Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ninh Bình: Quan tâm xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững

26/11/2021 | 07:25

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, con người đã được thể hiện qua nhiều kỳ Đại hội của Đảng ta. Kế thừa và phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, với quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; phát triển văn hóa luôn gắn liền với phát triển con người, vì con người, thực hiện Nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người, trong những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển văn hóa, con người Ninh Bình, đạt hiệu quả thiết thực.

Ninh Bình: Quan tâm xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững - Ảnh 1.

Biểu diễn cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường (Nho Quan). Ảnh tư liệu: Minh Quang

Tạo chuyển biến về chất trong phát triển văn hóa, con người

Để tạo bước chuyển "đột phá" về phát triển văn hóa, con người, ngày 26/6/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.

Từ việc học tập, quán triệt, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể đã quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, kiên trì, lâu dài của cả hệ thống chính trị...

Các cấp, các ngành đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 10, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc; nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Kết quả đến nay, theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, quan điểm phát triển văn hóa, con người Ninh Bình ngày càng thêm sâu sắc, đã tăng cường trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch cụ thể, huy động các nguồn lực về vật chất, con người, cơ chế, chính sách để thực hiện cơ bản đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết đã đề ra đến năm 2020.

Môi trường văn hóa được chú trọng xây dựng, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ngày càng phát triển thực chất hơn, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh ở cả trong gia đình, nhà trường và xã hội, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống.

Chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, văn nghệ được nâng cao; các giá trị di sản và di tích lịch sử văn hóa, nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp được bảo tồn, tôn tạo, phát huy; đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Văn hóa trong chính trị và kinh tế được chăm lo, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, việc chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng văn hóa công sở, cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực...

Những kết quả trên từng bước đưa văn hóa, con người Ninh Bình thực sự trở thành mục tiêu, động lực phát triển kinh tế, xã hội; phát huy các đặc trưng của con người Ninh Bình: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, thân thiện, hiền hòa, thanh lịch, mến khách; hướng tới chuẩn mực con người văn minh, hiện đại, trí tuệ, bản lĩnh, tự tin, đột phá, dám nghĩ, dám làm, có ý chí vươn lên mạnh mẽ để đáp ứng thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững.

Quan tâm phòng, chống xâm nhập văn hóa độc hại

Một điều đáng ghi nhận là trong quá trình thực hiện nghị quyết về phát triển văn hóa, con người, cùng với việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng, phát triển, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam nói chung, văn hóa, con người Ninh Bình nói riêng, tỉnh ta rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để phòng, chống sự xâm nhập của văn hóa độc hại.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để định hướng dư luận xã hội và nâng cao ý thức cảnh giác, ngăn ngừa các sản phẩm văn hóa độc hại có nguy cơ xâm nhập, hủy hoại đạo đức xã hội.

Đặc biệt, chỉ đạo, tổ chức triển khai sâu rộng, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, xây dựng đạo đức, lối sống tốt đẹp trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy duy trì thường xuyên việc chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền.

Trên cơ sở đó, ngành Văn hóa và Thể thao tích cực phòng, chống âm mưu "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa. Tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến quần chúng nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân về công tác đấu tranh chống các sản phẩm văn hóa độc hại.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục đã tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, coi trọng việc giáo dục các chuẩn mực đạo đức, kỹ năng sống, kỹ năng nhận thức cho học sinh, sinh viên qua các môn học chính khóa cũng như các hoạt động ngoại khóa. Phối hợp chặt chẽ với ngành Công an, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường giáo dục pháp luật, đấu tranh ngăn chặn sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa độc hại, các tệ nạn xã hội, tội phạm vào học đường, trong lứa tuổi thanh, thiếu nhi...

Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" gắn với nội dung phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội.

Các tổ chức chính trị-xã hội cũng có những hoạt động cụ thể, thiết thực như: Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền lồng ghép các đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng, xây dựng môi trường văn hóa trong lực lượng công đoàn viên; Hội Nông dân tỉnh tích cực xây dựng gia đình nông dân 6 chuẩn mực văn hóa; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống về phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam gắn với phong trào xây dựng gia đình 4 chuẩn mực "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", "tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang"; Đoàn thanh niên tỉnh triển khai học tập 6 bài học lý luận chính trị cho đoàn viên, thanh niên, xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn "vừa hồng, vừa chuyên" theo lời Bác dạy...

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; bảo vệ các giá trị tốt đẹp, giữ gìn đạo đức, thuần phong mỹ tục của gia đình Việt Nam, bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại ngày càng được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tham gia; huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa... đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến từng thành viên gia đình làm thay đổi hành vi, lối sống, đạo đức, nhân cách của mỗi cá nhân; khơi dậy truyền thống tương thân, tương ái, uống nước nhớ nguồn, lòng yêu nước, thực hiện nếp sống văn minh, kỷ cương pháp luật...

Theo Báo Ninh Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×