Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Độc đáo loại bánh xứ Quảng ăn chơi ngày Tết phải trải qua "7 lần lửa"

13/02/2021 | 10:03

Cận Tết Nguyên đán, làng bánh khô mè Quang Châu làm việc hết công suất để kịp thời cung ứng sản phẩm cho thị trường.

Cháy hàng mùa Tết

Những ngày giáp Tết âm lịch, cơ sở sản xuất bánh khô mè bà Nghĩ - một trong những hộ làm bánh có quy mô lớn tại làng Quang Châu (xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng), vận hành  liên tục từ 1 giờ sáng đến 13 giờ chiều, với hơn 10 nhân lực vẫn không đủ bánh phục vụ thực khách.

Bà Nguyễn Thị Nghĩ - chủ cơ sở bánh khô mè Bà Nghĩ nói: "Bánh khô mè còn có tên gọi là 'bánh bảy lửa', vì quá trình chế biến phải trải qua 7 ngọn lửa, không chỉ là lửa nướng bánh mà còn là lửa hấp bánh, nấu đường kẹo rất cầu kỳ và công phu".

Độc đáo loại bánh xứ Quảng ăn chơi ngày Tết phải trải qua 7 lần lửa - Ảnh 1.

Bánh tráng khô mè Quang Châu phải trải qua 7 lần lửa

Tại Đà Nẵng, bánh khô mè là món ăn chơi được lòng người. Bà Nghĩ cho biết nguyên liệu làm bánh phải được chọn kỹ lưỡng từ loại gạo xiệc Quảng Nam, đường Quảng Ngãi và mè của Hội An.

Chiếc bánh giòn xốp phải trải qua nhiều công đoạn kỳ công. Gạo được đem đi ngâm và đãi cho sạch rồi để ráo một đêm mới xay thành bột. Sau đó, bột được nhồi mịn rồi cho vào khuôn, mang đi hấp cho chín, nướng trên than hồng. Bí quyết cho bánh ngon là bột phải làm từ gạo xiệc 100%, bánh phải nướng liền sau khi hấp để không bị cứng và chai.

Công đoạn tiếp theo là thắng đường. Đường được thắng với tỷ lệ 10 kg đường với 200ml nước và 10 trái chanh. Đường có màu cánh gián thì nhanh tay dùng đũa nhúng ngập bánh rồi tắm qua mè Hội An đã rang sẵn. Bánh được chờ tới khi nguội mới đóng gói để đảm bảo độ dẻo bên trong, giòn xốp bên ngoài.

Độc đáo loại bánh xứ Quảng ăn chơi ngày Tết phải trải qua 7 lần lửa - Ảnh 2.

Bột phải làm từ gạo xiệc Quảng Nam

Theo bà Nghĩ, bánh đạt yêu cầu phải đạt được độ giòn xốp và dậy mùi mè rang của vỏ bánh, lớp đường mía trong nhân bánh dẻo và kéo sợi khi thưởng thức.

Để phục vụ cho Tết Nguyên đán, mỗi ngày gia đình bà Nghĩ sản xuất 1.600 gói bánh với giá 60.000 đồng/gói. Bánh khô mè Quang Châu được nhiều người yêu thích vì hợp túi tiền, bánh nhỏ và vừa đủ để nhâm nhi cùng trà vào dịp Tết.

Bánh được phân phối khắp thị trường miền Trung, từ Đà Nẵng đến Quảng Nam, Quang Ngãi, Bình Định…Bánh khô mè làng Quang Châu còn là đặc sản làm quà được khách phương xa yêu thích và chọn mua khi đến Đà Nẵng.

Truyền nghề - giữ nghề

Bánh khô mè bà Nghĩ đã có 40 năm truyền thống và vẫn giữ nguyên hương vị thuở ban đầu. Nhằm giữ gìn và phát huy nghề, anh Trần Việt Tuấn (con trai bà Nghĩ) đã chọn gác lại công việc văn phòng để trở về chuyên tâm tiếp nối mẹ, phát triển thương hiệu bánh khô mè Bà Nghĩ.

Theo anh Tuấn, cách đây hơn 5 năm, chính quyền địa phương đã hỗ trợ các hộ gia đình làm bánh xây dựng tổ hợp các cơ sở sản xuất thành một cơ sở lớn nhằm đạt được tiêu chuẩn chất lượng OCOP. Tuy nhiên, để tới được tiêu chuẩn này còn nhiều khó khăn, thách thức nên thương hiệu bánh khô mè Quang Châu vẫn chưa đạt được.

Độc đáo loại bánh xứ Quảng ăn chơi ngày Tết phải trải qua 7 lần lửa - Ảnh 3.

Thương hiệu bánh khô mè Quang Châu

"Nghề làm bánh khô mè là một nghề vất vả nên ít người nối gót. Tuy nhiên, giữ gìn nghề truyền thống cũng là giữ cho nếp văn hóa xưa không mất đi.

Hiện nay, bánh khô mè ngày càng được các cơ sở sản xuất chọn nướng bằng máy để thuận tiện và cho ra nhiều bánh, vì vậy tôi tin rằng phương pháp nướng bánh truyền thống bằng than của làng Quang Châu sẽ là một điểm độc đáo trong lòng thực khách, giống như cá kho làng Vũ Đại được kho hoàn toàn bằng bếp than", anh Tuấn chia sẻ.

Quỳnh Nhi - Đình Thức

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×