Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nhân rộng các đội, câu lạc bộ văn hóa dân gian tại Lạng Sơn: Góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống

20/04/2023 | 13:12

Những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó hoạt động nhân rộng mô hình các đội, câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân gian đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Tăng về số lượng và chất lượng

Lạng Sơn là vùng đất hội tụ những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của các dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa, Mông, Sán Chay… Từ đó tạo nên sự đa dạng về văn hóa. Để phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, trong những năm qua, các cấp, các ngành, người dân đã có nhiều hành động thiết thực, trong đó có việc thành lập, nhân rộng các đội, CLB văn hóa dân gian.

Nhân rộng các đội, câu lạc bộ văn hóa dân gian tại Lạng Sơn: Góp phần gìn giữ văn hóa  truyền thống - Ảnh 1.

Buổi sinh hoạt của các thành viên câu lạc bộ Đàn tính – Hát then Hương Hồi, xã Hội Hoan

Hơn 2 năm nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 20 đội, CLB văn hóa dân gian được thành lập, nâng tổng số lên gần 200 đội, CLB văn hóa dân gian với hơn 2.000 hội viên. Nhiều CLB hoạt động sôi nổi, duy trì tập luyện thường xuyên, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương như: Đội múa sư tử mèo thôn Cốc Lào (xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng); CLB Sình ca Cao Lan (xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng); CLB Bảo tồn văn hóa dân tộc Mông Đen (xã Cao Minh, huyện Tràng Định); CLB Điếp Sli Then (xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc)…

Nghệ nhân Nhân dân Hà Mai Ven, Chủ nhiệm CLB Điếp Sli Then, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc cho biết: CLB được thành lập từ năm 2017. Sau hơn 5 năm hoạt động, số hội viên CLB tăng từ 18 lên đến 24 người. Trong đó, có 13 hội viên ở độ tuổi từ 10 -15. Ngoài các lớp truyền dạy cho hội viên lớn tuổi vào các buổi tối, CLB còn mở thêm lớp học hát dân ca cho các hội viên nhỏ tuổi vào các ngày cuối tuần. Hoạt động của CLB đã giúp các em nhỏ ngày càng hiểu và yêu dân ca của dân tộc mình.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2015 đến nay, các đội, CLB văn hóa dân gian đã tham gia biểu diễn trên 400 hội nghị, sự kiện do các cấp tổ chức. Đặc biệt, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có trên 50 chương trình giao lưu nghệ thuật lớn, nhỏ được tổ chức với kinh phí xã hội hóa từ các đội, CLB văn hóa dân gian.

Không chỉ phát huy vai trò bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa dân tộc mà thành viên các đội, CLB văn hóa dân gian còn phối hợp với ngành chức năng thực hiện ghi hình khoảng 60 phim, trên 2.000 ảnh tư liệu về văn hóa phi vật thể để giới thiệu cho công chúng. Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, Lạng Sơn đã có 8 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 1 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành

Có được những kết quả trên là sự nỗ lực của các cấp, ngành, sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc. Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Những năm qua, chúng tôi đã chủ động tham mưu đề xuất UBND tỉnh xây dựng các đề án như: đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản Múa sư tử dân tộc Tày, Nùng; đề án bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc… Các đề án được xây dựng kế hoạch thực hiện với lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn, trong đó có lồng ghép với hoạt động hỗ trợ, khuyến khích xây dựng và nhân rộng các đội, CLB văn hóa dân gian; mở các lớp truyền dạy di sản văn hóa tại cơ sở. Đồng thời, ngành cũng đẩy mạnh tuyên truyền chương trình, nghị quyết, văn bản về di sản văn hóa các dân tộc. Tạo môi trường văn hóa, không gian văn hóa phù hợp để đồng bào các dân tộc thường xuyên được giao lưu, biểu diễn…

Theo đó, từ năm 2020 đến nay, ngành VHTT&DL đã phối hợp tổ chức gần 15 đợt trưng bày, triển lãm về di sản văn hóa; tổ chức gần 10 hội thảo, hội nghị tập huấn công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Ngành cũng phối hợp thành lập các đội, CLB văn hóa dân gian tại các huyện, thành phố và mở được trên 200 lớp truyền dạy di sản văn hóa… thu hút hàng nghìn học viên. Cùng đó, trung bình mỗi năm, Sở VHTT&DL lựa chọn hỗ trợ tổ chức từ 3 – 5 lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể tại cơ sở và hỗ trợ trang phục, cơ sở vật chất biểu diễn cho các lớp truyền dạy với số tiền hàng trăm triệu đồng. Từ các lớp truyền dạy, nhiều CLB, đội văn hóa dân gian được thành lập.

