Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thái Bình: Tạo đà cho du lịch cất cánh

31/05/2023 | 11:42

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm ngoái, từ khóa “biển vô cực” được đồng loạt nhắc tới trên các trang mạng xã hội, tạo nên “cơn sốt”, gia tăng nhu cầu tìm hiểu về những điểm đến, địa danh của Thái Bình. Dù còn khá hoang sơ nhưng từ đó tới nay “biển vô cực” đã dần trở thành “đặc sản”, đưa du khách về Thái Bình. Điều đó cho thấy chỉ cần một điểm tựa và được khai thác đúng hướng, du lịch Thái Bình sẽ có cơ hội cất cánh.

Thái Bình: Tạo đà cho du lịch cất cánh - Ảnh 1.

Khu du lịch sinh thái Cồn Đen, xã Thái Đô (Thái Thụy) với không gian xanh, gần gũi thiên nhiên.

Giàu tiềm năng

Không chỉ “biển vô cực”, Thái Bình có hơn 53km bờ biển thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng với nhiều bãi ngang rộng có các cồn nổi như cồn Vành, cồn Đen, rừng ngập mặn Thụy Trường (Thái Thụy)... còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, là tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái biển. Bên cạnh đó, đối với du lịch tâm linh, trải qua quá trình hình thành và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước và dân tộc, Thái Bình là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nổi tiếng. Hiện toàn tỉnh có 125 di tích quốc gia, 593 di tích cấp tỉnh, nổi bật là 2 di tích quốc gia đặc biệt: chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) và khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà). Thái Bình cũng là miền đất cội nguồn, là kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc với các loại hình nghệ thuật đặc trưng của văn minh lúa nước sông Hồng như chèo làng Khuốc; múa giáo cờ giáo quạt làng Giắng; múa bát dật xã An Khê; múa rối nước Nguyên Xá, Đông Các... Ngoài ra còn có nhiều làng nghề thủ công truyền thống như chạm bạc Đồng Xâm, bánh cáy làng Nguyễn, thêu Minh Lãng, chiếu Hới, dệt Phương La, làng vườn Bách Thuận... Đây là những tài nguyên du lịch văn hóa độc đáo mà không phải nơi nào cũng có được.

Thái Bình: Tạo đà cho du lịch cất cánh - Ảnh 2.

Khu du lịch sinh thái Cồn Đen với đa dang hoạt động trải nghiệm cho du khách.

Với lợi thế và tiềm năng trong lĩnh vực du lịch, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Nỗ lực thực hiện mục tiêu này, các cấp chính quyền, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã triển khai nhiều hoạt động, góp phần từng bước phục hồi và phát triển du lịch sau quãng thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Thái Bình: Tạo đà cho du lịch cất cánh - Ảnh 3.

Bãi biển Cồn Vành, xã Nam Phú (Tiền Hải) tấp nập du khách trong dịp nghỉ lễ và cuối tuần.

Với mục tiêu đưa hình ảnh Thái Bình đến với du khách trong nước và quốc tế, sau gần 1 năm triển khai, cuộc thi thiết kế biểu trưng (logo) và khẩu hiệu (slogan) du lịch Thái Bình diễn ra thành công, tạo nên dấu ấn khi đón nhận được 145 tác phẩm đến từ 18 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia. Từ đây, logo và slogan “Vùng đất hiền hòa, thăng hoa cảm xúc” thường xuyên xuất hiện gắn với hoạt động du lịch của tỉnh trên các phương tiện truyền thông, sản phẩm du lịch, hoạt động quảng bá du lịch trong nước, quốc tế...

Tháng 12/2022, Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức thành công Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2022 - 2027 tạo niềm tin và hy vọng về sự bứt phá mạnh mẽ của du lịch Thái Bình. Hiện nay, Hiệp hội có 150 thành viên, hoạt động ở 5 hội nghề nghiệp du lịch: hội hướng dẫn viên và lữ hành; hội đầu bếp chuyên nghiệp; hội khách sạn, nhà hàng; hội vận tải khách du lịch; hội khu điểm du lịch. Hiệp hội đã và đang nỗ lực tư vấn, hình thành các điểm đến, khai thác thế mạnh của du lịch Thái Bình; đồng thời, tăng cường kết nối, đưa hình ảnh du lịch Thái Bình đến với du khách trong và ngoài nước.

Từng bước hình thành điểm đến

Tháng 3/2023, xã Bách Thuận (Vũ Thư) tổ chức hội nghị định hướng quy hoạch và lộ trình xây dựng làng vườn du lịch sinh thái cộng đồng. Đây là kết quả từ quá trình Hiệp hội Du lịch tỉnh và xã Bách Thuận tích cực phối hợp với Tổ chức Car Free Day của Nhật Bản, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội khảo sát các tuyến đường thực hiện dự án phát triển du lịch bằng xe đạp, hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững. Tháng 5/2023, tuần du lịch biển và khinh khí cầu - một trong những sự kiện du lịch lớn nhất từ trước tới nay tại Thái Bình được tổ chức. Diễn ra tại khu du lịch sinh thái Cồn Đen (xã Thái Đô, huyện Thái Thụy), đây là hoạt động phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hiệp hội Du lịch tỉnh. Tuần du lịch gồm nhiều sự kiện về văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc mang đến cho người dân và du khách thập phương những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn khi đến với Thái Bình.

Thái Bình: Tạo đà cho du lịch cất cánh - Ảnh 4.

Thái Bình: Tạo đà cho du lịch cất cánh - Ảnh 5.

Du khách ghi lại hình ảnh đẹp tại Khu du lịch sinh thái Cồn Đen.

Song song với nỗ lực của Hiệp hội Du lịch tỉnh, các điểm đến về du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh cũng đang nỗ lực trong quá trình phục hồi, phát triển sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Như tại khu Hotel - Resort Làng Việt (Tiền Hải), trong 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tập trung đầu tư cải tạo không gian, cơ sở vật chất theo phong cách Á Đông tinh tế, mang đến trải nghiệm mới mẻ, hiện đại cho du khách.

Bà Trần Thị Lụa, Phó Giám đốc Hotel - Resort Làng Việt chia sẻ: Khách đến đây chủ yếu là các gia đình, trường học, bạn bè đồng niên, đồng khóa. Nếu như những năm trước khách đa phần chọn các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ để trải nghiệm thì năm nay không chỉ dịp cuối tuần mà các ngày trong tuần lượng phòng luôn kín ít nhất 2/3, từ đó đã thiết thực tạo công việc ổn định cho lao động địa phương, giúp người lao động yên tâm.

Thái Bình: Tạo đà cho du lịch cất cánh - Ảnh 6.

Các khu nghỉ dưỡng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, mang lại trải nghiệm ấn tượng cho du khách.

Chia sẻ về hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Năm 2022, Thái Bình đã đón trên 705.000 lượt khách, tăng 140% so với năm 2021, ghi nhận sự phục hồi đáng kể sau dịch Covid-19. Năm 2023, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể và sự chung tay góp sức của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương, là cơ hội để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng độc đáo với bạn bè, du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế, hình ảnh con người Thái Bình thân thiện, hiếu khách, đúng như khẩu hiệu của du lịch Thái Bình: “Vùng đất hiền hòa, thăng hoa cảm xúc”.

Với nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền, Hiệp hội Du lịch tỉnh, các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cùng sự ủng hộ, góp sức của mỗi người dân, tin tưởng du lịch sẽ sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

Thái Bình: Tạo đà cho du lịch cất cánh - Ảnh 7.

Theo Báo Thái Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×