Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch TP. Hồ Chí Minh đang tăng trưởng mạnh mẽ trở lại

06/10/2023 | 08:12

Trong 9 tháng của năm 2023, du lịch là một trong số ít ngành kinh tế của TP. Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng tốt với doanh thu khoảng 126.000 tỷ đồng.

Nhiều mục tiêu và kế hoạch năm 2023 của ngành cũng sắp “cán đích”, thậm chí được dự báo sẽ vượt chỉ tiêu, khi dư địa tăng trưởng còn rất nhiều từ chính sách thị thực mới và mùa cao điểm cuối năm sắp tới.

Vực dậy từ con số 

Đại dịch COVID-19, như một "cơn lốc" đã nhấn chìm các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ và gần như cuốn sạch những thành quả mà ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh nỗ lực có được trong thời gian dài. Hàng ngàn người làm trong lĩnh vực du lịch mất việc làm, không ít nhà hàng, khách sạn phá sản, rao bán hoặc trả mặt bằng, chuyển đổi loại hình kinh doanh sau thời gian dài đóng cửa “gồng mình” chống dịch.

Từng là một trong những trụ cột kinh tế của TP. Hồ Chí Minh, năm 2019, du lịch TP. Hồ Chí Minh đón trên 8,6 triệu lượt khách quốc tế và 32,77 triệu lượt khách du lịch nội địa với tổng doanh thu trên 140.000 tỷ đồng. Thế nhưng bước vào đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đóng góp của du lịch TP. Hồ Chí Minh gần như quay về con số 0.

Du lịch TP. Hồ Chí Minh đang tăng trưởng mạnh mẽ trở lại - Ảnh 1.

Du lịch văn hoá, lịch sử là xu hướng du lịch mới nổi được nhiều du khách quốc tế quan tâm


Tưởng chừng ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh sẽ phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi thì thực tế đã diễn ra nhanh hơn. Ngay những ngày cuối tháng 9/2021, khi dịch bệnh được kiểm soát, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 được phủ rộng, TP. Hồ Chí Minh đã tiên phong đi đầu cả nước mở cửa và từng bước phục hồi du lịch an toàn.

Bước đầu, các điểm xanh, vùng xanh ở ngoại thành như: Củ Chi, Cần Giờ được mở cửa với các tour du lịch tri ân lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch. Dần dà, các điểm đến khác được phép đón du khách nội thành theo tour tuyến, cung đường an toàn, khép kín, các cở sở kinh doanh dịch vụ, du lịch được phép hoạt động có điều kiện....

Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hoà cho biết: “Sau đại dịch, một trong những vấn đề lớn nhất đối với ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh đó là về nguồn nhân lực. Chúng tôi thống kê được chỉ còn khoảng 30% nhân sự còn hoạt động trong lĩnh vực này, còn lại họ đã chuyển và không còn hoạt động trong lĩnh vực du lịch nữa. Từ con số 30% đó, chúng tôi phải vận dụng rất nhiều kênh khác nhau, từ kênh đào tạo đến liên kết vùng để làm sao đảm bảo được nguồn nhân lực và ngành du lịch của thành phố có thể vận hành một cách tốt nhất”.

Thời kỳ đầu mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới, du khách quốc tế vẫn chưa đến nhiều nhưng thị trường du lịch TP. Hồ Chí Minh vẫn bùng nổ với du khách nội địa. Chia sẻ tại hội thảo “Du lịch 2023: Mục tiêu và phục hồi” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đông Hoà - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Saigontourist Group cho biết, ngay sau dịch, năm 2022 nhiều doanh nghiệp du lịch đã làm ăn có lãi: “Năm 2021, lúc đó là dịch bệnh quá, mô tả về tình hình du lịch thời điểm đó tôi sẽ dùng chữ "tan tác". Đến năm 2022 tình hình khá hơn chút xíu thì mình có thể dùng chữ "thở oxy". Nhưng mà thật ra tình hình khó khăn cũng chỉ rơi vào đầu năm, còn khoảng chừng tháng 9/2022 thì cũng có nhiều đơn vị kinh doanh có lãi. Thậm chí là những đơn vị du lịch ở vùng sâu, vùng xa hẻo lánh của Việt Nam 10 năm liền trước đó lỗ ròng liên tục, nhưng đến năm 2022 lần đầu tiên họ đạt mốc doanh thu cao nhất trong suốt 10 năm qua”.

Dấu ấn phục hồi

Du lịch TP. Hồ Chí Minh đang tăng trưởng mạnh mẽ trở lại - Ảnh 2.

Du khách tham quan mua sắm tại chợ Bến Thành - biểu tượng du lịch văn hoá của TP. Hồ Chí Minh

"Thừa thắng xông lên", năm 2023 ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đạt được những dấu ấn quan trọng. Theo báo cáo mới nhất của Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, trong 9 tháng của năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đạt gần 3,6 triệu lượt, khách nội địa gần 27 triệu lượt, tổng thu ước đạt gần 126.000 tỷ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022 (9 tháng năm 2022 là 92.376 tỷ đồng), đạt 78,4% kế hoạch năm.