Nhân rộng các đội, câu lạc bộ văn hóa dân gian tại Lạng Sơn: Góp phần gìn giữ văn hóa  truyền thống - Ảnh 2.

Một buổi tập luyện của các thành viên Đội múa sư tử mèo thôn Cốc Lào, xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng

Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hữu Lũng cho biết: Để thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” và Đề án bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam” trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 – 2030. Theo đó, cơ quan chuyên môn và các đơn vị liên quan ở huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện với lộ trình cụ thể. Trong đó, từ năm 2022 đến nay, phòng đã phối hợp với đơn vị liên quan hỗ trợ kinh phí mở lớp truyền dạy dân ca và kỹ năng thêu tại xã Hữu Liên, Yên Thịnh, từ đây hình thành và nhân rộng các CLB văn hóa dân gian. Đến nay, huyện đã thành lập được trên 10 đội, CLB bảo tồn văn hóa dân gian, tăng 3 CLB so với năm 2020.

Đi đôi với truyền dạy, ngành VHTT&DL cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tạo ra không gian văn hóa giúp thành viên các CLB trình diễn các loại hình di sản như tổ chức hội thi, hội diễn, các hội nghị, chợ phiên và đặc biệt là các lễ hội lớn như: Kỳ Cùng – Tả Phủ, Háng Pỉnh, tuần VHTT&DL, liên hoan trình diễn trang phục truyền thống và hát dân ca các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Lạng Sơn năm 2022; hội thi múa sư tử mèo cấp tỉnh năm 2022… Được biết, từ năm 2020 đến nay, bình quân mỗi năm, các cấp, ngành tổ chức 10 chương trình văn hóa nghệ thuật quần chúng; 2 cuộc liên hoan, hội thi hội diễn, ngày hội văn hóa cấp tỉnh; đưa nghệ nhân, thành viên các CLB tham gia 3 cuộc liên hoan, hội thi hội diễn, ngày hội văn hóa do trung ương và khu vực tổ chức.

Nổi bật, ngày 13/10/2022, Bộ VHTT&DL ban hành Quyết định số 2558/QĐ-BVHTTDL giao Vụ Văn hóa dân tộc phối hợp với Sở VHTT&DL Lạng Sơn, Kon Tum, Phú Yên, Ninh Thuận và Đắk Nông tổ chức xây dựng các mô hình CLB sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng di dân tái định cư. Ông Hà Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được giao chúng tôi đã xây dựng kế hoạch Xây dựng mô hình CLB sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống Xứ Lạng năm 2023. Theo đó, trong năm 2023 chúng tôi sẽ xây dựng 10 CLB văn hóa dân gian tại các huyện, thành phố; từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã xây dựng thêm 2 mô hình CLB văn hóa dân gian, dự kiến hết năm 2023, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng các CLB còn lại.

Với sự chủ động, tích cực của ngành VHTT&DL, sự quan tâm của các cấp, ngành và sự chung sức của người dân, tin rằng, những giá trị di sản văn hóa các dân tộc Xứ Lạng sẽ ngày càng lan tỏa, góp phần gìn giữ mạch nguồn, phát huy những nét văn hóa độc đáo của Xứ Lạng.

Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh

"Văn hóa dân gian là hồn cốt, là điểm nhận diện của mỗi dân tộc, mỗi địa phương, nếu văn hóa dân gian được bảo tồn, phát huy tốt thì nó góp phần không nhỏ tạo nên "sức mạnh mềm" của văn hóa, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển. Việc nhân rộng mô hình CLB có ý nghĩa thúc đẩy, khuyến khích sự tham gia của người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Thời gian tới, để các đội, CLB văn hóa dân gian hoạt động hiệu quả hơn nữa, theo tôi cần tập trung xây dựng, tổ chức các CLB đàn, hát dân ca phải gắn với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, đảm bảo tính khả thi; lựa chọn nghiên cứu, bảo tồn phát huy những loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số phải gắn với phát triển du lịch có giá trị tiêu biểu, đặc sắc và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phân tán… Đồng thời, phải tổ chức xây dựng, khai thác tốt loại hình du lịch đặc trưng, phù hợp với đặc điểm văn hóa cộng đồng, mở rộng các ngành kinh tế phát triển vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi… tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương”.

Theo Báo Lạng Sơn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×