Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Dự án SME Trà Vinh: Phát triển du lịch theo chuỗi giá trị

30/09/2022 | 10:18

Đồng hành cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh từ năm 2018 đến nay, Ban Quản lý Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Dự án SME Trà Vinh) đã tài trợ các hoạt động nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, xúc tiến quảng bá du lịch và đầu tư kết cấu hạ tầng nhỏ phục vụ phát triển chuỗi du lịch.

Dự án SME Trà Vinh: Phát triển du lịch theo chuỗi giá trị - Ảnh 1.

Ông Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn học viên cách gấp khăn của một nhân viên làm nghiệp vụ bàn ăn

Để đảm bảo tính bền vững của các gói hỗ trợ của Dự án SME Trà Vinh, trong năm 2022, Dự án tiếp tục tài trợ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tập huấn phát triển du lịch theo chuỗi giá trị cho cán bộ khối công, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực du lịch nhằm nâng cao năng lực về quản lý và phát triển du lịch. Trong đó, đặc biệt khuyến khích sự tham gia của phụ nữ và người dân tộc Khmer vào chuỗi du lịch. Hoạt động này là một phần trong chuỗi các hoạt động nhằm giúp nâng cao năng lực về du lịch cho khối công và khối tư, giúp chuẩn hóa các dịch vụ du lịch, đóng góp đến việc bổ sung, cập nhật chính sách du lịch của tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2030.

Ngoài trang bị kiến thức và kỹ năng về phát triển du lịch, các doanh nghiệp được các chuyên gia hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch như kỹ năng nghiệp vụ buồng phòng, nhân viên phục vụ buồng phòng tại các cơ sở lưu trú, quy trình phục vụ khách lưu trú, thực hành và xử lý tình huống, nghiệp vụ bàn, nhân viên phục vụ bàn tại các nhà hàng.

Trao đổi với chúng tôi, chị Trương Thị Bích Đào, nhân viên khách sạn Hoàn Mỹ, tại Phường 7, thành phố Trà Vinh cho biết: gần 10 năm làm nhân viên phục vụ buồng phòng tại khách sạn Hoàn Mỹ chị đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên, trải qua việc học tập thực hành thực tế, được các chuyên gia hướng dẫn theo hướng “cầm tay chỉ việc”, chị đã học hỏi được nhiều kiến thức mới, từ cách bố trí, sắp xếp thời gian vận dụng vào công việc phục vụ buồng phòng tại khách sạn một cách khoa học và hiện đại hơn, đặc biệt là tiết kiệm được thời gian hơn cách làm việc trước đây.

Chị Lý Thảo Vy, nhân viên khách sạn Khu du lịch Ba Động (thị xã Duyên Hải) bày tỏ: qua trải nghiệm thực hành tại khách sạn Cửu Long chị được trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích, nhất là kỹ năng giao tiếp với du khách nước ngoài, cách trang trí phục vụ buồng phòng tại khách sạn vừa văn minh và vừa hiện đại. Kiến thức thực hành không chỉ áp dụng phục vụ cho du khách tại khách sạn, chị có thể học tập để hướng dẫn nhân viên trang trí buồng phòng khách sạn thêm trang nhã và hiện đại hơn.

Thạc sĩ Trương Hoàng Tố Nga, Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: để thu hút khách du lịch thường xuyên chọn khách sạn của chúng ta làm nơi dừng chân nghỉ ngơi. Điều trước tiên của nhân viên phục vụ, ngoài cách giao tiếp lịch sự, phục vụ chu đáo, đối với công việc của nhân viên phục vụ buồng phòng, ngoài kiến thức cơ bản phải tận tình với công việc, quan trọng là vệ sinh buồng phòng phục vụ du khách đảm bảo sạch sẽ, ngăn nắp, trang trí vật dụng nơi buồng phòng theo quy chuẩn của khách sạn đặt ra...

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Tổ trưởng tổ hợp tác Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim (huyện Châu Thành) bộc bạch: việc kinh doanh của tổ hợp tác hiện nay ngoài điểm đến Homestay - Bếp xưa Nam Bộ, tổ còn hoạt động lĩnh vực lưu trú. Vì thế tham gia lớp học thực hành về việc quản lý và nghiệp vụ phục vụ khách lưu trú, nghiệp vụ bàn, tôi rút ra nhiều bài học và học hỏi thêm những kiến thức cũng như kỹ năng kinh doanh du lịch để phục vụ tốt hơn cho hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch sắp tới. Đồng thời sau khóa học thực hành này, tôi sẽ đầu tư nâng cấp, sửa chữa điểm lưu trú tại cơ sở nhằm nâng cao chất lượng phục vụ phù hợp, tạo nét riêng thu hút khách du lịch đến tham quan và nghỉ ngơi.

Theo ông Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, du lịch là một trong những hoạt động bị thiệt hại đầu tiên do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và đã có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc trở lại. Tuy nhiên để ngành du lịch của Trà Vinh phát triển bền vững, ngoài các điểm du lịch thu hút du khách đến tham quan, thì khách sạn, nhà hàng là điểm dừng chân lý tưởng của nhiều khách du lịch. Vì thế, cách phục vụ của quản lý và nhân viên nhà hàng, khách sạn là việc rất cần thiết.

Đối với không gian phòng nghỉ của khách sạn, nhân viên phục vụ buồng phòng phải nhớ phương thức làm buồng phòng và cách giao tiếp, xử lý tình huống phù hợp tạo cho du khách có cảm giác không gian nghỉ ngơi hoàn hảo. Nghiệp vụ phục vụ bàn ăn tại nhà hàng, nhân viên phục vụ phải bố trí, sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng sạch sẽ theo các kiểu như: xếp khăn, phục vụ bàn ăn theo kiểu Á hoặc kiểu Âu và xử lý tình huống, điều quan trọng cần lưu ý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là tiêu chuẩn hàng đầu phục vụ du khách nói chung, du khách nước ngoài nói riêng.

Có thể nói, phát triển du lịch theo chuỗi giá trị nhằm giúp các cán bộ khối công quản lý khai thác tài nguyên du lịch theo định hướng phát triển bền vững, phát triển sản phẩm và nhân lực ngành du lịch, tăng cường quảng bá du lịch, xây dựng và nâng cấp chuỗi giá trị du lịch. Đối với các doanh nghiệp làm du lịch được trang bị kỹ năng nghiệp vụ du lịch cơ bản, xây dựng các trải nghiệm du lịch đặc trưng tại địa phương và thực hành du lịch có trách nhiệm.

Theo Báo Trà Vinh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×