Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tình hình hoạt động VHTTDL 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012

20/06/2012 | 09:04

(VP) - Chiều ngày 19/6, Bộ VHTTDL đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật với các cơ quan báo chí, các nhà báo và những người làm báo nhân kỷ niệm 87 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt Lãnh đạo Bộ, đồng chí Phan Đình Tân, Phó Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL đã thông tin các kết quả đã đạt được của công tác văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình 06 tháng vừa qua.

Theo đó, với tinh thần quyết tâm “Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, bám sát thực tiễn, giải quyết tích cực những hạn chế, bức xúc, tạo chuyển biến mới trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình”, trong 6 tháng đầu năm 2012 ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch cả nước đã có nhiều cố gắng, đạt được kết quả quan trọng, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.

Các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, phục vụ đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Triển khai Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm: Ngày Sinh đồng chí Phạm Hùng; Ngày Sinh Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Ngày Sinh Nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công; Liên hoan Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia các tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ và Festival Huế 2012; Lễ kỷ niệm 40 năm Giải phóng Quảng Trị và Sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị; Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về An toàn Khu Thái Nguyên; Lễ kỷ niệm 122 năm Ngày Sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú cho các tác giả và nghệ sĩ được Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú tổ chức trang trọng, mang ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng và được dư luận xã hội đánh giá cao.

Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm được tiến hành thường xuyên, có sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ. Hoạt động thanh tra chuyên ngành bám sát yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn hoạt động của ngành, xử lý nghiêm các sai phạm, nâng cao vai trò quản lý nhà nước của Ngành. Tính đến 15/6, Thể thao Việt Nam đã có 18 vận động viên giành suất chính thức tham dự Olympic London 2012, cao nhất từ trước đến nay, ở các môn: Bắn súng (02 vận động viên), Thể dục (03 vận động viên), Taekwondo (02 vận động viên), Judo (01 vận động viên), Vật (01 vận động viên), Kiếm (01 vận động viên), Đua thuyền (02 vận động viên), Cử tạ (01 vận động viên), Cầu lông (01 vận động viên) và 03 vận động viên đạt chuẩn B tham dự Olympic ở các môn Bơi lội, Điền kinh.

Du lịch Việt Nam tiếp tục có bước phát triển, 5 tháng đầu năm 2012, tổng số khách quốc tế ước gần 3 triệu lượt, tăng 17,5 % so với cùng kỳ năm 2011, khách du lịch nội địa ước khoảng 15,4 triệu lượt, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2011, tổng thu từ du lịch khoảng 64.000 tỷ đồng.

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ:
Công tác quản lý nhà nước: Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhà nước được các cơ quan đơn vị trực thuộc Bộ, Sở VHTTDL các tỉnh/thành chủ động bám sát thực tiễn hoạt động của Ngành, căn bản đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước, đến các địa phương, đơn vị, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành của Bộ thông suốt, kịp thời, hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở. Tính đến ngày 15/6/2012, Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ban Bí thư, Bộ Chính trị 15 văn bản, đề án trong tổng số 24  văn bản, đề án được giao.

Chỉ đạo tổ chức thành công các hoạt động văn hóa nghệ thuật chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của dân tộc và các ngày kỷ niệm khác; chủ trì tổ chức nhiều Hội nghị, Hội thảo quan trọng của Ngành. Tiếp tục mở rộng mối quan hệ, giao lưu với các nước trên các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình, thông qua các cuộc tiếp xúc ngoại giao với các quan chức Chính phủ, Đại sứ các nước tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế. Tăng cường các chuyến công tác làm việc với 18 địa phương về tình hình phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch, trong đó tập trung công tác quản lý và tổ chức lễ hội của địa phương  năm 2012 và một số nhiệm vụ khác theo chuyên đề.

Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm được tiến hành thường xuyên, có sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ. Hoạt động thanh tra chuyên ngành bám sát yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn hoạt động của ngành, xử lý nghiêm các sai phạm, nâng cao vai trò quản lý nhà nước của Ngành. Bộ VHTTDL đã ban hành Công điện 234/CĐ-BVHTTDL ngày 7/2/2012 về công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2012 tới các địa phương trong toàn quốc. Tổ chức các Đoàn kiểm tra của Lãnh đạo Bộ, các đoàn thanh tra diện rộng việc thực hiện Công điện số 162/CĐ-TTG ngày 09/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội tại 54 khu, điểm di tích thuộc các địa phương trong cả nước. Nhìn chung, ý thức chấp hành của nhân dân tham gia lễ hội được nâng cao, công tác quản lý và tổ chức lễ hội được đẩy mạnh, có sự chuyển biến rõ rệt.

