Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Ninh: Đột phá trong đầu tư cơ sở hạ tầng văn hóa, thể thao

26/09/2023 | 15:17

Tháng 10/2013, Bảo tàng - Thư viện tỉnh khánh thành, cũng là công trình khởi đầu cho việc Quảng Ninh nối tiếp xây dựng hàng loạt thiết chế văn hóa, thể thao sau đó, không chỉ tạo được thương hiệu riêng, mà còn thúc đẩy sự phát triển văn hóa, thể thao trên địa bàn.

Những công trình nghìn tỷ

Bảo tàng - Thư viện tỉnh trước đây được xây dựng ở 2 vị trí tách biệt nhau và cũng nằm ở những vị trí trung tâm của TP Hạ Long. Tuy nhiên, với thiết kế cũ và được xây dựng đã khá lâu, hoạt động của 2 địa chỉ này được đánh giá mới ở cấp độ là nơi lưu giữ tài liệu, hiện vật, sức hút có nhiều hạn chế.

Sau khi công trình mới được xây dựng và đưa vào sử dụng, "viên ngọc đen" nằm bên bờ Vịnh Hạ Long và trên tuyến đường bao biển đẹp nhất của Quảng Ninh đã thực sự phát huy lợi thế, trở thành một điểm đến văn hóa của du khách. Theo thống kê, tổng số khách đến tham quan Bảo tàng Quảng Ninh trong 5 năm giai đoạn trước dịch Covid-19 đạt gần 1 triệu lượt, trong đó có 120.000 khách quốc tế. Cũng từ cơ sở này, đơn vị bước đầu thực hiện thành công tự chủ nguồn chi thường xuyên, là một trong 3 bảo tàng trên cả nước tự chủ 100% nguồn kinh phí này.

Quảng Ninh: Đột phá trong đầu tư cơ sở hạ tầng văn hóa, thể thao - Ảnh 1.

Bảo tàng Quảng Ninh - "viên ngọc đen" nằm ven bờ Vịnh Hạ Long.

Thư viện tỉnh cũng nâng cao hiệu quả hoạt động, mở thêm nhiều dịch vụ, hoạt động chuyên đề và áp dụng KHCN trong phục vụ bạn đọc; xây dựng và phát triển thư viện điện tử; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động hướng tới mô hình là cơ quan cung cấp dịch vụ, thu hút đông đảo bạn đọc tham gia.

Không chỉ Bảo tàng - Thư viện, Quảng Ninh đã quan tâm, dành nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh. Cho đến nay, đã có thêm nhiều công trình văn hóa, thể thao cấp tỉnh có quy mô xứng tầm được xây dựng, như: Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, Cung Văn hóa thanh thiếu nhi, Công viên hoa Hạ Long, Quảng trường 30/10, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, Trung tâm Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc, Khu liên hợp thể thao tỉnh, SVĐ Cẩm Phả…

Các thiết chế này đã dần đáp ứng việc tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao cấp quốc gia, quốc tế và khu vực như SEA Games 31, Liên hoan Xiếc quốc tế, Liên hoan các ban nhạc quốc tế... qua đó góp phần tạo dựng thương hiệu Quảng Ninh, khẳng định vị thế của một tỉnh phát triển mạnh và bền vững.

Quảng Ninh: Đột phá trong đầu tư cơ sở hạ tầng văn hóa, thể thao - Ảnh 2.

Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ được đầu tư ở vùng địa đầu Móng Cái. Ảnh: Văn Bá

Đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao

Cùng với sự đầu tư của tỉnh, cơ bản các địa phương trên địa bàn Quảng Ninh đã quan tâm dành nguồn lực, từng bước thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị các thiết chế văn hóa, thể thao theo kế hoạch phát triển KT-XH, tạo diện mạo mới trong phát triển hệ thống hạ tầng, không gian văn hóa ở các địa phương, bảo đảm phục vụ tổ chức các sự kiện quan trọng, các hoạt động phong trào văn hóa, thể thao trên địa bàn.

Đến nay, 13/13 địa phương cấp huyện trong tỉnh có Trung tâm TT-VH; có 2/12 Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn là Đông Triều, Cẩm Phả; có 10 sân bóng đá (SVĐ Cẩm Phả đạt tiêu chuẩn); 61/177 địa phương cấp xã có nhà văn hóa (trong đó 43/61 nhà văn hóa đạt chuẩn); 87/177 xã thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao; cấp thôn/khu có 1.531/1.544 nhà văn hóa (98,4%). Tổng kinh phí đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, xây dựng thiết chế văn hóa trong 5 năm (2018-2022) là trên 1.240 tỷ đồng (trong đó, cấp huyện chi hơn 723 tỷ đồng, cấp xã hơn 517 tỷ đồng).

Quảng Ninh: Đột phá trong đầu tư cơ sở hạ tầng văn hóa, thể thao - Ảnh 3.

Cầu Koi trong khuôn viên Sunworld Hạ Long Complex, được doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn tại TP Hạ Long.

Theo đánh giá của Sở VH-TT, các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức khai thác và nâng cao hiệu quả hoạt động; thực sự trở thành công cụ tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tại đây, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào các dân tộc được bảo tồn, phát huy, phục vụ nhu cầu học tập, sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí cho nhân dân và các sinh hoạt khác, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội và củng cố tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Quảng Ninh: Đột phá trong đầu tư cơ sở hạ tầng văn hóa, thể thao - Ảnh 4.

CBCNV vui chơi thể thao sau giờ làm việc tại Trung tâm Văn hóa, thể thao của Công ty Than Vàng Danh (TP Uông Bí).

Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí có quy mô lớn, điển hình như: Công viên Đại Dương, Ha Long Centre, khu vui chơi giải trí Marina, khu vui chơi quốc tế và sân golf Tuần Châu, khu nghỉ dưỡng cao cấp và sân golf FLC (TP Hạ Long); các công trình văn hóa, thể thao của Công ty TNHH Hà Lan, Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc (TX Đông Triều); khu thể thao Bắc cầu Sông Chanh (TX Quảng Yên); khu suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh (TP Cẩm Phả); khu nghỉ dưỡng cao cấp tại đảo Rều...

Cùng với đó là các trung tâm văn hóa, thể thao của ngành Than và hàng trăm công trình dịch vụ văn hóa, thể thao trị giá hàng ngàn tỷ đồng do các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Theo quangninh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×