Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Họp báo giới thiệu về Du lịch Tây Bắc và công tác chuẩn bị cho năm Du lịch Quốc gia 2017

15/04/2016 | 13:36

Chiều ngày 14.4.2016, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Hà Nội) trong khuôn khổ các hoạt động Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2016 đã diễn ra họp báo giới thiệu về Du lịch Tây Bắc, công tác chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2017 và công tác chuẩn bị Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai năm 2016.


Toàn cảnh buổi họp báo

Đến dự có bà Hoàng Thị Hạnh - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Nguyễn Hữu Thể - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; Trần Xuân Hoàng - Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV, lãnh đạo 8 tỉnh Tây Bắc, đại diện các Sở VHTTDL, cùng các doanh nghiệp lữ hành.

Vùng Tây Bắc có sức hút đặc biệt về du lịch

Vùng Tây Bắc gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Chiếm 1/3 diện tích cả nước với gần 11 triệu dân, Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của Việt Nam; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.

Tây Bắc được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, độc đáo về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái có giá trị và sức hấp dẫn du lịch đặc biệt. Đây là vùng đất có hệ sinh thái đa dạng, độc đáo, có nhiều phong cảnh đẹp: Cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang di thắng quốc gia Mù Cang Chải, Hoàng Su Phì, đỉnh Phansipan, đèo Mã Pì Lèng, đèo Pha Đin, Ô Quí Hồ, Các hồ nước ngọt khổng lồ tạo ra bởi các công trình thủy điện: Pa Khoang, hồ sông Đà, hồ Thác Bà, hồ Na Hang, hồ Núi Cốc, Thác Bản Giốc, hang Pắc Pó, động Ngườm Ngao...; vườn quốc gia có giá trị về đa dạng sinh học cao như như: Hoàng Liên, Ba Bể, Xuân Sơn, Pù Mát... các nguồn khoáng nóng giá trị cho sức khỏe như: Kim Bôi, Thanh Thủy, Mỹ Lâm, Uva, Bản Bon, Bản Hốc....; các khu  nghỉ dưỡng như Sapa, Mộc Châu, Mẫu Sơn, Sìn Hồ... Những giá trị về cảnh quan thiên nhiên được ban tặng cho con người Tây Bắc là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh du lịch vùng Tây Bắc.

Vùng Tây Bắc có trên 32 dân tộc anh em chung sống: Tày, Nùng, Thái, Mường, H"Mông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ Mú, La Ha, Xinh Mun, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La Hủ, Si La, Phù Lá, Bố Y, Mảng, Giáy, Lô Lô... nơi lưu giữ một nền văn hóa phong phú đậm đà bản sắc văn hóa các tộc người. Các loại hình văn hóa được thể hiện trong phong tục tập quán, lễ hội (lễ hội Lồng Tồng, Tục cúng rừng, Xên Bản, Xên Mường... các điệu dân ca, dân vũ (Múa Sạp, Múa Xòe, Hát Then, Đàn Tính, Múa Khèn...), trang phục, nhạc cụ (Pí pặp, Pí sên, Pí ló, Pí thiu, Khèn môi, Khèn lá...) các làng nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, làm lanh, thêu, rèn, đúc bạc, làm dụng cụ mây tre đan nghệ thuật...), trong ứng xử cộng đồng, trong kiến trúc nhà ở, trong các phiên chợ bản, chợ Mường.

Đặc biệt, Tây Bắc có các di sản văn hóa phi vật thể của thế giới là Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát then Tày Nùng, Múa Xòe dân tộc Thái; Nghi lễ kéo có của người Tày, Thái, Giáy là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại... Bản sắc văn hóa tộc người Vùng Tây bắc, là nguồn cội đậm chất nhân văn còn tiềm ẩn nhiều bất ngờ thú vị, nguồn tài nguyên vô tận cho khám phá du lịch còn nguyên sơ ở miền đất thi ca này.

Tây Bắc và con người Tây Bắc đôn hậu, cởi mở, chân thành, có truyền thống yêu nước nồng nàn, dũng cảm trong chiến đấu, sáng tạo, lao động, cùng với nhân dân cả nước sát vai trong bảo vệ dựng xây Tổ quốc từ bao đời nay. Tây Bắc, phên dậu vùng biên cương Tổ quốc với hơn 2500km đường biên giới Việt-Trung và Việt-Lào, luôn gắn với những giá trị hào hùng về lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông. Di tích Đền Hùng (Phú Thọ), Đền Thượng (Lào Cai), Đền Vua Quang Trung, Nguyễn Huệ (Lai Châu), bãi đá cổ Sa Pa, cửa khẩu quốc gia Xín Mần, cột cờ Lũng Cú (Hà Giang),..các khu di tích lịch sử cách mạng Pác Bó (Cao Bằng) Tân Trào, ATK Định Hóa, Bắc Mê (Thái Nguyên, Tuyên Quang), quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ.

Vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, sự độc đáo đa sắc màu văn hóa và sự hào hùng, linh thiêng của lịch sử tạo cho Tây Bắc sự giàu có, đa dạng và hấp dẫn về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Tất cả tiềm năng đó cùng với vị trí thông thương qua các cửa khẩu biên giới Việt-Trung và Việt-Lào trở thành lợi thế và điều kiện tốt để đầu tư phát triển du lịch.

Trong những năm qua, các tỉnh vùng Tây Bắc mở rộng luôn quan tâm tới việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các thành phần kinh tế có thể tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch, cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng trước pháp luật; quan tâm tới phát triển cơ sở hạ tầng du lịch: đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã hoàn thành đưa vào sử dụng; Quốc lộ 6 được hoàn thiện; tuyến đường săt Hà Nội - Lào Cai kết Kunming - Hà Khẩu đang được đầu tư nâng cấp. Trong thời gian tới, nhiều dự án đầu tư sẽ được triển khai như: Dự án sân bay Lào Cai, Sân Bay Lai Châu, Đường cao tốc kết nối Lai Châu và Sa Pa (Lào Cai);… tạo những điều kiện cần thiết để phát triển du lịch của vùng với các khu vực khác của đất nước và các quốc gia lân cận.

Năm Du lịch quốc gia 2017 tạo điểm nhấn cho du lịch Vùng Tây Bắc


Để thúc đẩy sự phát triển du lịch Tây Bắc, ông Hà Văn Thắng - Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai cho biết, Chính phủ đã đồng ý cho Lào Cai chủ trì, phối hợp với các tỉnh Tây Bắc đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2017 tại Công văn số 8609/VPCP-KGVX, ngày 25.11.2010 về việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia tại một số tỉnh, thành giai đoạn 2012-2017.

Năm Du lịch quốc gia 2017 sẽ có 22 sự kiện chính, 23 hoạt động bổ trợ, và 8 sản phẩm đặc trưng được giới thiệu trong Năm Du lịch quốc gia 2017 như: Du lịch cộng đồng Tây Bắc, giới thiệu vẻ đẹp của các cộng đồng dân tộc Tây Bắc…; du lịch hành trình khám phá cung đường di sản ruộng bậc thang Tây Bắc; du lịch chợ phiên vùng cao; du lịch tâm linh dọc sông Hồng; du lịch sắc hoa Tây Bắc; du lịch chinh phục đỉnh cao…

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lào Cai đã chủ động phối hợp với các tỉnh trong khu vực triển khai nhiều hoạt động nhằm chuẩn bị tốt cho sự kiện du lịch có quy mô lớn và uy tín nhất Việt Nam này - đặc biệt là việc phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch cấp quốc gia, quốc tế đồng thời nghiên cứu, phối hợp đầu tư một số sản phẩm du lịch đặc trưng của khu vực.

Về Hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai 2016 diễn ra ngày 7.5.2017, do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức, ông Hà Văn Thắng - Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai nhấn mạnh, đây là hoạt động nhằm hỗ trợ tỉnh Lào Cai kết nối hoạt động du lịch của tỉnh với các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch lữ hành. Hội nghị có sự tham gia của khoảng 500 doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ ngành, chuyên gia, nhà đầu tư trong và  ngoài nước. Theo đó, hội nghị sẽ tập trung giới thiệu kết quả thu hút đầu tư của Lào Cai; định hướng ưu tiên thu hút các dự án đầu tư phục vụ phát triển kinh tế xã hội 2016-2020 của Lào Cai; cam kết của địa phương về hơ trợ đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương. Ông Thắng nhấn mạnh, hội nghị xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch Lào Cai 2016 hứa hẹn sẽ là cầu nối thiết thực để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chính quyền địa phương gặp gỡ trao đổi, hợp tác cùng phát triển; đưa Lào Cai trở thành một trong những trọng điểm du lịch của Việt Nam. Hiện Lao Cai  đang tiến hành thực hiện các hoạt động với quyết tâm cao để tổ chức Năm du lịch quốc gia.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×