Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Gìn giữ và phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống Nam Định

21/12/2023 | 12:59

Trước sự cạnh tranh của các loại hình giải trí hiện đại, hoạt động nghệ thuật sân khấu kịch hát dân tộc như: chèo, cải lương, kịch nói, hát văn, ca trù ở tỉnh Nam Định gặp nhiều khó khăn. Để tồn tại và phát triển, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khán giả, nhưng không làm mai một các giá trị văn hóa truyền thống.

Gìn giữ và phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống Nam Định - Ảnh 1.

Tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh.

Bộ môn Sân khấu - Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh là bộ môn có số lượng hội viên đông đảo với gần 70 tác giả, đạo diễn, diễn viên, đầy đủ các thành phần sáng tạo nghệ thuật hiện đang công tác tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và nghỉ hưu; trong đó có những nghệ sĩ tài năng, nổi tiếng như các Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Kim Liên, Quang Chí; các Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Trịnh Quang Khanh, Thanh Hương, Bích Thục, Đào Quang… và các NSƯT trẻ: Diệu Hằng, Thanh Vân, Đăng Khoa, Ngọc Hùng, Thanh Nga, Phi Hùng (Chèo), Thanh Hằng, Thu Thủy (Cải lương), Thùy Linh, Hồng Ngát, Quang Nhất (Kịch nói)… Các hội viên là tác giả, đạo diễn hoạt động trong lĩnh vực sân khấu không chuyên như: Giang Phong, Phạm Khải Hoàn, Hoàng Trúc Long, Ninh Hoài Long, Trần Lộc… cũng có nhiều tác phẩm giá trị được dàn dựng cho sân khấu nghệ thuật không chuyên, phục vụ nhân dân, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở địa phương, cơ sở. Với tài năng, phẩm chất và sự cống hiến nghệ thuật không ngừng nghỉ, các nghệ sĩ đã góp phần đưa Nam Định trở thành một trong những địa phương có nghệ thuật sân khấu mạnh trong cả nước.

Phát huy truyền thống, nhiều năm qua, các nghệ sĩ là tác giả, đạo diễn, diễn viên thuộc Bộ môn Sân khấu - Hội VHNT tỉnh tiếp tục nỗ lực sáng tạo, hoạt động tích cực trên lĩnh vực nghệ thuật: sáng tác kịch bản, đạo diễn sân khấu, diễn viên, nhạc công… Thực hiện sự chỉ đạo của Hội VHNT tỉnh và kế hoạch hoạt động của bộ môn, hàng năm, các tác giả, nghệ sĩ, diễn viên có điều kiện tham gia các trại sáng tác VHNT ở Trung ương và địa phương. Bộ môn Sân khấu - Hội VHNT tỉnh phối hợp với Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tỉnh Nam Định mời nhiều diễn giả sân khấu tài năng tập huấn, trao đổi về tình hình sân khấu ở Việt Nam và trên thế giới; trao đổi, tọa đàm các kịch bản, vai diễn của hội viên để nâng cao chất lượng tác phẩm nghệ thuật và trình độ nhận thức của hội viên. Hàng loạt tác phẩm, công trình nghệ thuật xuất sắc đã được giới thiệu, dự thi trong các cuộc thi, hội diễn, liên hoan sân khấu toàn quốc, các đài phát thanh, truyền hình, sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên.

