Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ninh Thuận: Phát triển du lịch xanh và bền vững

31/01/2023 | 23:00

Sở hữu nguồn tài nguyên phong phú, đặc sắc, đa dạng, Ninh Thuận đã tận dụng, phát huy tốt những thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch đưa ngành "công nghiệp không khói" trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, điểm đến hấp dẫn, an toàn của du khách.

Ninh Thuận: Phát triển du lịch xanh và bền vững - Ảnh 1.

Bãi biển Mũi Dinh (Thuận Nam) luôn hấp dẫn du khách.

Du lịch bứt phá ấn tượng

Năm 2022, đánh dấu sự phục hồi và trỗi dậy mạnh mẽ của du lịch Ninh Thuận sau đại dịch COVID-19. Chỉ cần nhấp chuột vào Google dòng chữ "Du lịch Ninh Thuận", đã cho khoảng 45.300.000 lượt tìm kiếm - một con số quá ấn tượng trên nền tảng số. Hình ảnh du lịch Ninh Thuận cùng các điểm đến du lịch Ninh Thuận ngày càng được du khách biết đến, bình chọn và lọt vào top "Bản đồ du lịch thế giới". Khu nghỉ dưỡng Amanoi được Tạp chí Forbes Life (Mỹ) bình chọn nằm trong "top 10 điểm đến" hấp dẫn nhất thế giới. Hoạt động của ngành du lịch phục hồi khá nhanh sau đại dịch COVID-19, lượng khách du lịch đến địa phương tăng cao. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú ước đạt 2,4 triệu lượt khách, tăng 110,4%, vượt 26,3%; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch khoảng 1.813 tỷ đồng, tăng 140,4% so cùng kỳ, vượt 29,5% so với kế hoạch đề ra. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tiếp tục được phát triển; đến nay toàn tỉnh có 203 cơ sở lưu trú du lịch với trên 4.400 phòng, trong đó số phòng có chất lượng đạt tiêu chuẩn tương đương 3 sao trở lên chiếm trên 50%. Hoạt động du lịch thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế và mọi tầng lớp nhân dân, mang lại nguồn thu không chỉ cho những đối tượng trực tiếp kinh doanh du lịch mà gián tiếp đối với các ngành liên quan, tạo thu nhập cho các cộng đồng dân cư địa phương. Thông qua du lịch, các ngành kinh tế - xã hội khác cũng phát triển; mở thêm thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ cho các ngành khác, thúc đẩy hoạt động thương mại và mang lại hiệu quả cao.

Cùng với đó, các chủ trương, chính sách ưu đãi về đất đai, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đăng ký đầu tư kinh doanh tại địa phương; quan tâm chú trọng công tác lập quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch được tỉnh chú trọng đẩy mạnh. Đặc biệt, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND về quy định cơ chế thu hút phát triển du lịch đẳng cấp cao trên địa bàn Ninh Thuận, nhờ vậy đã thu hút khá nhiều nhà đầu tư, với nhiều dự án du lịch với quy mô lớn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 57 dự án dịch vụ du lịch được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 29.686 tỷ đồng; trong đó có 19 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 3.180 tỷ đồng; tạo ra nhiều diện mạo mới, hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng du lịch bền vững trong tương lai. Điển hình như các dự án: Khu nghỉ dưỡng Amanoi; Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark; Tổ hợp khách sạn 5 sao SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang; Tổ hợp Ninh Chữ Sailing Bay; Nara Binh Tien Golf & Beach Resort,...

