Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hưng Yên: Trùng tu, tôn tạo di tích từ nguồn lực xã hội hóa

21/03/2024 | 09:26

Phát huy nội lực trong vận động xã hội hóa, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã huy động được nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Chùa Động Xá tọa lạc trong khuôn viên rộng tại tổ dân phố Động Xá, thị trấn Lương Bằng (Kim Động). Đây là nơi sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng thường xuyên của người dân địa phương. Chùa còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của địa phương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, nhiều hạng mục của chùa đã xuống cấp nghiêm trọng. Trước tình trạng đó, Nhân dân tổ dân phố Động Xá đã tổ chức họp và đi đến thống nhất đề nghị cấp trên cho phép Nhân dân góp công, góp sức, trùng tu, tôn tạo di tích được khang trang hơn. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng, cuối năm 2023, chùa Động Xá đã hoàn thành công tác tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng; 100% kinh phí do Nhân dân, nhà hảo tâm, con em xa quê đóng góp, ủng hộ.

Hưng Yên: Trùng tu, tôn tạo di tích từ nguồn lực xã hội hóa - Ảnh 1.

Chùa Động Xá, thị trấn Lương Bằng (Kim Động) vừa được trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng từ nguồn xã hội hoá

Đồng chí Phạm Thanh Hùng, công chức văn hóa – xã hội thị trấn Lương Bằng cho biết: Thị trấn Lương Bằng là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay một số hạng mục của các di tích đã xuống cấp, cần được tu bổ, tôn tạo, trong khi kinh phí từ nguồn ngân sách còn hạn chế. Vì vậy, thị trấn có chủ trương thực hiện xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo di tích. Trước khi triển khai thực hiện địa phương đã xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền, bảo đảm quy trình, thủ tục theo đúng quy định của Nhà nước. Cùng với chùa Động Xá, chùa Đồng Lý ở tổ dân phố Đồng Lý (thị trấn Lương Bằng) cũng được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng.

Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, huyện Kim Động đã huy động được gần 60 tỷ đồng, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước đã tu bổ, tôn tạo được 10 di tích lịch sử, văn hóa như: Đình An Xá ở xã Toàn Thắng; đình Thổ Cầu ở xã Nghĩa Dân; chùa Trà Lâm ở xã Hiệp Cường... Ngoài đóng góp tiền và hiện vật, Nhân dân còn tham gia ngày công lao động giúp cho việc tu bổ, tôn tạo di tích giảm bớt chi phí xây dựng.

Tại huyện Văn Lâm, công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện. Nhờ đó, huyện đã huy động được hàng chục tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích. Trong giai đoạn từ năm 2020-2023, huyện đã huy động xã hội hóa được hơn 10 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các di tích như: Chùa Thái Lạc ở xã Lạc Hồng; nghè Văn Ổ ở xã Đại Đồng; đình Hành Lạc ở thị trấn Như Quỳnh… Các di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo, ngày càng phát huy giá trị, thu hút đông đảo Nhân dân, du khách thập phương tới tham quan, chiêm bái, cầu phúc, cầu an, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa tâm linh và phát triển du lịch.

Hưng Yên: Trùng tu, tôn tạo di tích từ nguồn lực xã hội hóa - Ảnh 2.

Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thái Lạc ở xã Lạc Hồng (Văn Lâm) được tu bổ, tôn tạo khang trang với phần lớn kinh phí từ nguồn xã hội hoá

Cùng với các huyện Kim Động, Văn Lâm, nhiều địa phương khác trong tỉnh đã huy động các nguồn lực hợp pháp để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, góp phần làm cho diện mạo di tích trở nên khang trang, xứng tầm với giá trị vốn có. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Hưng Yên hiện có 1.802 di tích được kiểm kê, bảo vệ, trong đó có 3 di tích, khu di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 175 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 271 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Từ tháng 1/2020 đến hết tháng 6/2023, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư tu bổ, chống xuống cấp cho 59 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 51 di tích xếp hạng cấp tỉnh với tổng kinh phí trên 374 tỷ đồng. Trong đó, nguồn huy động xã hội hóa trên 163 tỷ đồng. Các di tích được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn kinh phí xã hội hóa không chỉ góp phần giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước mà còn thể hiện trách nhiệm của Nhân dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đối với việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.

Đồng chí Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trong thời gian tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác vận động Nhân dân tham gia góp công, góp của, cùng với Nhà nước thực hiện trùng tu, tôn tạo các di tích đang xuống cấp. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, tạo sự đồng thuận xã hội trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích; nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ tính nguyên trạng, chân thực của di tích khi trùng tu, tôn tạo; sử dụng nguồn kinh phí do các cá nhân, tập thể đóng góp để tôn tạo, trùng tu di tích bảo đảm đúng mục đích, đầy đủ, kịp thời, hài hòa giữa ý nguyện của người dân và quy định pháp luật. Các di tích khi trùng tu, phục dựng phải có đầy đủ thủ tục, hồ sơ pháp lý, thực hiện đúng quy trình xây dựng và nội dung thẩm định dự án, báo cáo kinh tế, kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công… đã được phê duyệt, bảo đảm di tích sau khi phục dựng giữ nguyên yếu tố gốc.

Theo Báo Hưng Yên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×