Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nhận thức và hành động cho du lịch xanh

23/08/2021 | 13:11

Du lịch xanh đã manh nha hình thành ở Quảng Nam những năm gần đây. Quảng Nam cũng vừa thông qua kế hoạch phát triển du lịch xanh trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Đây là cơ hội lớn để Quảng Nam trở thành một trong những điểm đến phát triển loại hình du lịch này để đón đầu du khách hậu đại dịch.

Nhận thức và hành động cho du lịch xanh - Ảnh 1.

Quảng Nam có nhiều không gian, điểm đến lý tưởng để phát triển du lịch xanh.

Nắm bắt cơ hội

Trước sự tàn phá nặng nề của đại dịch Covid-19, hầu hết chuyên gia du lịch có chung nhận định xu thế du lịch được ưa chuộng trong thời gian tới sẽ là loại hình du lịch bền vững, an toàn với môi trường, sức khỏe du khách.

Khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB) hồi đầu năm cũng cho thấy, phần lớn khách nội địa mong muốn hình thức du lịch thiên nhiên hoặc du lịch biển. Ưu tiên đi thành nhóm nhỏ trong ngắn ngày cùng gia đình, bạn bè. Yếu tố tác động lớn nhất đến kế hoạch du lịch chính là an toàn dịch bệnh.

Tại hội thảo "Tầm nhìn các bên liên quan dự án xây dựng phục hồi kinh tế đô thị trong và sau dịch Covid-19" mới đây, ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, cần thiết phải phân tích mối quan hệ giữa việc xây dựng và cơ cấu lại ngành du lịch.

Trong đó nhìn nhận lại quan hệ giữa ngành du lịch với nông nghiệp, công nghiệp. Từ đó mở rộng tài nguyên phát triển du lịch, càng mở rộng càng tốt thay vì bó hẹp ở phố cổ Hội An như hiện nay. Bởi sau dịch, phần lớn du khách sẽ tìm kiếm nhóm sản phẩm với không gian mở.

Trong năm 2022, Sở VHTTDL sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và các địa phương khảo sát các khu, điểm, sản phẩm du lịch có tiềm năng phát triển du lịch xanh; đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ liên quan. TP.Hội An sẽ được chọn để xây dựng mô hình du lịch xanh điểm theo Bộ tiêu chí du lịch xanh làm cơ sở nhân rộng sau đó.

Ngay trong sự kiện Năm du lịch quốc gia 2022 được tổ chức ở Quảng Nam, một trong 3 chủ đề dự kiến được xem xét để tổ chức quảng bá là "Bảo tồn di sản gắn với du lịch xanh". Nhiều sự kiện dự kiến tổ chức gắn với Năm du lịch quốc gia cũng xoay quanh loại hình du lịch xanh như "diễn đàn du lịch xanh", "hội chợ du lịch xanh", giải marathon vùng núi phía tây, dự án nghệ thuật "công viên rác thải biển"…

Cần bền vững

Khu di tích Mỹ Sơn cũng cần nắm bắt cơ hội để hướng đến mục tiêu trở thành một mô hình điểm phát triển du lịch xanh mới bên cạnh Hội An. Bởi lâu nay điểm đến này hầu như chỉ hoạt động đơn lẻ trong khi khu vực ngoại vi lại có một chuỗi điểm đến tự nhiên đầy tiềm năng.

Ông Nguyễn Công Khiết - Phó Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, hiện tại đơn vị vẫn đang tích cực kết nối để xây dựng sản phẩm vườn cây ăn trái ở xã Duy Phú và du lịch xanh trên đập Thạch Bàn trong "quãng nghỉ" bởi dịch Covid-19, nhằm đa dạng hóa chuỗi sản phẩm phục vụ khi du lịch hoạt động trở lại.

Làng cộng đồng Đại Bình (huyện Nông Sơn) cách không xa Khu di tích Mỹ Sơn. Theo dự thảo Nghị quyết hỗ trợ một số điểm du lịch cộng đồng đến năm 2025 của tỉnh thì làng cộng đồng Đại Bình nằm trong nhóm sẽ được hỗ trợ sớm trong giai đoạn 2021-2023. Đây là cơ hội tốt để nhóm hợp tác xã quản lý, nghệ nhân, người dân có nhu cầu làm du lịch tiếp cận các chương trình hỗ trợ để thúc đẩy phát triển du lịch xanh.

Tuy nhiên, cũng như một số điểm đến du lịch cộng đồng từng "sớm nở chóng tàn" trên địa bàn tỉnh, nếu không thiết lập được một nền tảng làm du lịch bền vững từ cộng đồng sẽ khiến Đại Bình cũng như các điểm đến vệ tinh khác khó lòng hấp dẫn du khách dài lâu.

Ông Phan Xuân Thanh chia sẻ: "Du lịch xanh ở đây không chỉ hiểu là thiên nhiên xanh, trong lành ở điểm du lịch mà còn phải xây dựng được sản phẩm xanh, lối sống xanh… cho cả cộng đồng điểm đến". Còn ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, để phát triển hiệu quả du lịch xanh ở các điểm đến mới, nhất là các làng du lịch cộng đồng cần gắn doanh nghiệp với làng du lịch ít nhất 5 năm.

Có thể thấy, hướng đến du lịch xanh tuy dễ định hình nhưng quá trình hiện thực hóa không phải ngày một ngày hai. Mục tiêu đến năm 2025 của ngành du lịch địa phương cũng dừng ở mức xác lập được 10 đến 20 mô hình du lịch xanh. Trong tương lai gần, để phát triển du lịch xanh không bị chệch hướng, cơ quan chức năng cần có các giải pháp cụ thể. Từ đó giảm thiểu tình trạng "ăn xổi" ở một bộ phận doanh nghiệp làm du lịch một khi mở cửa trở lại bởi "cơn khát" nguồn tài chính để giải quyết hậu quả của đại dịch.

Theo Báo Quảng Nam

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×