Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quan điểm của Tổng cục Du lịch về vụ hướng dẫn viên Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam

03/07/2016 | 18:47

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung đã có cuộc trao đổi với Cổng thông tin điện tử của Bộ VHTTDL về tình trạng hướng dẫn viên Trung Quốc lộng hành tại một số địa phương, xuyên tạc lịch sử và địa lý của Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung đã có cuộc trao đổi với Cổng thông tin điện tử của Bộ VHTTDL về tình trạng hướng dẫn viên Trung Quốc lộng hành tại một số địa phương, xuyên tạc lịch sử và địa lý của Việt Nam.

-Gần đây thị trường khách Trung Quốc tăng trưởng đột biến một số điểm đến nổi tiếng của Việt Nam, nhưng lại gây ra một số hệ lụy khó lường như: gây rối, đốt tiền Việt, HDV Trung Quốc xuyên tạc lịch sử, địa lý của Việt Nam... Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Tổng cục Du lịch đánh giá như thế nào về tình trạng này?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung: Theo nhận thức và quan điểm của Tổng cục Du lịch Việt Nam, thị trường Đông Bắc Á nói chung, trong đó có Trung Quốc là thị trường truyền thống, hiện đóng góp lượng khách lớn cho du lịch Việt Nam và còn rất nhiều tiềm năng. 


Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung (Ảnh: Vân Hà)

Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã thu hút được thị trường khách này, đã xúc tiến quảng bá và xây dựng được mối quan hệ với Cục Du lịch Trung Quốc trên nền tảng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Đảng và Nhà nước hai nước. Việc lượng khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam đông thời gian qua đã thể hiện sự thành công của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, khách Trung Quốc có một số nét đặc thù, gây phản cảm. Không chỉ Việt Nam mà một số quốc gia khác cũng gặp phải vấn đề này. Giải pháp quan trọng nhất là phải nâng cao năng lực quản lý, siết chặt lại hoạt động kinh doanh lữ hành, khách sạn cũng như phát huy được mặt tích cực của du khách Trung Quốc và hạn chế những mặt trái và hệ lụy.

Đối với trường hợp một số địa phương phát triển quá “nóng” đối với thị trường Trung Quốc, trước đây là Quảng Ninh, sau đó là Khánh Hòa, Đà Nẵng, quan điểm của Tổng cục Du lịch là cần tăng cường năng lực quản lý nhà nước, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục Du lịch, UBND các tỉnh thành phố, tăng cường rà soát, xem xét lại các văn bản quản lý Nhà nước, công tác quản lý Nhà nước về Du lịch, trong đó đặc biệt lưu ý các hoạt động lữ hành, HDV du lịch và các cơ sở lưu trú cũng như công tác dịch vụ du lịch. Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của ngành VHTTDL, trong đó có thanh tra Bộ VHTTDL, thanh tra về quản lý Nhà nước của Tổng cục Du lịch.

Quan điểm của Tổng cục Du lịch, nếu phát hiện ra những sai phạm, đến mức cần phải xử lý thì kiên quyết xử lý nghiêm.

-Riêng đối với tình trạng hướng dẫn du lịch Trung Quốc hoạt động “chui” và xuyên tạc lịch sử Việt Nam, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và địa phương như thế nào để chấn chỉnh tình trạng này?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung:
Tổng cục Du lịch mới đây có văn bản gửi Chủ tịch UBND Khánh Hòa đề nghị rà soát lại hoạt động lữ hành trên địa bàn. Nếu phát hiện doanh nghiệp (DN) Việt Nam có hành vi tiếp tay cho DN Trung Quốc để làm dịch vụ du lịch giá rẻ, cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng HDV Trung Quốc thì kiên quyết xử lý. Hình thức có thể là xử phạt hành chính thật nghiêm, nếu vi phạm nặng thì cần thu hồi giấy phép. Đồng thời, trục xuất những đối tượng người nước ngoài đang hoạt động du lịch bất hợp pháp tại Khánh Hòa.

Đối với Đà Nẵng, Tổng cục Du lịch đã chỉ đạo Sở Du lịch Đà Nẵng gỡ băng thu thập được để kiểm tra thông tin báo chí nêu về việc HDV du lịch Trung Quốc hoạt động “chui” trên địa bàn, xuyên tạc thông tin lịch sử và địa lý của Việt Nam. Nếu xác minh đúng như báo chí nêu thì Tổng cục Du lịch sẽ đề nghị UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo Công an TP cùng với Sở Du lịch TP xử phạt hành chính đối với những cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam có liên quan. Bên cạnh đó, yêu cầu trục xuất những đối tượng trên khỏi Đà Nẵng. Về phía Tổng cục Du lịch, nếu đầy đủ chứng cứ, sẽ có văn bản gửi Cục Du lịch Trung Quốc để thông tin về nội dung này, đề nghị Cục xử lý nghiêm các đơn vị lữ hành Trung Quốc có đưa đối tượng có hành vi nói trên vào Việt Nam.

Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang củng cố, thu thập chứng cứ để có văn bản chính thức qua con đường ngoại giao. Đối với những đối tượng nước ngoài làm ăn gian dối như thế này, tôi tin rằng Cục Du lịch Trung Quốc sẽ ủng hộ cách xử lý của Tổng cục Du lịch Việt Nam trong vấn đề này.

