Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển dịch vụ và du lịch tỉnh Nam Định

12/08/2022 | 09:26

Nằm ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Nam Định mang đậm những đặc trưng, dấu ấn của nền văn minh lúa nước, là mảnh đất lưu giữ được nhiều giá trị văn hoá, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đây là những tiềm năng, thế mạnh nổi bật của tỉnh để từ đó đẩy mạnh liên kết vùng, thu hút các nguồn lực đầu tư thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển dịch vụ và du lịch tỉnh Nam Định - Ảnh 1.

Múa rồng trong Hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Trên địa bàn tỉnh có hơn 1.330 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là: Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần Chùa Tháp (thành phố Nam Định) và Chùa Keo Hành Thiện thuộc xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Nhiều quần thể di tích giàu giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy (Vụ Bản), Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Trường), cầu Ngói chợ Lương (Hải Hậu); hơn 400 nhà thờ Thiên Chúa tập trung nhiều ở các huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Nam Định cũng là đất “đa nghề” với trên 90 làng nghề truyền thống, trong đó nhiều làng nghề nổi tiếng xa gần như đúc đồng Tống Xá, sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên (Ý Yên), ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh), làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê (Nam Trực); có hơn 100 lễ hội truyền thống như: Hội chợ Viềng Xuân, lễ hội Đền Trần, Phủ Dầy, hội Chùa Keo Hành Thiện thu hút đông đảo khách thập phương. Bên cạnh đó, trên bờ biển dài 72km, Nam Định đã bước đầu hình thành các khu du lịch biển hấp dẫn như: Thịnh Long (Hải Hậu), Quất Lâm (Giao Thủy)... Đặc biệt, Vườn quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy) với hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi dừng chân của các loài chim di trú là điểm Ramsar quốc tế đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đang trở thành điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước… Bên cạnh tiềm năng thiên nhiên, văn hóa để phát triển du lịch, hệ thống cơ sở vật chất trong tỉnh phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách cũng ngày càng hoàn thiện. Toàn tỉnh hiện có 666 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch với 387 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, 30 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, 249 cơ sở kinh doanh dịch vụ khác, trong đó có 220 cơ sở dịch vụ ăn uống…

Quán triệt Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển của du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tranh thủ thời cơ, địa thế thuận lợi khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đồng thời đẩy mạnh liên kết vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Các ngành, các địa phương đã tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhà đầu tư, doanh nghiệp về mặt pháp lý, bảo đảm nhanh, gọn, hiệu quả cho các bên; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch liên quan trực tiếp đến công tác xúc tiến, thu hút đầu tư. Tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh với tinh thần đơn giản hóa, không phát sinh thêm thủ tục, gọn đầu mối giải quyết, giảm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư. Xây dựng danh mục, ban hành cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái, khai thác các giá trị di sản văn hóa, văn hóa ẩm thực, làng nghề gắn với phát triển du lịch; chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch… Nhờ vậy, du lịch của tỉnh  ngày càng khởi sắc, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc mở rộng liên kết vùng để thu hút đầu tư phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển dịch vụ và du lịch trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế. Công tác quy hoạch, phát triển dịch vụ và du lịch ở một số địa phương chưa đồng bộ, thống nhất. Việc liên kết vùng với các tỉnh, thành phố xung quanh như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nội để phát triển dịch vụ và du lịch chưa được đẩy mạnh; những hoạt động liên kết vùng chủ yếu diễn ra ở hoạt động công nghiệp. Tiềm năng, lợi thế để phát triển dịch vụ, du lịch ở một số địa phương vẫn đang ở trạng thái “ngủ quên”, chưa được đánh thức, khơi dậy một cách mạnh mẽ. Việc liên kết vùng trong hoạt động dịch vụ, du lịch chủ yếu do các tiểu thương ở các địa phương, thông qua những mối quan hệ quen biết để kết nối, mở rộng phạm vị, địa bàn quảng bá, giới thiệu mô hình dịch vụ, du lịch của mình.

Để tăng cường liên kết vùng nhằm thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng dịch vụ và du lịch trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cần tiếp tục sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành hữu quan, các địa phương xây dựng phương hướng, nhiệm vụ phát triển dịch vụ và du lịch; đánh giá thực trạng liên kết vùng phát triển dịch vụ và du lịch thời gian qua trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung, ban hành quy định, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Nam Định. Đổi mới cơ chế, chính sách trong lĩnh vực dịch vụ và du lịch, lấy cuộc sống của người dân làm trung tâm, bảo đảm cảnh quan thiên nhiên, mỹ quan và môi trường xung quanh, có những đóng góp nhất định vào ngân sách Nhà nước và tỉnh. Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành để tập trung khai thác những “điểm” du lịch mới, cuốn hút những người thích “sống chậm” với các trải nghiệm, khám phá không gian văn hóa làng quê. Chủ động liên kết các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư du lịch trong nước khảo sát, tìm hiểu cơ hội, thực hiện các dự án phát triển du lịch; quan tâm đến các hình thức phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch biển của tỉnh. Các cơ quan chức năng, lực lượng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ và du lịch ở các địa phương. Chủ doanh nghiệp, công ty lữ hành chuyên về hoạt động lĩnh vực dịch vụ và du lịch cần chấp hành nghiêm quy định pháp luật, quy định đơn vị, lấy chất lượng phục vụ là tiêu chí đầu tiên, không trục lợi cá nhân, không liên doanh, liên kết với các đơn vị khác để chặt chém du khách. Khuyến khích, biểu dương đối với những địa phương có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, đem lại lợi ích về kinh tế cho địa phương; đồng thời, chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật đối với những hành vi chấp hành không đúng hướng dẫn, quy định của Đảng, Nhà nước

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, nhất trí của người dân, dù còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước nhưng việc liên kết vùng nhằm thu hút đầu tư phát huy tiềm năng, thế mạnh các hoạt động dịch vụ và du lịch của tỉnh hứa hẹn sẽ khởi sắc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời góp phần quảng bá, giới thiệu thiên nhiên, văn hoá, con người Nam Định với cả nước và thế giới./.

Theo Báo Nam Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×