Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lào Cai: Các lễ hội đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân

23/04/2020 | 10:49

Các lễ hội tại Lào Cai đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; Công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực; Bắc Kạn thực hiện 60 buổi chiếu phim lưu động tại các thôn (bản) đặc biệt khó khăn trong tháng 4 là những thông tin văn hóa đáng chú ý.

Lào Cai: Các lễ hội đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân

Theo Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội của Sở VHTTDL Lào Cai, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 41 tỉnh Lào Cai đã thu được những kết quả tích cực. Vai trò tự chủ trong sáng tạo văn hóa, gìn giữ di sản văn hóa của các nghệ nhân, đồng bào các dân tộc, nhất là vùng dân tộc thiểu số được coi trọng.

Các lễ hội được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, an toàn, phù hợp với thuần phong mỹ tục và điều kiện kinh tế của mỗi địa phương, trở thành nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Công tác quản lý Nhà nước được tăng cường với nhiều giải pháp hữu hiệu góp phần nâng cao chất lượng việc tổ chức các hoạt động lễ hội, gắn việc tổ chức lễ hội với các sự kiện lớn của tỉnh như Lễ hội Đền Thượng, Đền Bảo Hà, kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa, 110 năm thành lập tỉnh Lào Cai, Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2016, Năm du lịch Quốc gia Lào Cai - Tây Bắc năm 2017... Nhờ đó, các lễ hội diễn ra hằng năm trên địa bàn tỉnh được tổ chức nền nếp, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao ý thức cộng đồng và giáo dục ý nghĩa lịch sử, truyền thống yêu nước cho các dân tộc Lào Cai. Thông qua các hoạt động lễ hội đã góp phần thu hút khách du lịch đến với Lào Cai.

Lào Cai: Các lễ hội đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân - Ảnh 1.

Lễ hội Đền Thượng năm 2019/Nguồn: laocaitv.vn

Nhận thức của cả hệ thống chính trị các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về vai trò, tầm quan trọng của việc cải tạo tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa trong lễ hội của tỉnh được nâng cao. Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương được tiến hành thường xuyên, có nhiều đổi mới, hiệu quả rõ nét. Các nội dung chỉ đạo của Chỉ thị 41 mang tính thời sự, thiết thực, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của đời sống xã hội, được hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đồng thuận, cùng chung sức tổ chức thực hiện. Việc gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý được thực hiện nghiêm túc.

Trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 41, hầu hết cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã có sự chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, kịp thời, phân cấp hợp lý; quá trình thực hiện có nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, đa dạng, hiệu quả, kịp thời, có nhiều đổi mới. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện được phát huy, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia đóng góp nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhằm tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian và lễ hội được nhiều địa phương thực hiện hiệu quả.

Cao Bằng: Công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực

Theo Báo cáo Sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội của Sở VHTTDL Cao Bằng, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW đã được cấp ủy đảng, các sở, ban, ngành liên quan gắn kết chặt chẽ với việc tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm.

Công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp. Các lễ hội được tổ chức diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian. Các lễ hội đều thành lập Ban tổ chức lễ hội và đảm bảo lễ hội diễn ra đủ phần lễ và phần hội theo quy định của nhà nước và truyền thống địa phương. Hoạt động lễ hội đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, truyền thống văn hoá, nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiện nay.

Công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, các văn bản quản lý nhà nước, văn bản của tỉnh, ngành liên quan đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội được đẩy mạnh với nhiều hình thức và nội dung phong phú. Phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục, biểu dương những nét đẹp trong lễ hội, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong lễ hội, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và vai trò của lễ hội tín ngưỡng. Qua công tác tuyên truyền đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền tạo sự đồng thuận của nhân dân về vai trò, vị trí, chức năng của công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đề cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên, nhân dân khi tham gia hoạt động lễ hội. Việc tuyên truyền thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội tín ngưỡng đạt được những hiệu quả tích cực, giữ được tính thiêng của các nghi lễ cổ truyền, đồng thời tránh được những biểu hiện của mê tín dị đoan.

Nhìn chung các hoạt động lễ hội tín ngưỡng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh đã trở thành cầu nối quan trọng tạo sự gắn kết cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Bắc Kạn: Thực hiện 60 buổi chiếu phim lưu động tại các thôn (bản) đặc biệt khó khăn trong tháng 4

Sở VHTTDL tỉnh Bắc Kạn đã có báo cáo kết quả công tác tháng 4, phương hướng nhiệm vụ tháng 5 năm 2020.

Theo đó, trong tháng 4, Sở VHTTDL đã triển khai thực hiện tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Bắc Kạn; điều tra di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật múa khèn của người Mông"; Cung cấp thông tin phục vụ xây dựng Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với du lịch"; cung cấp tranh tuyên truyền phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 cho các đơn vị, địa phương; Nghiệm thu, phát hành tiểu phẩm tuyên truyền về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình năm 2020. Biên soạn, phát hành ấn phẩm tuyên truyền về tiêu chuẩn, bảng chấm điểm công nhận các danh hiệu văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2020.

Thực hiện 60 buổi chiếu phim lưu động tại các thôn (bản) đặc biệt khó khăn trên địa bàn 7 huyện; 04 buổi tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona tại các phường thuộc thành phố Bắc Kạn. Xây dựng kế hoạch tham gia Hội diễn khu vực toàn quốc tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Thực hiện khảo sát, xác minh, sưu tầm thông tin hiện vật tại xã Đại Sảo, huyện Chợ Đồn; sưu tầm thông tin tư liệu tại 05 di tích lịch sử. Xây dựng kế hoạch, dàn dựng và tập luyện chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh Bắc Kạn.

Hệ thống Thư viện phục vụ 647 lượt độc giả (trong đó 445 lượt truy cập internet) với 1.760 lượt sách báo tạp chí đưa ra phục vụ, cấp 05 thẻ độc giả.Nhập sách các nhà NXB biếu tặng được 210 cuốn sách. Thực hiện 02 cuộc trưng bày sách tại chỗ.

Trên cơ sở các kết quả đạt đạt được, nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực văn hóa đã được Sở VHTTDL đặt ra, bao gồm: Tiếp tục triển khai nội dung liên quan đến việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tuyên truyền, quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Triển khai nội dung dự án Bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Múa khèn của người Mông trong Dự án "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018-2020; Lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể, triển khai Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình năm 2020 tại xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông; Ban hành Kế hoạch tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ viên chức trung tâm văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện; Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu cấp sản phẩm văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số, các xã khu vực III, các trường dân tộc nội trú, năm 2020; Kế hoạch tổ chức Hội nghị tuyên truyền về phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và thực hiện hương ước, quy ước tại cơ sở năm 2020. Thực hiện các nội dung Kế hoạch xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, lần thứ Ba - năm 2021. Triển khai Kế hoạch tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) năm 2020.

Hằng Đinh (T/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×