Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lâm Đồng: Trưng bày hơn 100 vật dụng của đồng bào các dân tộc bản địa

04/06/2018 | 08:30

Bảo tàng Lâm Đồng vừa khai mạc triển lãm chuyên đề “Tranh - tre - nứa - lá” trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc bản địa Mạ, K’Ho, Churu.

Một số vật dụng được trưng bày tại Triển lãm. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Vật dụng sinh hoạt truyền thống đóng vai trò quan trọng và gắn bó mật thiết trong đời sống của các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng. Vật dụng truyền thống có mặt khắp trong nhà, quanh làng, trên rẫy. Nó là sản phẩm kết tinh trong quá trình lao động, sáng tạo của họ. Qua đó cho thấy đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của đồng bào Tây Nguyên thật phong phú và đa dạng.

Ngày nay, cùng với sự phát triển về kinh tế, văn hoá - xã hội, điều kiện sinh hoạt vật chất, tinh thần của đồng bào cũng thay đổi theo. Vật dụng truyền thống cũng dần được thay thế bằng nhiều loại chất liệu hiện đại. Những vật dụng thủ công bằng mây tre nứa được thay bằng các loại đồ nhựa, như rổ, rá, bàn ghế… với lợi thế cạnh tranh về kiểu dáng, mẫu mã, giá cả và đặc biệt là giá trị sử dụng. Chính vì vậy, “hàng hóa” bản địa đang dần bị lấn át mạnh mẽ, các vật dụng truyền thống dần mất đi là một xu hướng tất yếu. Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các vật dụng sinh hoạt truyền thống là vấn đề rất cấp thiết, để các yếu tố văn hóa trong nó không mất đi mà có sự tiếp biến cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.

Tại Triển lãm đã giới thiệu trên 120 hiện vật là dụng cụ lao động sản xuất, nhạc cụ, vật dụng sinh hoạt đời thường thân thuộc của đồng bào được làm từ các chất liệu tre, nứa, lá, cói, gỗ. Đó là những hiện vật đơn sơ, giản dị gắn với từng công dụng như: quả bầu khô đựng cháo; túi cói đựng cơm; các loại gùi; nơm, giỏ, đó, chúm dùng để bắt cá; chụp để bắt mối; bu nhốt gà, chó; thúng, rổ, rá dùng để đựng; rần, sàng, mẹt, cối, chày phục vụ cho việc giã gạo; ống thổi lò rèn; chiếu cói; các loại dao phát, dao tỉa hạt, dao săn thú có cán làm bằng lồ ô, tre, nứa…

Mỗi vật dụng được tạo tác tỉ mỉ, khéo léo, không theo một khuôn mẫu nào, đạt đến độ tinh xảo như một tác phẩm nghệ thuật, không chỉ mang giá trị về mặt công dụng, độ bền chắc, mà còn có giá trị về thẩm mỹ. Nhiều hiện vật đã in dấu ấn thời gian có tuổi trên 100 năm.

Bên cạnh đó, hơn 30 hình ảnh đi kèm với các hiện vật là minh họa sống động về công dụng của hiện vật được cộng đồng dân tộc sử dụng trong các hoạt động đời sống hàng ngày. Triển lãm thu hút sự quan tâm của nhiều công chúng yêu thích tìm hiểu bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống ở Lâm Đồng.

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết tháng 6/2018.

Minh Huyền (t/h)

 

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×