Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Bình: Lan tỏa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

20/07/2021 | 17:31

Qua 20 năm (2000-2020) triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong việc xây dựng con người Quảng Bình phát triển toàn diện, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước.

Đặc biệt, phong trào đã được lồng ghép với nhiều hoạt động thiết thực về văn hóa, xã hội như xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh đô thị làm cho đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân được nâng lên; bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chung của toàn tỉnh.

Để lan tỏa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vào cuộc sống, các cấp, ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo, cơ quan Trung ương về thực hiện phong trào đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Ban Chỉ đạo Phong trào được thành lập từ cấp tỉnh đến cấp xã và thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đảm bảo hoạt động hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của phong trào trong từng giai đoạn cụ thể. Hàng năm, Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp đều xây dựng kế hoạch hoạt động; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các nội dung thực hiện phong trào, nhất là tiêu chí bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa” cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện phong trào. Trong 20 năm qua, đã có 9.028 tập thể, 2.412 cá nhân cấp huyện và 6.273 tập thể, 6.446 cá nhân cấp xã có thành tích tiêu biểu trong thực hiện phong trào được biểu dương, khen thưởng.

Công tác kiểm tra việc thực hiện phong trào, trọng tâm là phong trào xây dựng danh hiệu Gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, quy ước, hương ước thôn, bản, tổ dân phố tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố, 151/151 xã, phường, thị trấn, 1.144/1.144 thôn, bản, tổ dân phố trên địa tỉnh cũng được quan tâm thực hiện. Các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, mang lại hiệu quả rõ rệt. Đến nay, toàn tỉnh có 100% khu dân xây dựng và tổ chức hiệu quả mô hình tự quản; duy trì và giữ vững các xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội; có 100 Ban an ninh trật tự thôn, bản, tổ dân phố; 487 Đội xung kích; 4.450 Tổ an ninh Nhân dân; 22 Ban bảo vệ dân phố; 815 Nhóm liên gia tự quản; 234 Tổ “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”; 221 Tổ, Đội bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường với 1.323 người. Công tác xây dựng, duy trì mô hình điểm luôn được chú trọng, đến nay đã duy trì và xây dựng được 84 mô hình chỉ đạo điểm cấp tỉnh về an ninh trật tự. Các tổ hòa giải ở cơ sở cũng đã hoạt động tích cực và hòa giải thành công 5.235 vụ việc, góp phần vào việc ổn định tình hình, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn khu dân cư. Đặc biệt, các thôn, bản, tổ dân phố đã đưa các quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào hương ước, quy ước tạo nên sự chuyển biến tích cực. Năm 2000, toàn tỉnh có 3.166 đám cưới, 1.998 đám tang thực hiện theo nếp sống mới; năm 2015 có 6231/7553 đám cưới, tỷ lệ 82,4%, có 4.437/5095 đám tang thực hiện theo nếp sống mới, tỷ lệ 87,1%; năm 2020, toàn tỉnh có 4.799/4.918 đám cưới thực hiện theo nếp sống mới, đạt tỷ lệ 97,6% (tăng 15,2% so với năm 2015); 4.442/4.512 đám tang thực hiện theo nếp sống mới, đạt tỷ lệ 98,4% (tăng 11,3% so với năm 2015).

Việc xây dựng môi trường văn hóa cũng được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Ban Chỉ đạo các cấp đã tích cực, chủ động phối hợp với cơ quan có liên quan triển khai tuyên truyền sâu rộng các tiêu chí đạt chuẩn văn hóa để tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân trong việc “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm tốt công tác vệ sinh môi trường, xây dựng cơ quan, đơn vị xanh, sạch, đẹp. Những mô hình gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa tiêu biểu xuất sắc được nhân rộng; các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan được hạn chế; con người có lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống trong sáng, phát huy được các giá trị văn hóa trong tôn giáo, tín ngưỡng gắn bó với dân tộc, hướng thiện, nhân đạo, nhân văn, tiến bộ, nâng cao được chất lượng, hiệu quả phong trào trên địa bàn tỉnh.

