Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hải Dương: Hơn 3.000 học sinh được tiếp cận chương trình giáo dục di sản văn hóa

20/12/2022 | 11:41

Từ năm 2013 đến nay, đã có hơn 3.000 học sinh của 14 trường học trong tỉnh Hải Dương được tiếp cận với chương trình Giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai.

Hải Dương: Hơn 3.000 học sinh được tiếp cận chương trình giáo dục di sản văn hóa - Ảnh 1.

Em Nguyễn Tường Vy, Lớp 5C Trường tiểu học Tân Dân thuyết minh bức tranh vẽ Đền thờ thầy giáo Chu Văn An.

Đây là thông tin được đại diện phòng Quản lý di sản Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương chia sẻ bên lề chương trình Tổng kết Giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường năm 2022 tổ chức tại trường Tiểu học Tân Dân, thành phố Chí Linh ngày 19/12.

Theo ông Bùi Văn Đạt, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, thực hiện hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục và Đào tạo về sử dụng di sản văn hóa trong các trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, từ năm 2013 đến nay, đã có 14 trường học triển khai chương trình. Riêng tại thành phố Chí Linh, đến nay có 3 trường triển khai gồm: Tiểu học Văn An, Tiểu học Sao Đỏ và Tiểu học Tân Dân.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương đã cung cấp học liệu, hỗ trợ các nhà trường tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng cho học sinh: đi tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử; viết bài cảm nhận, sáng tác thơ, vẽ tranh, kể chuyện danh nhân… Việc đưa các nội dung về di sản văn hóa tích hợp vào giảng dạy trên lớp và kết hợp với hoạt động trải nghiệm giúp các em tiếp cận các giá trị di sản văn hóa của quê hương, đất nước một cách tự nhiên nhất, để các em nhận thức, ghi nhớ các đặc trưng di dản văn hóa của địa phương. Từ đó, trách nhiệm trong học tập, rèn luyện, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa được nâng cao.

Triển khai chương trình, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Tân Dân đã lựa chọn di tích Đền Chu Văn An, tại phường Văn An, thành phố Chí Linh làm nơi tổ chức các hoạt động thực tế, trải nghiệm cho học sinh. Hơn 200 em học sinh khối lớp 4, lớp 5 được đến tham quan di tích và tham gia các hoạt động ý nghĩa tại đây. Trong buổi tổng kết, học sinh toàn trường được nghe chính bạn học của mình kể chuyện về tấm gương thầy giáo Chu Văn An, thuyết minh về tác phẩm tranh vẽ di tích Đền thờ Chu Văn An, đọc bài viết cảm nhận sau chuyến đi... Học sinh khối lớp 1 và lớp 2 được tham gia các trò chơi dân gian sôi động.

Em Bùi Thanh Thủy, học sinh lớp 5A cho biết: “Khi đến di tích, chúng em được tham gia lễ dâng hương thầy Chu Văn An, tham quan vãn cảnh, chụp ảnh lưu niệm… Chuyến đi đã để lại nhiều bài học quý cho em. Em tự hứa sẽ cố gắng học tập để xứng danh là học sinh quê hương Chí Linh”.

Đối với các thầy cô giáo, đây không những là cơ hội bồi đắp cho học sinh sự hiểu biết và tình yêu với di sản văn hóa mà còn là cơ hội sáng tạo trong dạy và học môn lịch sử địa phương. Thầy Trần Văn Mạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Dân chia sẻ: “Qua triển khai, chúng tôi nhận thấy chương trình rất ý nghĩa. Các em học sinh rất thích thú tìm hiểu và tham gia, còn các thầy cô giáo cũng không thấy bị áp lực về chương trình dạy học”.

Theo thầy Mạnh, cách làm này sẽ góp phần khắc phục được tình trạng ngại học, thiếu hứng thú học tập môn Lịch sử vẫn tồn tại phổ biến nhiều năm nay. Giáo dục di sản văn hóa giúp hình thành tình yêu của học sinh đối với các di tích, di sản văn hóa, từ đó, các em cố gắng tích cực học tập, xây dựng quê hương đất nước, có ý thức bảo vệ di sản. Nhà trường cũng đã xây dựng kế hoạch cho học sinh đi tham quan trải nghiệm thêm nhiều di tích trên quê hương, để các em viết bài thu hoạch, nâng cao hiệu quả giáo dục di sản.

Thầy Mạnh mong rằng tới đây, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, phòng Văn hóa và phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, xem xét đưa nội dung này vào chương trình dạy học rõ ràng hơn nữa và có thể xuyên suốt hoặc theo giai đoạn để các trường triển khai phù hợp lồng ghép vào các môn học sao cho hiệu quả.

Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình theo giai đoạn 2021 -  2025, định hướng 2030 để góp phần đổi mới phương pháp giáo dục, làm sinh động hơn các giờ học Lịch sử địa phương không chỉ ở cấp tiểu học mà có thể mở rộng đến các cấp học khác.

Theo TTXVN

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×