Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thấy gì từ phát triển du lịch văn hóa ở Quảng Ninh?

13/12/2021 | 14:00

Giàu có cả về các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch văn hóa ở Quảng Ninh có nhiều tiềm năng cho phát triển, nhưng mức độ khai thác thực tế những năm qua còn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng…

Giàu tiềm năng, sức hút đầu tư lớn

Con số hơn 600 di tích lịch sử, văn hóa cùng hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể được ông cha ta để lại từ hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước trên mảnh đất vùng Đông Bắc này, có thể nói là con số đáng mơ ước với nhiều địa phương trong cả nước.

Không chỉ có số lượng lớn mà các di sản trên địa bàn tỉnh cũng được đánh giá cao trên nhiều phương diện khác nhau. Quảng Ninh hiện có tới 5 khu di tích Quốc gia đặc biệt, gần 60 di tích cấp quốc gia, 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 9 Bảo vật quốc gia. Nhiều di sản được phân bố trong những không gian rộng lớn, có phong cảnh tự nhiên tươi đẹp…

Thấy gì từ phát triển du lịch văn hóa ở Quảng Ninh? - Ảnh 1.

Chùa Quỳnh Lâm – chốn tổ linh thiêng của phật giáo Trúc Lâm, nay đã được tôn tạo khang trang.

Các di sản cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị để đầu tư, tôn tạo cũng như khôi phục lại. Bởi lẽ, trải qua mưa nắng thời gian và những biến động lịch sử khác nhau, nhiều di tích chỉ còn là phế tích, hoặc là xuống cấp, nhiều di sản văn hóa phi vật thể bị mai một, lãng quên… Nhờ sự chung tay đầu tư, chỉ trong khoảng chục năm trở lại đây, diện mạo các di tích đã có sự thay đổi đáng kinh ngạc, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở lại đời sống cộng đồng với đầy đủ sự sống động, rực rỡ màu sắc như vốn có.

Chỉ tính riêng với các di sản vật thể, thì với những khu di tích lớn, ở vùng đất nơi cửa ngõ phía Tây của tỉnh, có thể kể đến sự “hồi sinh” của quần thể khu di sản nhà Trần, từ hệ thống phế tích dưới lòng đất, chìm trong hoang sơ cỏ dại.

Trong đó, quần thể am – chùa Ngọa Vân gắn với nơi tu hành và hóa phật của vua Trần Nhân Tông giờ đây đã cơ bản được tôn tạo khang trang. Cùng với đó là việc tôn tạo Thái miếu – nơi thờ của hoàng tộc nhà Trần, chùa Trung Tiết – ngôi chùa gắn với tấm lòng trung trinh, tiết nghĩa của hai vị quan nhà Trần xưa, chùa Quỳnh Lâm – chốn tổ linh thiêng của phật giáo Trúc Lâm và nhiều lăng mộ của các vua Trần nơi đây…

Ở Cẩm Phả là việc quy hoạch lại, mở rộng khuôn viên di tích đền Cửa Ông, di chuyển tượng Đức Ông lên đồi cao với tầm nhìn hướng biển, phục dựng, tôn tạo lại khang trang nhiều công trình…

Thấy gì từ phát triển du lịch văn hóa ở Quảng Ninh? - Ảnh 2.

Lễ hội Bạch Đằng là một trong số 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Quảng Ninh.

Cùng với nguồn vốn nhà nước và sự chung tay của nhiều tập thể, cá nhân, vô số chùa tháp, đình, đền miếu ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh cũng đã có được sắc vóc mới, vững vàng hơn trước mưa nắng thời gian và sẵn sàng chào đón du khách bốn phương. Tiêu biểu như ở Uông Bí có thể kể đến chùa Ba Vàng, ở Đông Triều có chùa Cảnh Huống, đình làng Cầm, ở Quảng Yên có chùa Đống Phúc, ở Ba Chẽ là đình làng Dạ, Bình Liêu là đình Lục Nà, địa đầu Móng Cái là đình Trà Cổ, đền Xã Tắc, ở Vân Đồn là chùa Cái Bầu, đình Quan Lạn…

Như vậy là việc đầu tư cơ sở hạ tầng di sản đã có được bước tiến rất quan trọng, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa mà tiền nhân để lại. Ở góc độ làm du lịch thì đây cũng chính là một trong những không gian chính cho tổ chức các hoạt động du lịch văn hoá.

