Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phú Thọ: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian

23/08/2018 | 16:08

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có gần 700 di sản văn hoá phi vật thể gồm các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian. Trong đó nghệ thuật trình diễn dân gian bao gồm âm nhạc, múa hát, sân khấu, diễn xướng dân gian và các hình thức trình diễn dân giác khác có giá trị văn hoá, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần của người dân đất Tổ.

Hiện nay, Nghệ thuật trình diễn dân gian được lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống cộng đồng, thường biểu diễn trong những ngày lễ, tết, như: Múa Chuông, múa Rùa của đồng bào Dao; hát Sình ca, Vèo ca, múa Chim gâu, Xúc tép, đi cà kheo của đồng bào Cao Lan; múa Khèn, kèn lá của đồng bào Mông; Diễn tấu cồng chiêng, hát ví, rang, đâm đuống, chạm ống, múa trống đu… của đồng bào Mường; trình diễn tứ dân chi nghiệp, rước giải hóa giải, hát Xoan, hát Ghẹo… trong đó có Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Múa Chuông của đồng bào Dao, huyện Yên Lập.

Đối với Hát Xoan, để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để  bảo vệ và phát huy giá trị di sản Hát Xoan được thực hiện một cách bài bản, khoa học. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng các lớp nghệ nhân kế cận, mở các lớp Xoan trong cộng đồng, thành lập các câu lạc bộ Hát Xoan và đưa Xoan vào trường học… góp phần nâng cao nhận thức, lòng tự hào, trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hát Xoan. Đến nay, toàn tỉnh có 68 nghệ nhân kế cận có đủ kỹ năng trình diễn và thực hành các bài Xoan cổ; thành lập và duy trì hoạt động của 34 câu lạc bộ với hơn 1.500 thành viên yêu thích và trình diễn Hát Xoan, 100% các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đưa Hát Xoan vào giảng dạy thông qua bộ môn Âm nhạc. 4 phường xoan gốc trên địa bàn thành phố Việt Trì là Thét, Phù Đức, Kim Đái và An Thái  được tỉnh và thành phố hỗ trợ kinh phí hoạt động, khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng truyền dạy, đào tạo những người thực hành di sản trẻ tuổi để sáng tạo, tiếp nối, duy trì và phát triển Hát Xoan trong đời sống đương đại. Tỉnh đã đưa Hát Xoan làng cổ vào các tua, tuyến du lịch để góp phần tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ tới khách du lịch từ mọi miền của Tổ quốc và bạn bè quốc tế và khích lệ người dân, các nghệ nhân tại các phường Xoan gốc gìn giữ, bảo vệ, truyền dạy Hát Xoan để phát huy giá trị cao quý của loại hình nghệ thuật độc đáo này. 

Không chỉ có Hát Xoan, các hình thức diễn xướng dân gian của các dân tộc thiểu số trong tỉnh rất đa dạng và phong phú. Trong đó dân tộc Mường có nhiều hình thức diễn xướng dân gian còn được bảo tồn và trình diễn thường xuyên trong các lễ hội, những ngày lễ Tết của dân tộc như: Diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống, múa Mỡi, múa Bông, múa Trống đu… Các địa phương có đông đồng bào Mường sinh sống như các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập và hai xã Yến Mao, Phượng Mao huyện Thanh Thủy thì hình thức diễn xướng dân gian còn lưu giữ khá phong phú. Vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc được phát huy trong công tác tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đa phần, họ cũng là những người am hiểu về nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc mình để truyền dạy lại cho thế hệ sau. Tỉnh đã có sự quan tâm, chế độ đãi ngộ, tôn vinh đối với các nghệ nhân tham gia sưu tầm, gìn giữ và truyền dạy các nghệ thuật trình diễn dân gian. Toàn tỉnh có 52 người được tặng danh hiệu nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ; 31 nghệ nhân dân gian Việt Nam; 19 nghệ nhân ưu tú (trong đó có 17 nghệ nhân Hát Xoan và 2 nghệ nhân Hát Ghẹo), tỉnh đã trình Bộ Văn hóa, thể thao & Du lịch và đang đợi Hội đồng Nhà nước xét công nhận 6 nghệ nhân nhân dân và 15 nghệ nhân ưu tú… đã đem lại niềm phấn khởi và vinh dự cho những chủ thể văn hóa - những “báu vật nhân văn sống” để họ tiếp tục trao truyền, tiếp lửa đam mê để di sản văn hóa phi vật thể có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng, đặc biệt là trong thế hệ trẻ.

Huyện Thanh Sơn hiện có nhiều hình thức diễn xướng dân gian của đồng bào Mường, Dao. Cũng như ở các địa phương khác, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành thì việc tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị của các di sản, là chủ thể đóng vai trò quan trọng tham gia bảo tồn, truyền dạy các hình thức diễn xướng dân gian. Các nghệ nhân đã học hỏi từ lớp người đi trước, thực hành các hình thức diễn xướng dân gian trong không gian văn hóa của dân tộc mình và truyền lại cho con cháu những giá trị văn hóa của dân tộc. Năm 2018, huyện đã hỗ trợ 19 xã, thị trấn mua cồng chiêng để hoàn thiện không gian văn hóa dân tộc Mường để ngày càng có thêm nhiều người được tiếp cận với hình thức diễn xướng dân gian này. Ông Lý Văn Minh, khu Xuân Thắng xã Cự Thắng cho biết: “Người Dao khu tôi đã có ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đầu năm vừa rồi, tôi cũng đã tham gia dạy cho hơn 20 cháu học sinh trong xã những bài hát, điệu múa đặc trưng của dân tộc Dao để phục vụ du khách trong dịp Lễ hội Đền Hùng, để quảng bá những nét đẹp truyền thống của dân tộc Dao”.

Tuy nhiên, bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian không phải là việc đơn giản vì lớp trẻ ngày nay không có nhiều người dành thời gian để tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống. Các hình thức diễn xướng được truyền từ đời nay sang đời khác qua hình thức truyền miệng, hướng dẫn trực tiếp, ít có các văn bản ghi lại cụ thể nên khó khăn trong việc truyền dạy. Nghệ nhân Hà Thị Sóng, 80 tuổi người Mường xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn, hơn 60 năm qua vẫn tự mình học hỏi ghi chép lại lời của những điệu ví rang vì theo là “Điệu ví, rang chỉ là truyền miệng thôi, nếu không ghi lại, lớp trẻ lại không nhiều người thích thì sau này không thể hát đúng được”. Nhiều nghệ nhân dân gian mong muốn trong quá trình bảo tồn, truyền dạy cho các thế hệ sau cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và ngành văn hóa trong việc sưu tầm, ghi chép những ca từ, lời hát, ghi âm, ghi hình một cách bài bản, cụ thể những sinh hoạt văn hóa, âm nhạc các tài liệu, tư liệu về các hình thức diễn xướng dân gian để lưu giữ, bảo quản lâu dài.

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vùng Đất Tổ nói chung và nghệ thuật trình diễn dân gian nói riêng cần thêm sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương; ưu tiên các nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa bằng nguồn lực Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá di sản, nâng cao nhận thức về các giá trị di sản văn hóa cho cộng đồng cư dân để người dân có ý thức chủ động trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để cộng đồng có môi trường và không gian văn hóa rộng mở để bảo tồn di sản; khuyến khích cộng đồng khai thác, phát huy giá trị di sản trong phát triển du lịch, nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống bằng chính di sản mà cộng đồng nắm giữ./.

Theo baophutho.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×