Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hòa Bình: Phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể

09/01/2021 | 18:55

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 dân tộc chính cùng chung sống, đông nhất là dân tộc Mường chiếm 63%; dân tộc Kinh chiếm 27,7%; các dân tộc Thái, Dao, Tày, Mông và các dân tộc khác chiếm 9,3%. Các dân tộc vừa có những nét văn hóa, tín ngưỡng chung, vừa có nét văn hóa truyền thống, tín ngưỡng riêng của từng dân tộc, độc đáo, rất phong phú và đa dạng. Đại đa số các dân tộc vẫn còn giữ được những nét cơ bản trong phong tục tập quán, tín ngưỡng của dân tộc mình. Các giá trị di sản về văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết được bảo tồn; các tri thức dân gian, trang phục còn được lưu giữ ở mức trung bình.

Hòa Bình: Phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể - Ảnh 1.

Chiêng Mường thường xuyên được sử dụng trong các hoạt động lễ hội hoặc sự kiện quan trọng của địa phương

Trong những năm qua, các cấp chính quyền địa phương đã xây dựng chương trình và kế hoạch hành động về văn hóa và công tác bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Cụ thể, đến nay đã đầu tư trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và xây dựng được 1 làng văn hóa truyền thống; hàng chục làng văn hóa du lịch cộng đồng cấp tỉnh; thực hiện được gần 30 đề tài khoa học về văn hóa, dân tộc; đầu tư thực hiện được gần 50 lớp truyền dạy nghệ thuật dân gian, hàng trăm lớp dạy chữ dân tộc; phục dựng và duy trì 59 lễ hội.

Trên cơ sở kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh, từ năm 2013 đến nay, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đã có chủ trương cho phép tổ chức tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho 02 di sản văn hóa phi vật thể đó là Mo Mường Hòa Bình và Nghệ thuật Chiêng Mường Hòa Bình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2016. Xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường Hòa Bình trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu cần bảo vệ khẩn cấp.

Xác định di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Hòa Bình là tài sản vô giá của các thế hệ cha ông ta để lại cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau là phần hồn của nền văn hóa dân tộc. Vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, còn là phương tiện để giới thiệu quảng bá về hình ảnh vùng đất con người cho các du khách trong và ngoài nước, tạo điều kiện để thực hiện chiến lược phát triển du lịch Hòa Bình góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian gần đây đã có những tín hiệu tích cực trong công tác bảo tồn trong nhân dân như: Sự phát triển của hệ thống lễ hội truyền thống; sự phát triển của Chiêng Mường; giá trị của Mo Mường và vai trò của các ông Mo đã được nhân dân coi trọng, tôn vinh. Đã xuất hiện nhiều lớp truyền dạy chữ Dao, Tày, Thái, Mông và trình tấu Chiêng Mường, múa Mường... thể hiện ý thức của nhân dân đã có sự thay đổi tích cực. Người dân tự hào về những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc mình nên đã có ý thức bảo tồn, phát huy.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay với sự bùng nổ phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, sự du nhập ảnh hưởng của các nền văn hóa bên ngoài đã có tác động không nhỏ đến ý thức của nhân dân các dân tộc, đến phong tục tập quán và đặc biệt là các giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian đang có nguy cơ bị thay thế, mai một. Tầng lớp nắm giữ tri thức dân gian hiện nay tập trung ở những người lớn tuổi cũng bị mai một dần. Lớp trẻ hiện nay đại đa số không am hiểu phong tục tập quán của dân tộc mình thậm chí một số còn không biết nói ngôn ngữ của dân tộc mình. Đây là những vấn đề cấp bách cần được quan tâm giải quyết.

Nhằm tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, thời gian tới, tỉnh tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể từ tỉnh đến cơ sở. Cử cán bộ chuyên môn, có liên quan trực tiếp thực hiện công tác kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Triển khai công tác sưu tầm, theo quy trình nhằm bổ sung, bảo quản tốt các tài liệu, hiện vật quý hiếm là di sản văn hóa phi vật thể truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Nhận diện và xác định giá trị về tên gọi, loại hình, chủ thể, địa điểm, không gian văn hóa, sức sống, đặc điểm và các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di sản văn hóa truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số./.

Theo hoabinh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×