Công tác kiểm tra việc thực hiện quyền tác giả, quyền liên quan, hoạt động kinh doanh lữ hành, hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch và kiểm tra công tác tổ chức giải thi đấu thể thao được tiếp tục tăng cường, đặc biêt, Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị 65/CT-BVHTTDL ngày 16/4/2012 về chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Chỉ thị 65/CT-BVHTTDL tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh góp phần chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trong toàn quốc, được dư luận quan tâm, ủng hộ. Đã tổ chức 70 đoàn thanh tra, kiểm tra với 196 cá nhân, tổ chức, phát hiện và xử lý 43 trường hợp vi phạm, cảnh cáo 01 cơ sở; xử phạt vi phạm hành chính 1.029.250.000 đồng (Một tỷ không trăm hai chín triệu hai trăm năm mươi nghìn đồng). Lực lượng thanh tra chuyên ngành các địa phương đã tiến hành  thanh tra, kiểm tra: 5.618 lượt cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, trong đó phát hiện 1.571 cơ sở vi phạm, phạt cảnh cáo 40 cơ sở; xử phạt vi phạm hành chính 8.212.960.000 đồng (tám tỷ hai trăm mười hai triệu chín trăm sáu mươi ngàn đồng).

Các lĩnh vực hoạt động chuyên ngành: Về văn hóa, gia đình, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc tiếp tục được tăng cường. Đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo lần thứ hai Nghị định quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và xây dựng các dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Trình Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng 13 di tích quốc gia đặc biệt, nâng tổng số di tích quốc gia đặc biệt hiện có là 23 di tích.

Bộ VHTTDL đã tham mưu, thẩm định trình Chính phủ xem xét phê duyệt các dự án quan trọng: Quy hoạch tổng mặt bằng Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại số 18 Hoàng Diệu; Dự án Khai quật khảo cổ học và xử lý di dời di tích, di vật khu vực xây dựng đường hầm và bãi đỗ xe ngầm công trình Nhà Quốc hội; hoàn thiện hồ sơ di sản Vườn Quốc gia Cát Tiên trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc được nhiều địa phương triển khai đạt kết quả tích cực; các di tích văn hoá, di tích lịch sử được đầu tư trùng tu, tôn tạo đã phát huy được giá trị và phục vụ phát triển Du lịch của địa phương, vùng và quốc gia. 80% các tỉnh/thành đã triển khai kê, lập hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm, cấp 12 giấy phép khai quật khảo cổ và ban hành 25 quyết định xếp hạng di tích quốc gia.
Công tác quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật có những chuyển biến tốt, hệ thống văn bản quản lý nhà nước đang tích cực xây dựng, ban hành, hoàn thiện theo hướng có hệ thống đồng bộ. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong cả nước được tổ chức theo đúng kế hoạch đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn, tiết kiệm, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp Trung ương và địa phương phát triển ổn định, tập trung biểu diễn chương trình nghệ thuật kỷ niệm 82 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 37 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và các sự kiện: Kỷ niệm 40 năm Giải phóng tỉnh Quảng Trị; Lễ công bố Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên mới thế giới, Chương trình Nghệ thuật kỷ niệm 122 năm Ngày Sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; các đoàn nghệ thuật đi thăm và phục vụ đồng bào, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa, vùng biên giới hải đảo của Tổ quốc. Tổ chức các liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc như Liên hoan Ca, Múa, Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (đợt 1); Liên hoan Nhạc cụ truyền thống các dân tộc - lần I năm 2012.

Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực điện ảnh đang dần được củng cố, hoàn thiện, hệ thống văn bản quản lý đang tiếp tục được xây dựng, dự thảo Quy hoạch ngành Điện ảnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Thông tư hướng dẫn việc đấu thầu dự án sản xuất phim, đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước. Các sản phẩm phim phục vụ dịp Tết Nguyên đán đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân về cả số lượng và chất lượng. Các tuần phim chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị của đất nước được tổ chức tốt đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân về cả số lượng và chất lượng.

Các đợt phim chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước đã đóng góp có hiệu quả vào công tác tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị. Hoạt động điện ảnh tại một số địa phương phục vụ đồng bào dân tộc, công nhân lao động, nhân dân vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa đã thu hút thu hút đông đảo khán giả.

Việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và đề án trong lĩnh vực hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm được triển khai tích cực. Đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định về hoạt động Mỹ thuật, Đề án Quốc hoa Việt Nam. Các đề án: Quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương và Danh nhân anh hùng dân tộc, Quy hoạch phát triển ngành Mỹ thuật đến năm 2020 - tầm nhìn 2030. Các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm trên toàn quốc được diễn ra đúng kế hoạch, tập trung vào các ngày lễ lớn, dịp kỷ niệm của địa phương, phục vụ tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, của Ngành.

Các văn bản, đề án về hoạt động văn hóa cơ sở tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện thực hiện theo kế hoạch: dự thảo Luật Quảng cáo; Quy chế tổ chức lễ hội (festival) ngành nghề; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở giai đoạn 2012-2020” và Đề án “Quy hoạch tổng thể và chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở văn hóa vui chơi giải trí cho trẻ em giai đoạn 2012-2015 và đến 2020”.

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, hướng tới các thôn bản vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quản lý và tổ lễ hội đầu năm 2012; phát động sáng tác tranh cổ động chủ đề “Biển đảo Việt Nam”; “Nông thôn mới” và kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2012); Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc và Liên hoan Tuyên truyền lưu động về đề tài “Biển đảo Việt Nam”. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai rộng khắp cả về chiều rộng và chiều sâu, các truyền thống tốt đẹp của dân tộc được gìn giữ và phát huy, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Trong lĩnh vực xây dựng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa thông tin ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, bờ biển. Đời sống văn hoá vùng đồng bào dân tộc tiếp tục được quan tâm. Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số đến năm 2020” được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến đại phương. Liên hoan Văn hóa các dân tộc Việt Nam gắn với sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” do Bộ VHTTDL phối hợp với Ủy ban dân tộc tổ chức với nhiều nội dung, hoạt động phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
 
Dự thảo Luật Thư viện tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện trình Quốc hội. Hệ thống thư viện trong toàn quốc tổ chức nhiều hoạt động phục vụ các sự kiện chính trị của đất nước. Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2012 nhân ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4 tại Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thư viện quốc gia Việt Nam và nhiều địa phương trong cả nước với nhiều hoạt động thiết thực tuyên truyền và cổ vũ văn hoá đọc. Hoạt động của hệ thống thư viện tại các tỉnh/thành từng bước thích ứng với điều kiện thực tế, xu hướng phát triển của thời đại công nghệ số, đặc biệt quan tâm đến bạn đọc vùng sâu, vùng xa, các đồn biên phòng.

Công tác quản lý nhà nước về gia đình từ Trung ương đến địa phương được quan tâm, chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển Gia đình Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030. Trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch hành động đến năm 2015 về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2012 thuộc Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010- 2020 và Kế hoạch triển khai nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình năm 2012. Mô hình “phòng, chống bạo lực gia đình” tiếp tục nhân rộng tại các địa phương.

Về Thể dục, thể thao, tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản, đề án theo Chương trình công tác. Đã trình Thủ tướng Chính phủ: Đề án tổ chức Đại hội TDTT các cấp, Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, Đề án tổ chức Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á lần thứ 5 năm 2016 tại Việt Nam... Các đề án, văn bản khác tiếp tục được tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện: Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020...; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 40-HD/BTGTW-BCSĐBVHTTDL hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020” và tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020” tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Tổ chức lễ kỷ niệm 66 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946-27/3/2012) và Lễ trao thưởng huấn luyện viên, vận động viên xuất sắc năm 2011 đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.

Đẩy mạnh và nâng cao thể thao thành tích cao, chú trọng công tác xây dựng kế hoạch và triệu tập các vận động viên tham dự vòng loại Olympic London 2012, Đại hội thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 3 tại Trung Quốc, đồng thời chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự SEA Games 27 năm 2013, ASIAD 17 năm 2014. Xây dựng kế hoạch và triệu tập 85 đội tuyển, đội tuyển trẻ các môn thể thao, trong đó có 11 chuyên gia, 133 huấn luyện viên và 831 các vận động viên tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Tổ chức 94 giải thể thao trong nước, quốc tế tại Việt Nam; tham dự 87 giải quốc tế, tổ chức 09 lớp đào tạo HLV, trọng tài, cử 09 đội tuyển, cá nhân đi tập huấn, đào tạo nước ngoài.

