Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phú Thọ kỷ niệm 10 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam

24/11/2015 | 15:20

Sáng 23.11.2015, UBND tỉnh Phú Thọ đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam; trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và “Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ” lần thứ II năm 2015.


Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Hoàng Dân Mạc trao Quyết định của Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” lần thứ nhất trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cho các nghệ nhân

Ngay sau khi hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp vào ngày 24.11.2011, Tỉnh đã có kế hoạch hành động và thực hiện bảo tồn với tầm nhìn chiến lược. Tỉnh tập trung truyền dạy, thực hành và nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tổng tập hát Xoan Phú Thọ; tổ chức các hoạt động biểu diễn và giao lưu trong nước; tăng cường tuyên truyền, quảng bá; lập dự án bảo quản, tu bổ, khôi phục các di tích và kiểm kê hát Xoan trên địa bàn; hỗ trợ kinh phí cho 4 phường Xoan gốc để chủ động tổ chức truyền dạy, đào tạo nghệ nhân kế cận và tổ chức các hoạt động.

Bên cạnh đó, việc đầu tư, tu bổ, tôn tạo các không gian diễn xướng được tích cực triển khai; việc thực hành hát Xoan trong cộng đồng địa phương được phục hồi và đẩy mạnh. Từ một loại hình nghệ thuật có nguy cơ bị mai một, hát Xoan đã thực sự hồi sinh, lan tỏa và có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng.

So với năm 2006, số lượng thành viên ở 4 phường Xoan cổ đã tăng khá nhiều, Phường An Thái có 42 thành viên nay có 85; phường Thét có 30 thành viên nay có 50. Năm 2009, trong số 31 nghệ nhân cao tuổi nhất (từ 80 đến 104), chỉ có 7 cụ còn khả năng thực hành, truyền dạy bài Xoan cổ cho lớp trẻ. Đến nay đã đào tạo được 62 nghệ nhân kế cận có khả năng truyền dạy; 31 bài cơ bản của 3 chặng Hát Xoan do các nghệ nhân cao tuổi nắm giữ đã được tư liệu hóa và truyền dạy hầu như đầy đủ cho lớp nghệ nhân kế cận. Năm 2010 có 13 câu lạc bộ của những người yêu thích Xoan với tổng số 298 thành viên, sinh hoạt ở các Nhà văn hóa thôn/xã ở tỉnh Phú Thọ. Đến tháng 11 năm 2015 có 28 câu lạc bộ Hát Xoan với số hội viên lên tới trên 1.100 người.
19 di tích liên quan tới Hát Xoan, đặc biệt Miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình làng Kim Đới xã Kim Đức và đình An Thái xã Phượng Lâu (Thành phố Việt Trì) - di tích cổ nhất gắn với sự ra đời Hát Xoan đã và đang được khôi phục, tu bổ, tôn tạo đưa vào sử dụng.

Thực hiện Kế hoạch liên tịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ VHTTDL về việc sử dụng di sản văn hóa để dạy học, 80/90 trường học ở thành phố Việt Trì đã được gắn kết Hát Xoan với chương trình của nhà trường.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ - Hà Kế San cho biết: Với những nỗ lực trong việc triển khai các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan, sau 4 năm được UNESCO công nhận có thể khẳng định hát Xoan Phú Thọ đã thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Việt Nam đã đệ trình hồ sơ, báo cáo đề nghị Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể xem xét, xác nhận hát Xoan đã ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Dự kiến UNESCO công bố kết quả vào cuối năm 2016, sau khi đã thẩm tra, xem xét và tiến hành các bước thủ tục. Nếu được UNESCO chấp thuận, hát Xoan sẽ được chuyển sang danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào đầu năm 2017.

Tại buổi lễ, 19 nghệ nhân được nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” do Chủ tịch nước phong tặng, 15 nghệ nhân được tặng Kỷ niệm chương Hùng Vương, 18 người được tỉnh phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân hát Xoan” vì đã có thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×