Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Ninh: Lan tỏa sức sống các lễ hội

22/11/2021 | 16:08

Quảng Ninh có khoảng 60 lễ hội truyền thống, diễn ra quanh năm (nhiều nhất là vào mùa xuân) ở khắp các vùng, miền trên địa bàn tỉnh, đa phần gắn với các di tích lịch sử văn hoá tại địa phương…

Quảng Ninh: Lan tỏa sức sống các lễ hội - Ảnh 1.

Nghi lễ rước trong lễ khai hội xuân Yên Tử. Ảnh chụp năm 2019.

Mỗi dịp lễ hội, người dân thường tổ chức các nghi lễ tri ân những vị có công với quê hương, đất nước, cầu mong mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, no ấm, đồng thời nghỉ ngơi, vui chơi để bù đắp cho cả năm lao động vất vả. Sắc màu rực rỡ, sinh động của các lễ hội cũng là sức hút rất lớn với du khách gần xa hòa vào các hoạt động, tìm hiểu những giá trị văn hóa đặc sắc về cộng đồng dân cư địa phương, góp phần lan tỏa sức sống các lễ hội.

Chính vì vậy, những năm gần đây, cùng với sự nâng lên trong đời sống vật chất của người dân và nhu cầu thu hút du khách về với lễ hội, quy mô nhiều lễ hội được mở rộng hơn. Đơn cử như hội xuân Yên Tử, mùa hội vốn kéo dài trong 3 tháng mùa xuân gắn với hoạt động tham quan, chiêm bái, lễ phật của khách hành hương, sau này đã tổ chức phần khai hội hoành tráng với nhiều hoạt động như rước kiệu, dâng hương, cầu quốc thái dân an, đóng dấu thiêng Yên Tử và biểu diễn nghệ thuật, sân khấu tái hiện quá trình tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông và mùa hội xuân nơi đất phật…

Khi dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát, địa phương còn tổ chức thêm Lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử tạo không gian sống động, là điểm nhấn thu hút du khách bốn phương về với non thiêng.

Bên cạnh đó, quá trình tu bổ, tôn tạo những năm qua cũng đã làm “sống lại” nhiều di tích trên địa bàn. Sau khi di tích vốn là không gian thờ tự và tổ chức các nghi lễ được phục hồi, thì nhiều lễ hội theo đó cũng được phục dựng, trở thành các lễ hội thường niên của địa phương. Tiêu biểu nhất, có thể kể đến các di tích thuộc khu di tích nhà Trần ở Đông Triều, với lễ hội đền An Sinh, lễ hội Xuân Ngọa Vân, lễ hội Thái Miếu tổ chức lần đầu lần lượt vào các năm 2001, 2016 và năm 2019.

Các lễ hội truyền thống trên địa bàn những năm qua đảm bảo trang nghiêm về phần lễ và vui tươi, lành mạnh về phần hội, công tác tổ chức lễ hội của Quảng Ninh có thể nói là điểm sáng của cả nước trong nhiều năm qua.

Bên cạnh các nghi lễ, phần hội được nhiều địa phương tổ chức rất phong phú, với các hoạt động văn hoá, thể thao sôi động, hấp dẫn. Đáng chú ý, các hoạt động văn hoá, thể thao trong lễ hội được tổ chức thiên về các loại hình văn hóa dân gian truyền thống, như hát dân ca, giao duyên, thi kéo co, đẩy gậy, chơi đu, võ thuật cổ truyền, thi bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, thi nấu cơm, cờ tướng, cờ người, chơi tổ tôm điếm…

Quảng Ninh: Lan tỏa sức sống các lễ hội - Ảnh 2.

Lễ hội đình Lục Nà (Bình Liêu) là ngày hội của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Ảnh: Hùng Sơn

Ở khu vực miền Đông, biên giới, hải đảo của Quảng Ninh, lễ hội truyền thống lại có những màu sắc độc đáo riêng. Vùng biển đảo Quan Lạn nhiều năm qua lưu giữ lễ hội truyền thống Vân Đồn vô cùng đặc sắc, gắn với chiến công chống giặc Nguyên Mông của cha ông xưa trên vùng biển đảo này vào năm 1288.

Nội dung đặc biệt hấp dẫn người dân, du khách là cuộc đua thuyền chải truyền thống giữa hai giáp Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ (xã Quan Lạn), tái hiện lại hào khí chiến thắng năm xưa trên mặt biển trước cửa đình Quan Lạn. Móng Cái có lễ hội đình Trà Cổ độc đáo với lễ rước thần trên biển và hội thi "Ông Voi", lễ hội đền Xã Tắc với nghi lễ tế thần Xã Tắc…

Còn lễ hội ở một số địa phương khác như lễ hội đình Lục Nà (Bình Liêu), đình làng Dạ (Ba Chẽ) đều bị mai một vào giai đoạn sau cách mạng, và mới được khôi phục lần lượt vào năm 2006, 2009. Riêng ở Bình Liêu còn có Ngày hội Kiêng gió của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán, hội Soóng Cọ của đồng bào dân tộc Sán Chỉ…

Điểm dễ nhận thấy là ở khu vực miền Đông dường như mỗi lễ hội thực sự là ngày hội của các dân tộc trên địa bàn. Có lẽ, cũng chính vì vậy mà sau này, các lễ hội đều gắn với việc tổ chức những ngày hội văn hóa – thể thao của các dân tộc địa phương. Ở Bình Liêu đã mở thêm Hội hoa Sở, ở Ba Chẽ là Lễ hội Trà hoa vàng… Từ đây, những sắc màu rực rỡ, đặc sắc trong giá trị văn hóa của đồng bào được phô diễn, lan tỏa tới người dân, du khách. Còn bà con dường như cũng thêm yêu, thêm tự hào và có ý thức gìn giữ những nét văn hóa bản địa, truyền thống của dân tộc, quê hương mình hơn.

Theo quangninh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×