Xác định xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nên thời gian qua, các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể, địa phương trong tỉnh cũng đã tập trung triển khai thực hiện và phát triển về chiều rộng, bề sâu, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia gắn với Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ, phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong công nhân viên chức lao động” của Liên đoàn Lao động tỉnh, “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Thanh niên sống đẹp, sống có ích” của Đoàn Thanh niên, “Gia đình Cựu chiến binh văn hóa” của Hội Cựu chiến binh, “Xây dựng gia đình nông dân văn hoá” của Hội Nông dân và “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Gia đình học tâp”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” của Hội Khuyến học… Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã thực sự trở thành môi trường giáo dục quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần của các thành viên trong gia đình; phát huy được truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng, góp phần giữ gìn đạo đức, thuần phong mỹ tục, xây dựng, bảo tồn các giá trị tốt đẹp của quê hương, dòng họ, gia đình. Qua thực hiện phong trào, xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình văn hóa tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, nêu cao tinh thần tương thân tương ái. Số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa tăng hàng năm. Năm 2000, toàn tỉnh có 58.411/155.511 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 37,5% thì đến năm 2020 có 209.881/243.621 gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 86,3%, (tăng 48,8% so với năm 2000).

Cùng với việc xây dựng gia đình văn hóa, phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cũng được các cấp ngành chú trọng phát triển mạnh mẽ, chất lượng ngày càng được nâng cao, phát huy được tính tích cực và tác dụng thiết thực trong đời sống; trở thành những chuẩn mực về nếp sống, lối sống, quan hệ văn hóa cộng đồng, đối nhân xử thế, giữa con người với con người, giữa con người với môi trường xã hội. Năm 2000, toàn tỉnh có 94/1.209 khu dân cư văn hóa, đạt tỷ lệ 7,8%; 10/700 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, tỷ lệ 1,4% thì đến năm 2020, có 937/1.144 khu dân cư văn hóa, đạt tỷ lệ 81,9%, (tăng 74,1% so với năm 2000); 814/1.038 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá, đạt tỷ lệ 78,4% (tăng 77% so với năm 2000). Ngoài ra, việc xây dựng và triển khai thực hiện hương ước, quy ước của các thôn, bản, tổ dân phố đã phát huy được hiệu quả, trở thành hành vi ứng xử của từng người dân, từng hộ gia đình, làng xóm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” còn được các cấp, ngành, Mặt trận, đoàn thể thực hiện gắn với các phong trào, cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; học tập, lao động sáng tạo; “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nhân đạo, từ thiện”… và đã đạt nhiều kết quả quan trọng, thiết thực. Từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn tỉnh, Nhân dân đã đóng góp cho việc xây dựng nông thôn mới gần 01 tỷ đồng; hiến và tặng gần 2.000m2 đất, tự tháo dỡ hàng trăm công trình để làm đường giao thông nông thôn, công trình văn hóa, trường học, chợ, trạm y tế...; trồng 156.000 cây, trồng, chăm sóc 1.000m đường hoa và 6.000 điểm hoa; lát 2.000m2 sân vận động, mua 1.812 bóng điện chiếu sáng, phá dỡ trên 20.000 m hàng rào, chặt bỏ để giải phóng mặt bằng 35.854 cây các loại, góp phần làm thay đổi diện mạo khu dân cư và cải thiện cuộc sống người dân.

Có thể nói, sau 20 năm triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nét nổi bật nhất đó là tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; nâng cao vai trò vị trí của Ủy ban Mặt trận và các đoàn thể, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Chất lượng cuộc sống của các gia đình được nâng lên rõ rệt, số hộ giàu ngày càng tăng, hộ nghèo giảm đáng kể. Các giá trị đạo đức truyền thống, nếp sống văn hóa ngày càng được coi trọng; ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, hộ gia đình ngày được nâng cao, vai trò của gia đình từng bước được khẳng định.

Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai sâu rộng Phong trào, tạo sự chuyển biến vững chắc trong xây dựng nếp sống, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đẩy lùi tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu trong cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn, củng cố quốc phòng, an ninh, thời gian tới, các cấp, ngành, Mặt trận, đoàn thể sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Phong trào; về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; khơi dậy tinh thần trách nhiệm cộng đồng, tinh thần đoàn kết nhằm nhân rộng và lan tỏa trong đời sống xã hội những giá trị tốt đẹp, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội; xây dựng các mô hình tiêu biểu, phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành; phổ biến, nhân rộng điển hình tiên tiến; biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu; phê phán, chống lại những quan điểm, hành vi tiêu cực, trái với đạo lý và thuần phong mỹ tục. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, gia đình văn hóa; hoàn thiện hệ thống thiết chế và hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung của phong trào trên địa bàn nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để cùng chung tay thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”

Theo quangbinh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×