Hoạt động Thể dục thể thao quần chúng trên cả nước được tổ chức rộng khắp, tạo không khí sôi động, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của nhân dân, qua đó phát hiện những gương mặt tiêu biểu để đào tạo, bồi dưỡng bổ sung lực lượng thể thao đỉnh cao của địa phương và của quốc gia. Tổ chức thành công Lễ Phát động cuộc vận động toàn thân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại giai đoạn 2012-2020 tại Tây Ninh; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp khu vực và toàn quốc. Tập trung chuẩn bị lượng vận động viên thể thao người khuyết tật tham dự vòng loại Paralympic London 2012. Thể thao người khuyết tật Việt Nam có 14 vận động viên đạt chuẩn A tham dự Paralympic London 2012.

Về Du lịch, hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp để trình Chính phủ và Quốc hội đưa việc sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội; Hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch. Tiếp tục hoàn thiện Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030, Đề án đẩy mạnh thu hút thị trường khách du lịch Trung Quốc, Thái Lan, Pháp đến Việt Nam; Đề án thu hút khách du lịch tại các thị trường trọng điểm (Nhật Bản, Hàn quốc, Nga, Úc, Malaysia). Xây dựng các Đề án Các biện pháp thu hút khách du lịch Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc đến Việt Nam giai đoạn 2011-2015; Đề án thành lập Văn phòng đại diện Du lịch Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

 Triển khai các hoạt động trong chương trình Năm Du lịch quốc gia khu vực Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012; xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2013. Tham gia Hội chợ ITB (Đức), Hội chợ MITT (Nga) năm 2012, Hội chợ quốc tế du lịch TTIF 2012 tại Thái Lan. Tiếp tục phối hợp với Dự án EU và dự án Tây Ban Nha triển khai các hoạt động liên quan. Tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch Việt Nam-Trung Quốc 2012, phiên họp Liên hội đồng Nam Á và Hội đồng Đông Á của Tổ chức Du lịch thế giới tại Thái Lan. Xây dựng kế hoạch hợp tác du lịch Việt Nam-Nga, Việt Nam-Tây Ban Nha giai đoạn 2013-2015. Tổ chức Phiên họp lần thứ 12 về hợp tác du lịch Việt Nam-Singapore tại Hạ Long. Làm việc với Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới. Tổ chức Phiên họp lần thứ 12 về hợp tác du lịch Việt Nam-Singapore tại Hạ Long. Phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và Vietnam Airlines tổ chức giới thiệu du lịch Việt Nam tại Hội thảo “Việt Nam: Cơ hội cho Du lịch, Thương mại và Đầu tư” tại Malaysia.

Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2012:
Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 (khóa XI) ngày 16/01/2012 về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020”.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách Ngành văn hoá, thể thao và du lịch, các dự án luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong chương trình xây dựng pháp luật năm 2012 và các văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Bí thư, Bộ Chính trị đảm bảo đúng kế hoạch.

Tập trung xây triển khai 19 nhiệm vụ đột phá trong công tác của ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2012.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật, văn hóa phẩm, tu bổ di tích, cơ sở lưu trú, đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận chuyển du khách và các điểm du lịch; kiểm tra chất lượng, dịch vụ của cơ sở lưu trú.

Tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của hệ thống các di tích lịch sử văn hoá gắn với hỗ trợ phát triển du lịch, đặc biệt là những di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận; hoàn thiện 1-2 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Tập trung nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện chương trình xây dựng “nông thôn mới”.

Triển khai chiến lược gia đình Việt Nam giai đoạn 2012-2020. Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình, các CLB gia đình phát triển bền vững.

Chuẩn bị tốt lực lượng, phấn đấu có huy chương tại Thế vận hội Olympic London lần thứ 30; tham gia thi đấu, giành thành tích tốt tại Đại hội thể thao người khuyết tật thế giới (Paralympic) tại London. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng thể dục thể thao quần chúng, hoạt động thể thao trong trường học. Nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Chỉ đạo và tổ chức tốt các hoạt động trong Chương trình Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ-Huế năm 2012; rà soát, chuẩn bị tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2013 tại Hải Phòng; phấn đấu hoàn thành mục tiêu đón 6,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế (tăng 10,17% so với năm 2011).

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình xúc tiến và quảng bá du lịch; tăng cường chỉ đạo, phối hợp xây dựng quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch.

Tổ chức thực hiện nghiêm nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động của Ngành, bảo đảm thực thi hiệu quả việc đơn giản hoá các thủ tục hành chính; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện kiên quyết và đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tập trung vào các giải pháp phòng ngừa, tăng cường tính công khai, minh bạch.

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×