Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phú Thọ: Phát huy giá trị bảo vật Quốc gia

15/05/2023 | 11:51

Trên địa bàn tỉnh hiện có năm bảo vật Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận là: Trống đồng Đền Hùng và Bộ khóa đai lưng bằng đồng thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng; Tượng Mẫu Âu Cơ thuộc Khu Di tích Đền Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa; Sưu tập Nha Chương thuộc Bảo tàng Hùng Vương và Bệ đá hoa sen chùa Xuân Lũng, huyện Lâm Thao.

Phú Thọ: Phát huy giá trị bảo vật Quốc gia - Ảnh 1.

Các bảo vật Quốc gia được trưng bày, bảo quản và thu hút sự quan tâm của nhiều khách tham quan.

Bảo vật Quốc gia là dấu mốc khẳng định những giá trị văn hóa phi vật thể độc nhất của nền văn hóa thời kỳ Hùng Vương dựng nước trên vùng Đất Tổ trong dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chị Nguyễn Thanh Nhàn - Thuyết minh viên Bảo tàng Hùng Vương, thành phố Việt Trì cho biết: Tại Bảo tàng Hùng Vương đang trưng bày hơn 12.000 hiện vật, tư liệu hình ảnh, tài liệu gốc về văn hóa và lịch sử. Trong số các hiện vật được trưng bày có bảo vật Quốc gia là sưu tập Nha Chương và các bản sao của các bảo vật Quốc gia.

Nha chương là hiện vật độc đáo của văn hóa Phùng Nguyên có niên đại cách ngày nay vào khoảng 3700 đến 3400 năm. Trong số 70 di tích của cả nước được thám sát, khai quật và nghiên cứu chỉ có hai di tích phát hiện được nha chương, đó là Phùng Nguyên và Xóm Rền của tỉnh Phú Thọ. Số lượng Nha chương được phát hiện tới nay chỉ có tám chiếc, trong đó Bảo tàng Hùng Vương hiện đang lưu giữ bốn chiếc. Nha chương có ý nghĩa là biểu trưng cho quyền lực của vị thủ lĩnh và là báu vật của một bộ lạc, tồn tại ở giai đoạn đầu của nền văn hóa Phùng Nguyên. Nha chương đầu tiên được ông Nguyễn Văn Đống phát hiện ngẫu nhiên tại di chỉ Phùng Nguyên năm 1993, thuộc thôn Phùng Nguyên, xã Kinh Kệ, huyện Phong Châu nay là huyện Lâm Thao.

Phú Thọ: Phát huy giá trị bảo vật Quốc gia - Ảnh 2.

Sưu tập Nha chương duy nhất chỉ phát hiện được tại Phú Thọ.

Sưu tập Nha chương được làm bằng đá ngọc, sử dụng các kỹ thuật chế tác như ghè, đẽo, khoan, cưa, tạo các rãnh nhỏ đối xứng nhau, tạo các lỗ thủng xuyên tâm rất tinh xảo; bên cạnh đó là kỹ thuật mài nhẵn, đánh bóng, mài vát hình chữ V, hình đuôi cá, đạt trình độ thẩm mỹ cao. Việc lựa chọn chất liệu đá ngọc và sử dụng kỹ thuật chế tác đá tương thích, đã làm nên nét độc đáo của chiếc Nha chương, chứng tỏ sự phát triển đỉnh cao của cư dân Phùng Nguyên trong việc chế tác đá.

Mang trong mình dấu ấn văn hóa, giá trị thẩm mỹ đặc sắc qua mỗi thời kỳ lịch sử, bảo vật Quốc gia không chỉ khẳng định sự giàu có về văn hóa mà còn hội tụ những tinh hoa trí tuệ của các bậc tiền nhân. Có dịp đến thăm chùa Xuân Lũng, huyện Lâm Thao du khách sẽ được chiêm ngưỡng một bảo vật Quốc gia là Bàn thờ Phật bằng đá xanh. Chùa Xuân Lũng (Phổ Quang tự) được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1980. Bàn thờ Phật bằng đá là hiện vật đã gắn với lịch sử của ngôi chùa từ cuối thế kỷ XIV. Bàn thờ Phật có kết cấu năm tầng được lắp ghép từ nhiều phiến đá theo hình chữ Công tạo nên sự liên kết vững chãi. Họa tiết điêu khắc đặc trưng của văn hóa thời Trần như cá hóa rồng, độc long, sư tử vờn hoa... thể hiện kỹ thuật tạo tác và nghệ thuật chạm khắc đá tài hoa của các nghệ nhân xưa. Bàn thờ Phật bằng đá là hiện vật gốc độc bản có giá trị về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đóng góp tích cực đối với sự nghiệp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đồng chí Phạm Nga Việt - Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa cho biết: Nhờ thực hiện công tác quản lý, bảo quản, các bảo vật Quốc gia đã và đang phát huy giá trị lịch sử, góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, đồng thời, đảm bảo quyền hưởng thụ văn hóa của người dân. Ngành Văn hóa đã thực hiện phiên bản các bảo vật Quốc gia với tỷ lệ 1/1 và trưng bày, quảng bá, giới thiệu tại Bảo tàng tỉnh để người dân và du khách tham quan, tìm hiểu. Ngành chức năng cũng đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày chuyên đề giới thiệu về di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh, trong đó có bảo vật Quốc gia; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch kiến thức chuyên sâu về bảo vật Quốc gia, nhằm phục vụ tốt khách tham quan, nghiên cứu về bảo vật…

Theo Báo Phú Thọ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×