Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Ninh: Nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa

28/11/2023 | 11:28

Các sản phẩm, dịch vụ của công nghiệp văn hóa không chỉ giúp phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng thương hiệu của địa phương mà còn đóng góp doanh thu không nhỏ vào ngân sách.

Quảng Ninh: Nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Công chúng và du khách cùng thực hiện nghi thức thắp ngọn lửa thiêng tại chương trình "Yên Tử đêm hội làng".

Các ngành công nghiệp văn hóa là những ngành sản xuất, tái sản xuất, phổ biến, tiêu dùng các sản phẩm và các dịch vụ văn hóa bằng phương thức công nghiệp hóa, tin học hóa, thương phẩm hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của xã hội. Đề cập đến các ngành công nghiệp văn hóa, người ta thường nhấn mạnh đến hai yếu tố: Công nghiệp và sáng tạo, gọi là công nghiệp bởi đây thực sự là một ngành kinh doanh hùng mạnh, giàu tiềm năng. Ngành kinh doanh này dựa trên năng lực sáng tạo của các cá nhân, đặc biệt là các cá nhân trong lĩnh vực nghệ thuật, giải trí, thông qua các phương tiện công nghệ hiện đại.

Ở tầm vĩ mô, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã nhấn mạnh: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân”. Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021 một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa trong chiến lược chung về bảo vệ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Các lĩnh vực trong công nghiệp văn hóa gồm: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa. Quảng Ninh có nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa rất đa dạng và phong phú, như nguồn lực địa - kinh tế, tài nguyên, nhân lực, tài chính…, trong đó nguồn lực con người đóng vai trò quan trọng.

PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, cho rằng, với những lợi thế ít địa phương có được, Quảng Ninh được thừa hưởng cả nguồn lực tự nhiên và nguồn lực văn hóa rất dồi dào, đa dạng, phong phú. Nguồn lực tự nhiên nổi bật nhất là nguồn khoáng sản than. Nguồn lực văn hóa là nguồn lực được kết tinh bởi vốn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử.

Quảng Ninh là một vùng đất giàu trầm tích và bản sắc văn hóa, nơi có sự giao thoa, hội tụ, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng cùng với văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Quảng Ninh có cả ba không gian văn hóa: Không gian văn hóa núi đồi, không gian văn hóa đồng bằng và không gian văn hóa biển đảo.

Đặc biệt, hiện nay nguồn lực văn hóa đang được nhận diện để trở thành “đầu vào” phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong số 13 ngành công nghiệp văn hóa (theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế hiện diện ở nhiều ngành, nổi bật ở ngành du lịch văn hóa... Theo PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, đây được xác định là nguồn lực quan trọng vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần cho nhân dân trong tỉnh và khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Quảng Ninh, là “con đường” ngắn nhất quảng bá hình ảnh Quảng Ninh với nhân dân cả nước và hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Lý do là bởi Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long được UNESCO hai lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, là niềm tự hào của đất nước Việt Nam, là tài sản quốc gia, là một trong những đặc trưng nhận diện của du lịch Việt Nam. Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong tập trung đầu tư trọng điểm phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng thiết chế văn hóa.

Quảng Ninh: Nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 2.

Du thuyền trên Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Thêm vào đó, Quảng Ninh có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước; con người Quảng Ninh cũng thể hiện những đặc trưng chung, đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, kết hợp với bản sắc rất riêng của vùng đất được coi là “cái nôi” của giai cấp công nhân Việt Nam, truyền thống công nhân mỏ “Kỷ luật và Đồng tâm” là một di sản tinh thần và đặc trưng của con người Vùng mỏ.

Trải qua quá trình phát triển, các đặc trưng “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện” đã được nhận diện là những đặc trưng của con người Quảng Ninh tại Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh. Những đặc trưng này đã tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung, với những nét như: Bản lĩnh, tự cường, đoàn kết, sáng tạo, hào sảng, văn minh.

Con người Quảng Ninh với những đặc trưng nêu trên chẳng những sáng tạo ra nền văn hóa phong phú đa dạng trong sự thống nhất, có sức hút với du khách mà còn cung cấp một nguồn nhân lực chất lượng cho hoạt động du lịch và công nghiệp văn hóa. Với tài năng và óc thẩm mỹ của mình, con người Quảng Ninh đã sáng tạo ra nhiều nghề thủ công mỹ nghệ, nhiều tác phẩm nghệ thuật điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm. Đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân đông đảo ở tỉnh nhà đang miệt mài lao động nghệ thuật để sáng tạo ra những tác phẩm có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu của du khách.

Theo quangninh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×