Chưa tương xứng tiềm năng

Sẵn sàng về cơ sở hạ tầng di sản nhưng thực tế thì du lịch văn hóa ở Quảng Ninh có tính chuyên nghiệp chưa thực sự rõ nét. Các di tích trên địa bàn chủ yếu thu hút nguồn khách tự nhiên từ người dân, du khách đi lễ hội vào mùa xuân và những dịp lễ hội gắn với di tích.

Con số hàng triệu du khách hành hương vào mùa xuân ở Quảng Ninh là có thật, khi mà dịch Covid-19 chưa xuất hiện và cho thấy sức ảnh hưởng khủng khiếp của nó. Tuy nhiên, con số mới chỉ là bề nổi, mức thu từ nguồn khách này thực ra không lớn, chủ yếu thông qua các dịch vụ gián tiếp như hương hoa, ăn uống…

Thấy gì từ phát triển du lịch văn hóa ở Quảng Ninh? - Ảnh 3.

Am Tuệ Tĩnh nằm trong quần thể Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm, do doanh nghiệp đầu tư phục vụ du khách dưới chân núi Yên Tử.

Cũng có một thực tế khác là nhiều di tích cơ bản đều đã được đưa vào trong hệ thống tuyến, điểm du lịch của địa phương. Đây là điều tốt, nhưng mới chỉ là bước đầu trong chủ trương phát triển du lịch văn hóa của địa phương.

Một số địa phương như Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ… là vùng đất có thế mạnh là các giá trị văn hóa bản địa đặc sắc của các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn cũng có nhiều cơ hội phát triển du lịch văn hoá. Tuy nhiên, nếu thống kê số lượng sản phẩm du lịch văn hóa gắn với di sản hay các tour do doanh nghiệp lữ hành đã thiết kế, dẫn khách thực tế có lẽ rất ít, hoặc không thường xuyên. Chủ yếu vẫn mang tính chất của “du lịch bụi”, mang tính tự phát, nhỏ lẻ, mà như thế đương nhiên nguồn thu rất thấp, chưa kể việc phải xử lý những tồn tại của hình thức du lịch này, như là vấn đề rác thải chẳng hạn.

Thực tế những năm gần đây, một số doanh nghiệp cũng đã đầu tư vào du lịch văn hóa và khai thác có tính chuyên nghiệp, hiệu quả cao. Đơn cử như Công ty Du lịch Sen Á Đông, đầu tư vào mô hình du lịch tại Yên Đức (Đông Triều) từ việc khai thác các yếu tố văn hóa làng quê Việt để thu hút du khách. Sản phẩm này nằm trong tour du lịch của doanh nghiệp và chủ yếu bán cho dòng khách châu Âu, sau này đã mở rộng ra với nhiều gói sản phẩm khác nhau, phục vụ cả khách nội, trong đó có không ít số lượng du khách nhỏ tuổi…

Thấy gì từ phát triển du lịch văn hóa ở Quảng Ninh? - Ảnh 4.

Mô hình du lịch tại Yên Đức (Đông Triều) khai thác nét văn hóa làng quê Việt, từng rất hút khách trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Ở quy mô lớn hơn, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã đầu tư Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử trị giá hàng nghìn tỷ đồng, gồm hệ thống các công trình văn hoá, ẩm thực, lưu trú nghỉ dưỡng, vui chơi, chăm sóc sức khoẻ… dưới chân núi Yên Tử. Các sản phẩm du lịch tại đây ít, nhiều đều lấy cảm hứng từ các giá trị văn hóa truyền thống của Yên Tử. Giai đoạn trước khi dịch Covid-19 bùng phát thì doanh nghiệp không chỉ đón dòng khách nội mà còn kết nối với các công ty lữ hành đón dòng khách nước ngoài, trong đó lớn nhất là dòng khách du lịch Hàn Quốc với khoảng 20 nghìn khách mỗi năm…

Hai năm trở lại đây, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất mạnh tới du lịch theo hướng tiêu cực, chính vì vậy nhiều ý tưởng, nhiều dự án cho du lịch văn hóa tiếp tục bị bỏ ngỏ. Tuy nhiên, việc thích ứng với Covid-19 cũng thúc đẩy xu hướng du lịch an toàn, du lịch theo nhóm nhỏ, du lịch trải nghiệm văn hóa ngày càng mạnh mẽ hơn. Vì vậy, rất cần những cách làm mới, sáng tạo của các doanh nghiệp du lịch, địa phương để có thể hiện thực hóa tiềm năng về du lịch văn hóa của Quảng Ninh trong một tương lai gần.

Theo quangninh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×