Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lạng Sơn: Đọc sách điện tử - Góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong học đường

17/03/2022 | 15:20

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, thời gian gần đây, việc đọc sách online đã trở thành xu hướng lựa chọn của nhiều học sinh, nhất là trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát. Chỉ bằng những thao tác đơn giản trên thiết bị điện tử như: máy tính, laptop, điện thoại thông minh, các em có thể dễ dàng tiếp cận với rất nhiều cuốn sách, qua đó, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong trường học.

Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Những năm qua, ngành giáo dục tỉnh đã quan tâm đầu tư, xây dựng hệ thống thư viện ở nhiều trường học như: thư viện thân thiện, ngoài trời, thư viện xanh…; đầu tư sách, báo và khuyến khích giáo viên, học sinh đến thư viện đọc sách. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, ở nhiều nơi, nguồn sách thư viện chưa đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và học tập. Do đó, thích ứng với sự phát triển của xã hội và vận dụng công nghệ thông tin vào học tập, bên cạnh duy trì thư viện truyền thống, sở đã khuyến khích các trường chú trọng hướng dẫn cho học sinh, sinh viên kỹ năng khai thác tài liệu trên các thư viện điện tử và tìm kiếm, chọn lọc, sử dụng thông tin trên mạng Internet, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong trường học.

Lạng Sơn: Đọc sách điện tử - Góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong học đường - Ảnh 1.

Học sinh Trường Tiểu học – THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lạng Sơn tra cứu tài liệu qua mạng khi học trực tuyến

Khảo sát của ngành giáo dục cho thấy, 96% trường tiểu học (142/152 trường), 100% trường THCS và THPT (251 trường) có thư viện phục vụ nhu cầu đọc của giáo viên, học sinh. Trên cơ sở hướng dẫn của sở, cùng với đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, các trường từ cấp tiểu học đến THTP đã tích cực tuyên truyền học sinh đọc sách điện tử; lập trang thông tin nội bộ và đăng tải bài viết, tài liệu, sách trên trang. Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn là một ví dụ. Thầy Đặng Ngọc Tú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường đã đăng tải các tài liệu phục vụ học tập, những mẩu chuyện, chia sẻ kinh nghiệm học tập lên trang web của trường. Ở đây, học sinh không chỉ đọc mà còn được nêu ý kiến, nhận xét, bình luận, nêu cảm nhận về kiến thức đã đọc và có thể chia sẻ những cuốn sách mình yêu thích lên các trang mạng xã hội như zalo, facebook… Chính điều đó đã lan tỏa tích cực hơn phong trào đọc sách trong học sinh.

Cùng với cách làm trên, một số trường còn chỉ đạo nhân viên thư viện phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh hướng dẫn các em cách sử dụng máy tính, các thiết bị điện tử để truy cập internet và tìm đọc những cuốn sách hay phù hợp với lứa tuổi. Cô Nông Thị Phiên, nhân viên phụ trách thư viện Trường THPT Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Để phục vụ nhu cầu của học sinh, tôi đã chủ động tham mưu cho Ban Giám hiệu trường đăng tải các thông tin, tài liệu học tập lên trang web trường và trang facebook của đoàn trường. Đồng thời, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp lồng ghép trao đổi phương pháp tìm và đọc sách trong thời công nghệ 4.0 vào các tiết học, nhằm góp phần khơi dậy thói quen đọc sách cho học sinh.

Qua tuyên truyền, hướng dẫn từ nhà trường, giáo viên, cha mẹ, cùng với thiết bị truy cập mạng Internet, học sinh từ cấp tiểu học trở lên trên địa bàn tỉnh đã dần biết cách tiếp cận và đọc sách điện tử. Em Hứa Thanh Thảo, học sinh lớp 9A8, Trường THCS Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Thời gian qua, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, em thường xuyên sử dụng máy tính để học trực tuyến. Ngoài thời gian học, em tranh thủ vào mạng tìm kiếm những cuốn sách hay để đọc. Cùng đó, em đăng ký trang ebook để đọc sách online, nhờ đó, em có thể tìm được hàng nghìn đầu sách trên mạng Internet ở tất cả các lĩnh vực, kể cả sách tham khảo, sách giáo khoa…

Có thể thấy, đại dịch bùng phát đã gây cản trở cho học sinh trong quá trình học tập và phát triển thói quen đọc sách tại thư viện trường khi phải học online. Tuy nhiên, với việc tận dụng lợi thế của Internet, các trường đã tạo sự lan tỏa văn hóa đọc tới học sinh nhằm giúp các em rời xa sự cám dỗ từ trò chơi điện tử, mạng xã hội, thư giãn sau những tiết học online.

Theo Báo Lạng Sơn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×