Điểm đến xanh và khác biệt

Được hoạch định là ngành kinh tế mũi nhọn, tiềm năng rất lớn và đã có bước phát triển tương đối mạnh mẽ, du lịch Ninh Thuận đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, điểm đến hấp dẫn đối với du khách.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, cho rằng: Ninh Thuận thường được nhắc đến là địa phương còn khó khăn, là vùng đất khô cằn của nắng và gió, nhưng chính vẻ hoang sơ đặc sắc, phát triển sau lại trở thành một đặc trưng đáng chú ý cho du lịch tỉnh. Đây chính là khả năng xây dựng điểm đến xanh, một trong những ưu tiên lớn nhất của phát triển du lịch hiện nay. Theo ông Lương, về thiên nhiên, Ninh Thuận không chỉ sở hữu khí hậu nhiệt đới xavan, được coi là vùng sa thảo độc nhất tại Đông Nam Á, mà còn là một trong số các địa phương hiếm hoi hội tụ hai Vườn quốc gia lớn của Việt Nam, đó là Phước Bình và Núi Chúa. Trong số đó, Vườn quốc gia Núi Chúa đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, mở ra những chuyến khám phá, tour trekking (đi bộ leo núi) đáng nhớ. Bên cạnh thiên nhiên, nơi đây còn có văn hóa Chăm đậm đà và được các nhà nghiên cứu đánh giá là đặc sắc nhất cả nước, để lại cho ngày nay làng nghề gốm Bàu Trúc, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp nổi tiếng, những tháp Chăm đẹp, hấp dẫn. Các sinh hoạt bản địa, tri thức truyền thống không thể tách rời khỏi đời sống của người dân. Song song với đó là các sản phẩm nông nghiệp gồm nho và cừu nổi tiếng, tọa lạc trong vùng tam giác du lịch Khánh Hòa - Lâm Đồng - Bình Thuận... Tất cả điều này giúp tô đậm cho bản sắc vùng đất nắng và gió. "Ninh Thuận đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn, không phải vì những tiềm năng đã được nghe, được thấy mà chính là nằm ở những sự khác biệt này" - ông Lương nhận định.

Nằm trên ngã ba nối liền nền kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Trong những năm qua, du lịch Ninh Thuận đã ghi nhận những bước tiến quan trọng nhưng vẫn còn nhiều dư địa để địa phương phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, dựa trên thế mạnh du lịch địa phương, tỉnh nên ưu tiên xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội, độc đáo, có lợi thế cạnh tranh để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách sau thời gian dài bị tác động bởi dịch bệnh như: du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với các khu resort cao cấp, sang trọng, mang tính cá nhân hóa cao; du lịch văn hóa gắn với di sản Chăm; du lịch nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa; du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe...; xem xét, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá sản phẩm, chương trình du lịch độc đáo, hấp dẫn thu hút du khách du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm hỗ trợ hiệu quả phục hồi du lịch; coi xúc tiến du lịch là một trong những kênh đầu tư quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Xây dựng và triển khai chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động; thực hiện đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch. Mặt khác, đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong khu vực và với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các trung tâm du lịch lớn theo cơ chế linh hoạt, thực chất, hiệu quả, có sự tham gia của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà đầu tư để phát triển sản phẩm kết nối, bổ trợ lẫn nhau, hình thành các tour, tuyến hấp dẫn phục vụ khách du lịch; sự tham gia của đơn vị truyền thông để hợp tác giới thiệu quảng bá du lịch, tiếp cận thị trường quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch. Cùng với đó là tăng cường quản lý điểm đến, giữ vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn và nâng cao sức cạnh tranh. Tổng cục Du lịch cam kết sẽ luôn đồng hành và ủng hộ địa phương, điểm đến và doanh nghiệp trong các hoạt động nhằm tạo điều kiện để ngành du lịch Ninh Thuận được phục hồi, phát triển bền vững.

Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Để ngành du lịch phát triển, tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với lợi thế đặc thù theo Nghị quyết số 115/NQ-CP, năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 266/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ đến năm 2045 phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam. Đây được xem là "kim chỉ nam" cho tỉnh trong quy hoạch, phát triển và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; là cơ hội cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến đầu tư vào lĩnh vực du lịch của địa phương. Trong thời gian đến, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh quy hoạch nhằm phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc địa phương; giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số để tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thử sức với các sản phẩm, dịch vụ mới áp dụng công nghệ... Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận. Cùng với đó, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, dành các ưu đãi cao nhất cho nhà đầu tư trong khung quy định của Chính phủ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp đồng hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh du lịch và bất động sản du lịch phát triển nhằm khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển, xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, khác biệt với nhiều trải nghiệm thú vị, phấn đấu trở thành một điểm đến du lịch đẳng cấp cao của cả nước.

Theo Báo Ninh Thuận

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×