Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Ninh: Đảm bảo mùa lễ hội xuân an toàn, văn minh, vui tươi

23/01/2024 | 08:14

Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng là bắt đầu của các lễ hội xuân trên cả nước. Để các hoạt động lễ hội luôn mang đậm ý nghĩa, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho mỗi người, thời điểm này, các ngành, địa phương đều đang tích cực chuẩn bị chu đáo công tác tổ chức, quản lý đảm bảo cho các lễ hội diễn ra an toàn, vui tươi, lành mạnh.

Chu đáo, bài bản

Các lễ hội được tổ chức vào dịp xuân mới trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của cộng đồng dân cư, thể hiện lòng tôn kính của nhân dân đối với bậc tiền nhân có công lao với quê hương, đất nước cũng như gửi gắm những mong ước về năm mới bình an, hạnh phúc, may mắn, tài lộc. Một số lễ hội tiêu biểu, thu hút đông đảo du khách thập phương của tỉnh có thể kể đến như: Hội xuân Yên Tử (TP Uông Bí), Lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), Lễ hội chùa Cái Bầu (Vân Đồn), Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên), Lễ hội xuân Ngọa Vân, Lễ hội Thái Miếu, Lễ hội chùa Quỳnh Lâm (TX Đông Triều)...

Quảng Ninh: Đảm bảo mùa lễ hội xuân an toàn, văn minh, vui tươi - Ảnh 1.

Quang cảnh Khai hội Xuân Yên Tử 2023. Ảnh: Việt Anh

Để đáp ứng việc phục vụ lượng du khách tăng đột biến tại các điểm đến di tích, tâm linh đặc biệt những nơi có lễ hội lớn đầu xuân, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đều đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội; có phương án ứng phó với tình huống phát sinh, nhất là những vấn đề về ùn tắc giao thông, phòng chống dịch bệnh, cháy nổ, vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự ở nơi thờ tự.

Năm nay, Hội xuân Yên Tử diễn ra trong 3 tháng đầu năm âm lịch, trong đó, lễ khai hội xuân diễn ra vào ngày 10 tháng Giêng (tức 19/12/2024). Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí Nguyễn Văn Thành, cho biết: Đến nay, công tác chuẩn bị cho Hội xuân Yên Tử đang được gấp rút thực hiện để sẵn sàng đón tiếp du khách về dự hội. Thành phố đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quảng bá Hội xuân Yên Tử năm 2024, quy tắc ứng xử văn minh du lịch tại Yên Tử; hướng dẫn việc sử dụng các dịch vụ, tiện ích tại Yên Tử... Cùng với đó, các đơn vị cũng đang tiến hành rà soát, nâng cấp cơ sở vật chất tại Khu Di tích Yên Tử như: Bổ sung hệ thống bảng biển chỉ dẫn, biển tuyên truyền vệ sinh môi trường, hình ảnh văn hóa văn minh du lịch; chỉnh trang đường giao thông vào khu du lịch, khu vực bến xe, nội viện các chùa phục vụ Hội xuân 2024; sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống đường đi bộ, lan can, tay vịn trên tuyến đường hành hương từ chùa Giải Oan lên đến chùa Đồng; lắp đặt hệ thống ki ốt cung cấp thông tin du lịch tại các điểm tham quan, nhà chờ xe điện, bến xe, chợ, nhà hàng, để kịp thời cung cấp thông tin cho du khách về các dịch vụ tại Yên Tử.

Quảng Ninh: Đảm bảo mùa lễ hội xuân an toàn, văn minh, vui tươi - Ảnh 2.

Lễ rước kiệu Đức Ông và các nhân thần vi hành là một nghi lễ truyền thống của Lễ hội đền Cửa Ông.

Tại đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) nơi hằng năm đều thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, vãng cảnh, dự lễ, cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng bài bản các điều kiện để lễ hội diễn ra trang nghiêm, bảo đảm nghi thức truyền thống, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Ông Bùi Xuân Hẹn, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên, chia sẻ: Ban Quản lý Di tích đã xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội đền Cửa Ông dịp đầu xuân 2024 báo cáo thành phố. Theo đó, việc tổ chức Lễ hội đền Cửa Ông đảm bảo đầy đủ các nghi lễ truyền thống của lễ hội đặc biệt là lễ rước kiệu Đức Ông và các nhân thần vi hành. Cùng với đó, các chương trình nghệ thuật cũng được đầu tư dàn dựng công phu nhằm tạo không khí mừng xuân vui tươi cho nhân dân và du khách, đồng thời nhằm tiếp tục giáo dục truyền thống, khơi dậy ý thức, trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa cho các tầng lớp nhân dân. Thời điểm này, Ban Quản lý Di tích cũng chủ động rà soát lại hệ thống cơ sở vật chất, chỉnh trang cảnh quan cây xanh, công tác vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp để đón du khách trong những ngày cao điểm Tết sau đó là lễ hội.

Gìn giữ giá trị, ý nghĩa của lễ hội truyền thống

Để có một mùa lễ hội xuân an toàn, lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực chuẩn bị và triển khai nhiều giải pháp để các lễ hội thực hành đúng nghi thức, nét đẹp văn hoá; ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực, biến tướng. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 2/1/2024 về tổ chức các hoạt động Tết Giáp Thìn năm 2024; Sở Văn hóa - Thể thao ban hành văn bản số 64/SVHTT-QLDS ngày 9/1/2024 về việc hướng dẫn tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024.

Quảng Ninh: Đảm bảo mùa lễ hội xuân an toàn, văn minh, vui tươi - Ảnh 3.

Công tác PCCC tại các đền, chùa được Công an TX Đông Triều đặc biệt chú trọng. Ảnh: Nguyễn Khánh (Công an tỉnh)

Theo đó, đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để lễ hội diễn ra đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa tại địa phương, không để những hình ảnh phản cảm diễn ra trong lễ hội; không để tình trạng lợi dụng lễ hội, đông người để tuyên truyền nội dung phản động, kích động bạo lực, mê tín dị đoan, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, cờ bạc trá hình... Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh, về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống trong lễ hội.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan và các địa phương cũng chú trọng nâng cao vai trò trách nhiệm quản lý, tăng cường thanh, kiểm tra công tác tổ chức và hoạt động lễ hội, hướng dẫn nhân dân, du khách tham gia các hoạt động tại lễ hội, kịp thời phát hiện và xử lý những hiện tượng tiêu cực, hành vi vi phạm.

Quảng Ninh: Đảm bảo mùa lễ hội xuân an toàn, văn minh, vui tươi - Ảnh 4.

Người dân đi lễ đầu xuân năm 2023 tại đền An Sinh (Đông Triều). Ảnh: Minh Đức

Mùa lễ hội xuân 2024 sẽ kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Thiết nghĩ, để các sự kiện diễn ra đảm bảo phần nghi lễ được tiến hành trang trọng, đúng nghi thức, phần hội vui tươi, lành mạnh, đa dạng về hình thức với các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống, tạo ấn tượng sâu sắc trong các tầng lớp nhân dân, cùng với việc làm tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội cần sự tham gia, vào cuộc chủ động, tự giác, trách nhiệm của cộng đồng. Mỗi người dân tham gia lễ hội cần trang bị cho mình văn hóa ứng xử với lễ hội, hiểu đúng và thực hành đúng các nghi thức, cũng như tham gia đúng mực vào các hoạt động phần hội, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa tinh thần của lễ hội trong đời sống hiện đại, xây dựng nếp sống văn minh tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo quangninh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×