Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Góp phần làm giàu giá trị văn hóa, lịch sử của Quảng Ninh

16/01/2023 | 08:16

Năm 2022 vừa qua, mặc dù vẫn còn chịu tác động bởi dịch Covid-19, nhưng các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, lễ hội trên địa bàn tỉnh đã thu hút tới 5 triệu lượt người đến tham quan. Con số này cho thấy sức hút cũng như hiệu quả việc phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh sau quá trình đầu tư bảo tồn, tôn tạo thời gian qua…

Góp phần làm giàu giá trị văn hóa, lịch sử của Quảng Ninh - Ảnh 1.

Lễ hội Bạch Đằng được tổ chức hàng năm tại khu di tích Bạch Đằng (TX Quảng Yên).

Theo thống kê của ngành Văn hoá, chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây, 28 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư bảo tồn, tôn tạo với tổng số tiền trên 1.917 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh và địa phương khoảng 301 tỷ đồng và vốn xã hội hóa trên 1.616 tỷ đồng. Với số lượng di tích được đầu tư tăng lên cũng đi kèm với số di tích xuống cấp giảm đáng kể. Việc thực hiện những quy định trong bảo tồn di sản qua đánh giá cho thấy ít vi phạm hơn so với những năm trước và được kiểm tra, xử lý kịp thời.

Việc khai quật làm cơ sở cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích cũng triển khai ở nhiều điểm trên địa bàn tỉnh, như: Di tích chùa Hồ, chùa Bồ Đài (TP Hạ Long), địa điểm Vụng Huyện, bến Cái Làng (huyện Vân Đồn), di tích Trại Cấp, Am Hoa, đền An Sinh (TX Đông Triều), am Thung, Bảo Đài (TP Uông Bí)...

Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm, chú trọng triển khai 3 Quy hoạch tổng thể trong bảo tồn và phát huy giá trị tại các khu di tích Yên Tử, khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng và khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều. Theo đó, nhiều di tích đã được phục dựng lại, như: Chùa, am Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên, Quỳnh Lâm, chùa Trung Tiết ở Đông Triều; khu vực tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, An Kỳ Sinh tại Yên Tử được chỉnh trang lại, quần thể Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm được đầu tư dưới chân núi; đầu tư giai đoạn I khu di tích Bạch Đằng…

Để có cơ sở nền tảng trong triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, ngành văn hóa tỉnh đã triển khai xây dựng Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2030. Đồng thời, nhằm quảng bá di sản, giúp cho các nhà quản lý, nghiên cứu, người dân tiếp cận và tìm hiểu thông tin về di sản dễ dàng hơn, tỉnh cũng đã thực hiện số hóa các di sản văn hóa trên địa bàn và đưa vào vận hành từ năm 2019.

Việc xây dựng hồ sơ xếp hạng các di tích, di sản được làm rộng khắp ở các cấp độ. Theo đó, cùng với việc tiếp tục triển khai xây dựng Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới, Quảng Ninh cũng xúc tiến các phần việc để tiến tới xây dựng hồ sơ di sản văn hóa - lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng (Quảng Ninh - Hải Phòng - Hải Dương) trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Bên cạnh đó, trong năm qua, 13 di tích đã được tỉnh thẩm định để xếp hạng di tích cấp tỉnh và đề nghị xếp hạng cấp quốc gia, trong đó khu di tích lịch sử Pò Hèn (TP Móng Cái) đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Đồng thời, tỉnh cũng bắt đầu triển khai xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với di tích Đình Trà Cổ (TP Móng Cái) và Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn…

Những việc làm này đều đã và đang góp phần tiếp tục khẳng định, làm giàu thêm các giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất, con người Quảng Ninh.

Theo quangninh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×