Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát triển du lịch Ninh Bình gắn với bảo tồn và phát triển bền vững văn hoá truyền thống

06/07/2022 | 17:08

Ninh Bình được biết đến là vùng đất địa linh, nhân kiệt có truyền thống, lịch sử văn hóa lâu đời. Không chỉ được tạo hóa ưu ái, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo và hấp dẫn, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc với các lễ hội dân gian, nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống độc đáo, ẩm thực phong phú, Ninh Bình còn sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể, với 1.821 di tích, trong đó có 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 03 di tích cấp quốc gia đặc biệt) và 01 di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch gắn với văn hóa. Ngoài ra, trong những năm qua, ngành Du lịch Ninh Bình luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành liên quan trong hoạt động phát triển du lịch.

Phát triển du lịch Ninh Bình gắn với bảo tồn và phát triển bền vững văn hoá truyền thống - Ảnh 1.

Long sàng bằng đá (Bảo vật Quốc gia)

Từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 04 đề án, 09 kế hoạch phát triển văn hóa thể thao như: Đề án xây dựng các sản phẩm văn hóa nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Cố đô Hoa Lư phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, giai đoạn 2021-2030”; Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2019 - 2022”; Kế hoạch thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Kế hoạch xây dựng bộ hồ sơ khoa học quốc gia về di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp…

Nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch cũng được tỉnh Ninh Bình quan tâm đầu tư như: Dự án tu bổ tôn tạo di tích đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành, Dự án tu bổ tôn tạo di tích đền Cọ, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Công trình tu bổ tôn tạo di tích đền Vối (thuộc dự án Nạo vét tuyến giao thông thủy Bích Động - Hang Bụt và Thạch Bích - Thung Nắng), Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái Tràng An, khu văn hóa tâm linh chùa Bái Đính và khu chùa động Am Tiêm.

Định kỳ hàng năm, Sở Du lịch phối hợp với các trường Đại học, Cao đẳng có chuyên ngành Du lịch, các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, tính từ năm 2018 đến nay, đã tổ chức 39 lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch cho gần 5.500 cán bộ, lao động làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch, trong đó có lồng ghép nội dung bảo tồn và phát triển văn hóa; tổ chức 01 Hội nghị tuyên truyền Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch; phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên truyền nếp sống văn minh du lịch tới các sở, ban, ngành, địa phương, các đơn vị kinh doanh du lịch và người dân tham gia làm du lịch tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động.

Công tác xúc tiến, quảng bá, kết nối sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn và phát triển bền vững văn hóa truyền thống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được ngành Du lịch đặc biệt quan tâm, đầu tư cả về kinh phí, phương thức tổ chức, triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Quảng bá du lịch tấm lớn; phát hành ấn phẩm, tài liệu với 03 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp; trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo, Đài truyền hình trong nước và quốc tế; trên các trang thông tin điện tử của ngành Du lịch và trên các trang mạng xã hội, Tiktok, Twitter, TripAdvisor, Lonelyplanet. Triển khai áp dụng công nghệ số chuyển đổi bài viết thành dạng audio tích hợp vào các bài viết và chuyên mục trên website để cung cấp thông tin cho khách du lịch; thường xuyên ghi hình, xây dựng video clip, slide, bản tin du lịch điện tử giới thiệu du lịch Ninh Bình làm tư liệu phục vụ công tác quảng bá xúc tiến du lịch.

Cùng với đó, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tham gia nhiều hội chợ xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế: Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội (VITM); Hội chợ du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh (ITE)…, Hội chợ du lịch quốc tế WTM tại thủ đô London-Vương Quốc Anh năm 2019; tổ chức đón các đoàn phóng viên báo chí, các doanh nghiệp lữ hành khảo sát, xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch Ninh Bình giới thiệu cho khách du lịch; tổ chức khảo sát, kết nối và ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An…

Ngoài ra, Sở Du lịch thường xuyên phối hợp với Tổng cục Du lịch cùng các đơn vị có liên quan tổ chức các hội nghị, hội thảo khảo sát xúc tiến điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như các điểm di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống...

Phát triển du lịch Ninh Bình gắn với bảo tồn và phát triển bền vững văn hoá truyền thống - Ảnh 2.

Du khách tham quan đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng

Theo ninhbinh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×