Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Bình: Những thành quả đáng ghi nhận trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

24/11/2020 | 15:06

Di sản văn hóa là tài sản vô giá gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là cốt lõi bản sắc văn hóa dân tộc. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng quê hương, đất nước có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Xác định tầm quan trọng của di sản văn hóa, thời gian qua, nhất là trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, ngành Văn hóa và Thể thao Quảng Bình đã quán triệt, không ngừng "chăm lo xây dựng và phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc"(1) và đặc biệt chú trọng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Về di sản văn hóa vật thể

Phát huy những kết quả đã đạt được, 5 năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Sở VH-TT đã chỉ đạo công tác khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích lịch sử văn hóa; thống kê các nơi có dấu hiệu di tích...

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 200 điểm di tích. 5 năm qua, đã có 25 di tích được xếp hạng (trong đó có 20 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 2 di tích quốc gia, 3 điểm di tích quốc gia đặc biệt), nâng tổng số di tích trên địa bàn tỉnh ta từ 104 lên 129, trong đó, 55 di tích quốc gia, 74 di tích cấp tỉnh. Đây là sự khẳng định và minh chứng cho nỗ lực, cố gắng của ngành trong công tác xây dựng hồ sơ di tích.

Để đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt đề án phân cấp quản lý di tích danh thắng (phê duyệt tháng 10-2020). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện để quản lý di tích ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; công tác bảo tồn đúng định hướng, góp phần khuyến khích, huy động các tầng lớp nhân dân, các nguồn lực xã hội tham gia quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong những năm tiếp theo.

Quảng Bình: Những thành quả đáng ghi nhận trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa - Ảnh 1.

Lễ hội Đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) được công nhận là Di sản văn hóa. Ảnh: Tiến Hành

Công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo để phát huy tài nguyên du lịch văn hóa, quảng bá các giá trị văn hóa, phát triển du lịch văn hóa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ngày càng được chú trọng. Dẫu nguồn ngân sách đầu tư cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích còn hạn chế nhưng nhờ việc thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa nên 5 năm qua, công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, quản lý, bảo vệ di tích ngày càng được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả xã hội thiết thực.

Các di tích đã được trùng tu, tôn tạo trong thời gian qua đã góp phần chống xuống cấp, trả lại các giá trị nguyên gốc và vẻ đẹp của di tích.

Một số di tích tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong công tác trùng tu, tôn tạo với kinh phí đầu tư rất lớn như: di tích chùa Hoằng Phúc, đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, hang Lèn Hà, đình Tượng Sơn... đang ngày càng trở thành các điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút đông đảo du khách khi đến với Quảng Bình. Các di tích nhất là các đình, chùa, đền, miếu gắn với quá trình lập làng và các nghi lễ sinh hoạt, thuần phong mỹ tục cũng được nhân dân nhiều làng xã đóng góp tiền bạc và công sức để phục hồi, tôn tạo.

Công tác tuyên truyền, quảng bá về di sản văn hóa nói chung và các di tích lịch sử văn hóa nói riêng được quan tâm như xuất bản các tập sách: chùa Hoằng Phúc, di tích danh thắng Quảng Bình (tập 3); phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động lễ hội tại các di tích; tuyên truyền, giới thiệu giá trị các di tích, lịch sử, truyền thống của mảnh đất và con người Quảng Bình thông qua các phương tiện truyền thông và hướng dẫn du khách tại các điểm di tích và thông qua công tác trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

Về di sản văn hóa phi vật thể

Để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao, Sở VH-TT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chương trình hành động về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể thông qua các quy chế, đề án như: Quy chế "Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (năm 2019)"; đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”...

Sở cũng đã tiến hành nghiên cứu đề tài khoa học “Lễ hội Cầu ngư của ngư dân miền biển tỉnh Quảng Bình” làm cơ sở cho công tác phục hồi, quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội cầu ngư trên địa bàn tỉnh.

Công tác xây dựng hồ sơ khoa học về di sản văn hóa phi vật thể đã có những chuyển biến mạnh mẽ và đạt được kết quả tốt. 5 năm qua, sở đã tập trung đầu tư, dày công nghiên cứu để trình Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia các di sản tiêu biểu ở tỉnh ta. Đến nay, tỉnh ta đã có 5 di sản văn hóa phi vật thể gồm: ca trù, hò khoan Lệ Thủy, lễ hội Đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy), lễ hội Cầu ngư của ngư dân miền biển tỉnh Quảng Bình, lễ hội Đập trống của người Ma-Coong (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch).

Hiện nay, sở đang xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL đưa lễ hội Trỉa lúa của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh và hò thuốc cá ở huyện Minh Hóa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn cơ sở, sở đã thực hiện nhiều giải pháp để vừa tăng cường công tác bảo tồn, vừa phát huy giá trị của di sản văn hóa.

Hàng năm, sở đã tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy, liên hoan, hội thi, hội diễn, thực hành di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể như ca trù, hò khoan Lệ Thủy... Nhờ thực hiện tốt công tác tập huấn, trao truyền nên tại liên hoan các CLB ca trù toàn quốc được tổ chức tại Hà Tĩnh, lần đầu tiên CLB ca trù tỉnh Quảng Bình đã đạt giải A toàn đoàn.

Sở cũng đã phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL xây dựng CLB văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Bru-Vân Kiều tại xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh); tổ chức phục dựng lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều tại bản Còi Đá, xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy) nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống tốt đẹp của dân tộc Bru-Vân Kiều trước nguy cơ bị mai một, tạo thành loại hình sản phẩm văn hóa đặc thù, phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.

Nhằm không ngừng bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, làm cho các di sản ấy đồng hành với đời sống nhân dân, hầu hết các địa phương đều có CLB dân ca. Nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả như: tổ chức nhiều CLB tham gia biểu diễn ở các địa phương khác; đưa di sản văn hóa phi vật thể của địa phương mình vào trường học (Lệ Thủy).

Các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như việc tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng thời gian qua hết sức chú trọng việc phục dựng, xây dựng các chương trình theo hướng nghệ thuật truyền thống, trong đó đặc biệt chú trọng các làn điệu dân ca Bình Trị Thiên, hò khoan Lệ Thủy, hò thuốc Minh Hóa, hát ru Cảnh Dương...

Hoạt động sưu tầm bổ sung các tư liệu thành văn có giá trị, các sắc phong ghi lại tiến trình lịch sử, văn hóa, truyền thống ở các địa phương trong thời gian qua đã góp phần làm phong phú hơn di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh nhà, phục vụ cho các tầng lớp nhân dân trong học tập, nghiên cứu...

Công tác tôn vinh nghệ nhân, những “báu vật sống” được quan tâm, nhất là những người có công lao trong việc gìn giữ, trao truyền tinh hoa văn hóa dân tộc ở các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 1 nghệ nhân nhân dân, 9 nghệ nhân ưu tú.

Những kết quả đã đạt được trong 5 năm qua trên lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã góp phần tích cực vào thành tích chung của ngành VH-TT, phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI về lĩnh vực văn hóa.

Phát huy những thành quả đã đạt được, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, có hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp, ngành, tin tưởng rằng, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII ở tỉnh ta sẽ đạt được những thành quả mới.

(1) Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, trang 82.

Theo Báo Quảng Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×