-Thực tế việc HDV Trung Quốc "thao túng" tại một số điểm đến của Việt Nam không phải bây giờ mới xuất hiện. Tuy nhiên vì một số địa phương thiếu HDV du lịch tiếng Trung nên một số đơn vị lữ hành đã “lách luật” để sử dụng HDV Trung Quốc. Vậy theo ông, có giải pháp nào để giải quyết tình trạng này không?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung: Liên quan đến việc này, tới đây Tổng cục Du lịch sẽ ký công văn gửi tất cả các Sở VHTTDL, Sở Du lịch trên toàn quốc rà soát lại toàn bộ công tác HDV du lịch. Việc rà soát lại này, một mặt nhằm phát hiện ra những thiếu sót trong quản lý, cấp phép, sử dụng HDV du lịch nước ngoài chui để từ đó có biện pháp chấn chỉnh. Mặt khác, nhằm nắm bắt nhu cầu về HDV của địa phương để từ đó tìm giải pháp điều chỉnh. Địa phương nào còn thiếu đội ngũ HDV du lịch thì đề nghị phối hợp với các cơ sở đào tạo để bồi dưỡng, đào tạo bổ sung lực lượng HDV du lịch để kịp nắm bắt nhu cầu của thị trường. Hiện nay, có thực tế, một số địa phương thiếu HDV, đặc biệt là những HDV tiếng hiếm.

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng dự báo trước những khu vực trọng điểm về du lịch như: TP HCM, Phú Quốc, Huế tới đây sẽ là những điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc. Chắc chắn lượng khách Trung Quốc sẽ đến những địa phương này rất đông. Chúng ta cần lường trước những vấn đề này để chuẩn bị mọi việc phục vụ đối tượng khách này, tránh tình trạng bị động.

Tổng cục cũng chỉ đạo những địa phương này căn cứ vào điều kiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch, cần có sự phân loại khách để vừa có dòng sản phẩm phù hợp với khách Trung Quốc, vừa có các sản phẩm du lịch đẳng cấp để phục vụ những đối tượng khách cao cấp từ những thị trường khác, có chi tiêu cao và lưu trú dài ngày. Quan điểm của Tổng cục là đa dạng hóa nguồn khách, không tập trung vào một thị trường nào để phòng những trường hợp bất ổn khi dòng khách  thị trường đó mất đi, hoạt động du lịch cũng không bị hụt hẫng.
Từ vấn đề liên quan đến HDV Trung Quốc tại một số địa phương, nhiều người đã đặt lại vấn đề số lượng và chất lượng HDV du lịch hiện chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung:  Thực tế bài học về khách Trung Quốc tại Khánh Hòa đã đặt ra vấn đề dự báo du lịch. Do dự báo kém, không chuẩn bị được đội ngũ HDV đầy đủ nên lượng HDV tiếng Trung của Khánh Hòa thiếu trầm trọng. Nếu chúng ta có đầy đủ HDV để cung cấp cho các công ty lữ hành thì sẽ không phải dùng HDV nước ngoài. Đây là bài học về công tác quản lý, dự báo và đào tạo HDV hiện nay.

-Thực tế hiện nay có tình trạng các DN lữ hành Trung Quốc “ôm” phòng khách sạn tại một số điểm đến nổi tiếng của Việt Nam như Khánh Hòa, khiến cho khách nội địa cũng không đặt được phòng, giá phòng bị đẩy lên cao. Tổng cục Du lịch có đề xuất giải pháp nào để gỡ khó cho địa phương về vấn đề này không, thưa ông?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung: Đối với tour du lịch trọn gói, đơn vị lữ hành phải tính toán đầy đủ chi phí, báo giá và du khách mua tour sẽ được hưởng đầy đủ dịch vụ trọn gói. Nhưng hiện nay một số DN Việt Nam không sử dụng hình thức này mà chỉ cung cấp một số dịch vụ, còn tour thì lại cho DN Trung Quốc điều hành. Đây là sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, người ta thường gọi là “chăn dắt”.

Thậm chí, những DN này còn ép khách du lịch đến những cơ sở mua sắm để hưởng tiền hoa hổng từ những cơ sở đó để bù lại tiền giá tour thấp. Điều này dẫn tới tình trạng các tour này chất lượng không cao, ngay cả du khách Trung Quốc cũng bị thiệt thòi.  Thậm chí, còn có tình trạng DN lữ hành Trung Quốc dẫn du khách đến những cửa hàng do người Trung Quốc điều hành và mua bán bằng đồng Nhân dân tệ. Tuy nhiên, vụ việc này nằm ngoài thẩm quyền xử lý của ngành du lịch, cần có sự vào cuộc của Công an để điều tra xử lý tình trạng này.

Có một thực tế là khi dòng khách Nga sụt giảm mạnh ở Khánh Hòa, một số DN Trung Quốc đã nắm bắt được cơ hội, đến làm việc với các DN Việt Nam, cụ thể là các khách sạn ở Khánh Hòa. Các khách sạn này lúc bấy giờ có tâm lý nghĩ rằng mình đang ở tình thế nguy hiểm do toàn bộ TP Nha Trang vắng khách, nên đã chấp nhận bán dịch vụ với giá rẻ để có khoản tiền “nuôi” bộ máy hoạt động để chờ đợi cơ hội phục hồi. Họ chấp nhận bán trước dịch vụ cả năm, thậm chí 2 năm liền cho các DN Trung Quốc. Vì họ đã chót ký hợp đồng với DN Trung Quốc bao trọn gói cả năm trời, do đó, khi khách đông trở lại các DN Việt Nam và Trung Quốc muốn ký hợp đồng với các cơ sở lưu trú với giá cao hơn cũng không được.

Đây là do tư duy kinh doanh chộp giật, nhận thức chưa thấu đáo của DN du lịch Việt Nam, cụ thể là khách sạn, dẫn đến tình hình bất cập nói trên.

-Xin cảm ơn ông!

Minh Khoa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×