Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ninh Bình đánh thức di sản để phát triển du lịch

09/11/2022 | 15:22

Ninh Bình có tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và hấp dẫn, là một trong 16 khu du lịch trọng điểm của cả nước, trung tâm du lịch của vùng Duyên hải Bắc Bộ. Đặc biệt, khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Ninh Bình đã chính thức ghi tên trên bản đồ du lịch toàn cầu, mang đến nhiều cơ hội cho ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh.

Ninh Bình đánh thức di sản để phát triển du lịch - Ảnh 1.

Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á

Ninh Bình đã chính thức ghi tên trên bản đồ du lịch toàn cầu, mang đến nhiều cơ hội cho ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh. Đánh thức giá trị của di sản để phát triển một cách bền vững đã tạo động lực để du lịch Ninh Bình cất cánh. Quần thể danh thắng Tràng An có tổng diện tích trên 12.000 ha, chứa đựng nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh đã được nhận diện, xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là: Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động. Nơi đây còn có các giá trị văn hóa và thiên nhiên đặc sắc, gần như còn hoang sơ, nguyên vẹn. Bên cạnh đó, những phát hiện khảo cổ học đã chứng minh Ninh Bình là vùng đất cổ, nơi có con người cư trú từ thời tiền sử cách đây hơn 30 ngàn năm. Đây còn là nơi khởi nguồn của một quốc gia độc lập, tự chủ, kinh đô của nhà nước Đại Cồ Việt vào thế kỷ thứ X.

Ngày 25/6/2014, tại thủ đô Doha (Qatar) tổ chức UNESCO đã chính thức ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An vào danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận dựa trên ba tiêu chí: văn hóa, vẻ đẹp thẩm mĩ và địa chất địa mạo. Sự kiện trọng đại này đã mang lại cho du lịch Ninh Bình một cơ hội và một diện mạo mới. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ. Hoạt động nông nghiệp chỉ chiếm hơn 15% trong cơ cấu kinh tế vùng di sản. Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của di sản trong phát triển kinh tế, xã hội, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều giải pháp, kế hoạch mang tầm chiến lược, nêu cao tinh thần trách nhiệm, cam kết thực hiện tốt quy định trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Từ khi có sự tác động của du lịch đã làm phong phú thêm sinh kế của cư dân địa phương. Hiện Quần thể Danh thắng Tràng An đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động trực tiếp, 20 nghìn lao động gián tiếp. Ngoài ra người dân còn được tham gia vào việc bảo vệ, quản lý di sản, đóng góp ý kiến xây dựng các cơ chế chính sách đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn di sản với việc đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân, tiến tới xây dựng cộng đồng trở thành “trung tâm” trong công tác bảo vệ di sản... “Sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản” đã thực sự trở thành mục đích của người dân nơi đây.

Ninh Bình đánh thức di sản để phát triển du lịch - Ảnh 2.

Điều khác biệt với nhiều nơi là Quần thể danh thắng Tràng An trở thành một “di sản sống” với 44 nghìn người dân ở đây, trong đó vùng lõi có trên 14 nghìn người. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ di sản gắn với phát triển du lịch luôn đặt ra những thách thức lớn đòi hỏi chính quyền địa phương phải có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật đối với bảo vệ di sản, đặc biệt là bảo vệ cảnh quan môi trường, đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, văn minh du lịch để khu di sản thực sự mang tầm vóc thế giới.

Ngành Du lịch Ninh Bình cũng đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ du lịch, trang bị kỹ năng, nâng cao trình độ cho người dân hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh những sai phạm trong các hoạt động kinh doanh dịch vụ, xâm hại di tích lịch sử - văn hóa, đặc biệt là hoạt động làm suy giảm môi trường, cảnh quan thiên nhiên trong vùng di sản. Tỉnh đã có nhiều chiến lược quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển dịch vụ du lịch. Nổi bật là Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã thực sự đi vào cuộc sống, bảo tồn nguyện vẹn các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, văn hóa, quảng bá rộng khắp đến bạn bè trong nước và quốc tế. Nhờ đó, đã xây dựng được hình ảnh đẹp về một Ninh Bình – điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn.

Ninh Bình đánh thức di sản để phát triển du lịch - Ảnh 3.

Du khách tham quan tại Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư

Đánh thức di sản để phát triển du lịch, Ninh Bình đã có được những bước tiến ngoạn mục, ấn tượng: Thời điểm lập hồ sơ đề cử danh hiệu di sản vào năm 2012, Tràng An chỉ có trên 1 triệu lượt khách. Đến năm 2019, sau 5 năm được UNESCO ghi danh, Tràng An đã thu hút được hơn 7,65 triệu lượt. Lượng khách giai đoạn 2010-2019 tăng trưởng bình quân đạt hơn 12%/năm. Tổng thu từ du lịch đạt mức tăng trưởng 24,17%/năm, năm 2019 đạt 3.671 tỷ đồng, tăng gấp 6,7 lần so với 2010. Trong hơn hai năm đại dịch Covid hoành hành, dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng Ninh Bình vẫn tiếp tục được nhiều chuyên trang du lịch uy tín như TripAdvisor, Telegraph, Business Insider... đánh giá là điểm đến an toàn và hấp dẫn. Nhiều năm liền, Ninh Bình giữ vững vị trí trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước. Di sản không chỉ được bảo tồn, bảo vệ nguyên vẹn mà còn gia tăng giá trị đúng theo tinh thần công ước bảo vệ di sản quốc tế đề ra

Hiện nay, một vấn đề đặt ra đối với Ninh Bình là lượng khách đến với di sản ngày càng đông dẫn đến phải làm sao để vừa có thể bảo tồn di sản vừa gắn với phát triển bền vững. Trong đó, tiếp tục duy trì mô hình hợp tác công - tư được xem là cách làm sáng tạo, thể hiện tư duy đổi mới, quyết đoán trong quản lý bảo tồn di sản, gắn với phát triển du lịch bền vững. Theo nhiều chuyên gia, ưu điểm của mô hình này là làm giảm tải gánh nặng ngân sách cho Nhà nước; đồng thời góp phần giải quyết việc quản lý, khai thác kém hiệu quả di sản. Sự tham gia của doanh nghiệp trong quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An cũng là yếu tố quan trọng giúp Ninh Bình trở thành một trong những địa phương có tốc độ phục hồi và tăng trưởng du lịch nhanh sau đại dịch Covid-19.

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Ninh Bình đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón được 8 triệu lượt khách, doanh thu đạt 8 nghìn tỷ đồng trở lên. Tiếp tục khai thác giá trị di sản để dần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững.

Đánh thức giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, với tầm nhìn xa, những định hướng chiến lược, cùng trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng lòng của mỗi người dân, Ninh Bình quyết tâm định vị thương hiệu du lịch gắn với di sản, phấn đấu trở thành điểm đến hàng đầu của du khách trong nước và quốc tế.

Theo nbtv.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×