Năm 2019, 3 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh là Nhà hát Chèo, Đoàn Cải lương và Đoàn Kịch nói sau khi sáp nhập thành Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã nhanh chóng ổn định, bứt phá, năng động sáng tạo trong các hoạt động sáng tác, dàn dựng, biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, các dịp lễ, tết ở địa phương, phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của nhân dân. Nhiều tác phẩm sân khấu mới có chất lượng cả về nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật, được công chúng yêu nghệ thuật truyền thống đón nhận; tiêu biểu như các vở: “Bản tình ca viết dở”, “Hải âu trắng”, “Đợi đến bao giờ” (Kịch nói); “Bến nước Ngũ Bồ”, “Huyền Trân Công chúa”, “Oan tình Lệ Chi Viên”, “ Nàng Công chúa nhà Trần” (Cải lương); “Không phải là vụ án”, “Gò đống mối”, “Thánh Mẫu”, “Ông Trạng kỳ tài” (Chèo)... Các vở diễn không chỉ đi sâu vào những vấn đề lịch sử, chính trị, thuật trị nước mà còn tập trung vào các vấn đề thời sự xã hội với phong cách dàn dựng mới mẻ, nhằm hướng đến tiếp cận khán giả trẻ. Nhiều tác giả, đạo diễn, diễn viên có nhiều tác phẩm, công trình nghệ thuật được thu, phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam và nhận được nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi, hội diễn do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, các cơ quan Trung ương, địa phương phát động, tổ chức. Đã có 8 nghệ sĩ Bộ môn Sân khấu - Hội VHNT tỉnh gồm: NSƯT Diệu Hằng, NSƯT Thùy Linh, NSƯT Thanh Hằng, các nghệ sĩ: Đoàn Minh Phương, Phạm Văn Minh, Văn Thị Năm, Trần Quang Nhất, Phan Phi Hùng vinh dự được nhận Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh tỉnh lần thứ VIII (2016-2020).

NSƯT Bùi Thanh Hằng, Trưởng Bộ môn Sân khấu - Hội VHNT tỉnh, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cho biết: “Trước sự phát triển của xã hội, văn hóa nghệ thuật Nam Định đứng trước những cơ hội và nhiều thách thức. Các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung, sân khấu kịch hát dân tộc nói riêng gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí, kịch bản, khán giả, nguồn nhân lực kế thừa… Tuy nhiên, với tình yêu nghệ thuật và niềm đam mê sáng tạo, các nghệ sĩ Nam Định luôn học hỏi, thể nghiệm những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, từng bước đưa nghệ thuật truyền thống tiếp cận các đối tượng khán giả. Những năm gần đây, lực lượng nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát ngày càng được trẻ hóa, bảo đảm tính kế thừa trong đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu mới. Nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng đã dần chiếm được tình cảm yêu mến của khán giả. Để từ đó, những người yêu mến nghệ thuật truyền thống Nam Định lại có điều kiện được thưởng thức những vở diễn, vai diễn mới, tạo được tiếng vang như các thế hệ nghệ sĩ tiền bối”.

Để tồn tại và phát triển trong môi trường nghệ thuật hiện nay, đòi hỏi sân khấu truyền thống phải hoạt động chuyên nghiệp hơn. Mọi khâu từ chọn vấn đề, xây dựng kịch bản đến dàn dựng, diễn xuất, thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng... phải được đầu tư có chiều sâu, đột phá nhưng vẫn phải giữ được “hồn cốt” nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Với mục đích nâng cao năng lực hoạt động của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp tình hình mới. Trong đó, gắn các hoạt động dàn dựng, biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống (chèo, cải lương, hát văn) với sự phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh và hội nhập quốc tế. Chú trọng nâng cao chất lượng nghệ thuật các chương trình, vở diễn đảm bảo các yếu tố dân tộc, hiện đại, gần gũi với công chúng, nhất là giới trẻ. Quan tâm ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào các chương trình, vở diễn; chú trọng đầu tư trang phục, đạo cụ, sân khấu… Đổi mới, mở rộng các hình thức, phương thức phục vụ để tạo sự quan tâm, thu hút mọi đối tượng khán giả; tăng cường quảng bá, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật phục vụ công chúng. Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ diễn viên trẻ tài năng, có trình độ, năng lực chuyên môn; chú trọng đầu tư các trích đoạn, vở diễn, chương trình nghệ thuật để phục vụ biểu diễn trong các sự kiện chính trị, văn hóa, lễ hội, sân khấu học đường, góp phần định hướng cho khán giả về giá trị “chân, thiện, mỹ” từ những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao./.

Theo Báo Nam Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×