Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phú Yên: Lan tỏa nét đẹp văn hóa trong ứng xử

08/04/2021 | 09:09

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp; phát động các phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Qua đó góp phần xây dựng gia đình trong thời đại mới; khẳng định vai trò của gia đình đối với sự phát triển của đất nước.

Phú Yên: Lan tỏa nét đẹp văn hóa trong ứng xử - Ảnh 1.

Gia đình hạnh phúc là nền tảng bền vững của xã hội.

Thực tế khẳng định, con người chỉ có thể được trang bị những phẩm chất tốt đẹp nếu có một môi trường xã hội tốt. Môi trường đó trước hết là từ mỗi gia đình, mỗi tế bào của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình".

Xây dựng gia đình hạnh phúc

Bà Nguyễn Thị Hải ở phường Hòa Hiệp Trung (TX Đông Hòa) cho rằng, nội dung giáo dục gia đình hiện nay cần tập trung vào việc giáo dục cách ứng xử trong gia đình với nguyên tắc đã được bao thế hệ gìn giữ lưu truyền. Đó là, "trên kính, dưới nhường" và lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Đây vừa là phép tắc ứng xử, vừa là giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.

"Trước khi thành tài, tôi chỉ mong con cháu mình là một đứa trẻ ngoan, biết yêu thương, kính trọng cha mẹ và những người thân thích ruột thịt của mình, đồng thời biết yêu thương và giúp đỡ người không may mắn... Để được như vậy, tôi luôn dặn dò các con phải tự giáo dục, tự biết vượt qua chính mình; ông bà, cha mẹ luôn là tấm gương sáng cho con cháu noi theo", bà Hải nói.

Còn theo anh Lê Văn Tâm ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa), vấn đề chia sẻ việc nhà trong mỗi gia đình tưởng chừng đơn giản nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc gia đình. Phụ nữ thường bị quy kết là phải có nghĩa vụ, trách nhiệm chăm lo việc nhà, và trong mắt người đàn ông, việc nhà hiển nhiên thuộc về phụ nữ. Chính bởi suy nghĩ lệch lạc đó mà rất nhiều ông chồng thường thờ ơ với việc nhà, họ thường phó mặc cho vợ. Từ đó, nhiều chị em phụ nữ cảm thấy bực bội và phẫn nộ với thái độ vô trách nhiệm, dửng dưng đó của chồng.

Anh Lê Văn Tâm chia sẻ: "Theo tôi, để xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ cần đến với nhau bằng sự chân thành, thấu hiểu và tin tưởng lẫn nhau, mà còn phải biết chia sẻ với nhau. Có cùng làm việc nhỏ thì mới có thể cùng nhau làm nên chuyện lớn. Vì thế, tôi luôn cố gắng san sẻ công việc nhà với vợ mình như: dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc và đưa đón con cái đi học... Qua đó, vợ chồng trở nên thấu hiểu và cảm thông nhau hơn, cuộc sống gia đình cũng dần trở nên tươi đẹp hơn".

Nâng cao chất lượng công tác gia đình

Cùng với cả nước, Phú Yên đã và đang triển khai thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ CNH, HĐH đất nước; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong những năm qua, Phú Yên nói chung, ngành VHTTDL nói riêng xác định công tác gia đình là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương. Vì vậy, hoạt động công tác gia đình đã được triển khai toàn diện, đồng bộ theo hướng từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng.

"Với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về công tác gia đình, ngành VHTTDL đã tổ chức các hội diễn văn nghệ, hội thi, hội thảo, lễ phát động và các lớp tập huấn... thu hút nhiều đối tượng tham gia. Qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là thế hệ trẻ về việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Quyền Giám đốc Sở VHTTDL cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh những điều tốt đẹp, ngày càng nhiều tệ nạn xã hội "tấn công" vào các gia đình trẻ, ảnh hưởng lớn đến lối sống, đến việc hình thành nhân cách của con người, những giá trị của gia đình truyền thống dần mất đi. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, thời gian tới, cần phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể về công tác gia đình; tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương và các chương trình, đề án... về phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030.

Đồng thời đẩy mạnh đổi mới nội dung và phương thức trong công tác tuyên truyền ở cơ sở; tăng cường kinh phí và nguồn nhân lực cho công tác gia đình; kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm sáng tạo trong việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc...

Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng lối sống, ứng xử văn minh trong gia đình, cộng đồng và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, Bộ VH-TT-DL vừa ban hành kế hoạch tuyên truyền nét đẹp văn hóa ứng xử trong đời sống sinh hoạt gia đình, dòng họ, khu dân cư và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội năm 2021.

Nội dung tuyên truyền bao gồm: xây dựng phim phóng sự trên kênh truyền hình (giới thiệu những mô hình gia đình, dòng họ, thôn/buôn tiêu biểu tại một số địa phương; giới thiệu những nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt đời sống gia đình).

Các phim phóng sự do Trung tâm Điện ảnh - Thể thao - Du lịch Việt Nam thực hiện, phát sóng trên kênh Truyền hình Nhân dân. Đối với tuyên truyền trên báo in, báo điện tử sẽ thực hiện các chuyên đề với nội dung: thực trạng, giữ gìn truyền thống, phê phán những hành vi phản cảm trong văn hóa ứng xử gia đình; lan tỏa những hành động tử tế; ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học...

Theo svhttdl.phuyen.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×