỉnh và huyện tốt nghiệp đại học chuyên ngành và ngành liên quan trở lên; Đến năm 2025, 50% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do Thư viện tỉnh thu thập và quản lý được số hóa; 25% thư viện trường Trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác trên địa bàn có trang thông tin điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Kế hoạch tập trung thực hiện 07 nhiệm vụ, giải pháp như Tăng cường thông tin, tuyên truyền về phát triển văn hóa đọc; Xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc; Gắn kết phương pháp giảng dạy, học tập trong nhà trường với thư viện; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thư viện công lập; Nâng cao chất lượng các xuất bản phẩm của địa phương; Hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực của xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc trên địa bàn; Tạo điều kiện cho các thư viện phát triển thư viện số.

Phát triển văn hóa đọc là góp phần phát triển văn hóa và xây dựng con người phát triển toàn diện về lòng yêu nước, nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, việc đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân xây dựng thư viện, phòng đọc sách, tủ sách phù hợp là nhiệm vụ cần thiết được giao cho các địa phương tập trung thực hiện trong Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng của tỉnh Vĩnh Long.

Theo CTTĐT Vĩnh Long

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×