Kết quả trên không đồng nghĩa thị trường du lịch thời gian qua dễ tính mà phần lớn do các doanh nghiệp đã linh hoạt thích ứng với những biến động của thị trường.

Ông Võ Minh Trung - Giám đốc khách sạn Riverside Saigon chia sẻ, khách sạn là cơ sở lưu trú, nhà hàng chuyên phục vụ khách Âu - Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Thế nhưng từ sau dịch COVID-19 đến nay, lượng du khách đến từ các thị trường quen thuộc này không đạt như kỳ vọng. Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh lại là điểm đến hấp dẫn với du khách Ấn Độ nên khách sạn Riverside Saigon đã linh hoạt thay đổi thực đơn, phong cách phục vụ để thu hút khách.

“Hiện tại khách Ấn Độ đang cứu các cơ sở lưu trú như chúng tôi trong mùa thấp điểm khách inbound. Mặc dù thị trường Ấn Độ rất khó tính, du khách họ thường đi theo đoàn không đi đơn lẻ, cho nên chúng tôi phải liên kết với các nhà hàng chuyên các món Ấn và chuyên phục vụ cơm đoàn theo phong cách Ấn Độ. Ngoài ra thì chúng tôi cũng đang nghiên cứu thực đơn dành cho khách Ấn Độ”, ông Võ Minh Trung cho biết.

Không chỉ vậy, chuyển đổi số cũng được nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch chú trọng đầu tư trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch. Nếu như trước đó, các đơn vị chỉ chú trọng kênh bán hàng truyền thống thông qua các hãng lữ hành, thì nay đẩy mạnh truyền thông, bán hàng qua các kênh, nền tảng online như: Agoda, Booking, Traveloka,… Nhờ thế, nhiều khách sạn luôn duy trì ở mức trên 80% công suất mỗi dịp lễ, Tết.

Những tín hiệu tích cực của ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng khiến những người làm hướng dẫn viên như anh Nguyễn Trí Huân vui mừng, sau thời gian dài chật vật kiếm sống vì vắng khách quốc tế. Anh Nguyễn Trí Huân chia sẻ: “Mở cửa du lịch, khách quốc tế không thể đến du lịch ngay. Tôi quay trở lại với nghề hướng dẫn viên du lịch ở hồi tháng 3/2023. Tháng 3, tháng 4 là hai tháng cao điểm nên là tần suất dẫn tour của tôi gần như kín lịch. Hiện tại đang là mùa thấp điểm của khách châu Âu nên tần suất dẫn tour của tôi có giảm, nhưng tôi hi vọng và đang chờ mùa cao điểm sắp tới. Thông thường, tháng 11, 12 khách Pháp và nhiều nước châu Âu nghỉ đông nên họ đi du lịch rất nhiều”.

Còn nhiều dư địa để vượt kỳ vọng

Du lịch TP. Hồ Chí Minh đang tăng trưởng mạnh mẽ trở lại - Ảnh 3.

TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng các sản phẩm du lịch mới, có giá trị gia tăng cao. Trong ảnh là show thực cảnh đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội sông nước TP. Hồ Chí Minh lần I - năm 2023.

Vẫn còn nhiều dư địa để ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển và vượt chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023. Hiện TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực khai thác xu hướng du lịch từ yếu tố lịch sử, văn hoá. Ngoài ra, chính sách visa mới cởi mở hơn của Việt Nam cũng giúp lượng khách tìm kiếm, thăm hỏi thông tin và đăng ký ở cả khối lữ hành và khối khách sạn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tăng khoảng 20 - 30%. Dự báo con số này sẽ tăng lên ở 3 tháng cuối năm – giai đoạn cao điểm của du lịch quốc tế.

Ông Lê Trương Hiền Hoà, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh bày tỏ kỳ vọng: “Nguồn thu của ngành du lịch là nguồn đóng góp rất quan trọng đối với kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, năm nay chúng tôi đặt ra mục tiêu doanh thu của ngành phải đạt 160.000 tỷ đồng, cao hơn 10 - 15% so với năm 2019. Với những dư địa trên chúng tôi kỳ vọng doanh thu du lịch năm nay sẽ đạt được chỉ tiêu đề ra và có những cái bứt phá trong những tháng cuối năm và trước Tết”.

Hiện TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực hình thành và kêu gọi đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới, có giá trị gia tăng cao. Trong đó, tập trung vào các loại hình du lịch: y tế, đường thuỷ, du lịch golf, du lịch cộng đồng… nhằm thu hút dòng khách MICE (du lịch kết hợp sự kiện, hội thảo, hội nghị) và khách du lịch cao cấp.

Theo Báo điện tử VOV

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×