Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điện Biên: Hoàn thiện thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần người dân

21/08/2023 | 09:00

Mỗi ngôi nhà văn hóa thôn, bản được hoàn thành là niềm vui chung của cả cộng đồng. Từ đây, người dân có nơi hội họp, sinh hoạt đoàn thể; trẻ em có chỗ vui chơi; đội văn nghệ có không gian tập luyện... Những thiết chế văn hóa ở cơ sở dần hoàn thiện, đời sống tinh thần người dân ngày càng được nâng lên.

Điện Biên: Hoàn thiện thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần người dân - Ảnh 1.

Từ khi bản Na Phát, xã Na Son khánh thành nhà văn hóa bản, các hoạt động hội họp, sinh hoạt, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật... được tổ chức hiệu quả. Trong ảnh: Lực lượng công an tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong bản cài đặt định danh điện tử.

Nhà văn hóa bản Na Phát, xã Na Son (huyện Ðiện Biên Ðông) khánh thành trước Tết Nguyên đán năm 2023 trong niềm vui của người dân trong bản. Ðây cũng là công trình minh chứng sự đoàn kết, đồng lòng của bà con; bởi lẽ kinh phí, công sức, mặt bằng xây dựng đều do người dân đóng góp và trích quỹ bản. Nhà văn hóa bản Na Phát có diện tích hội trường sinh hoạt gần 100m2, tổng trị giá hơn 200 triệu đồng. Sau khi hoàn thành, nhà văn hóa thường xuyên mở cửa phục vụ các buổi họp dân, sinh hoạt đoàn thể, tuyên truyền, phổ biến pháp luật... Và hàng tối nhà văn hóa đều sáng đèn, vang tiếng đọc bài, là nơi người dân tham gia học xóa mù chữ.

Ông Lò Văn Trường, Bí thư Chi bộ bản Na Phát chia sẻ: “Có nhà văn hóa bản, ai cũng vui. Trước đây mọi việc của bản phải tổ chức ở nhà trưởng bản, bí thư, trưởng đoàn thể... không thuận tiện. Vì thế khi bàn bạc thống nhất làm nhà văn hóa, bà con ủng hộ cao. Sau hoàn thiện, việc quản lý sử dụng do ban lãnh đạo bản đảm nhiệm, mỗi người dân đều có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ tài sản chung này”.

Không riêng Na Phát mà đến nay huyện Ðiện Biên Ðông có 154/193 bản, tổ dân phố có nhà văn hóa được xây dựng từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Nhờ đó việc tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương thuận lợi hơn, thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển.

Tại huyện Tuần Giáo, việc xây dựng các thiết chế văn hóa cũng được quan tâm triển khai. Toàn huyện có 68/177 khối, bản xây dựng được nhà văn hóa, khu thể thao đủ điều kiện tổ chức các hoạt động hiệu quả. Các thiết chế văn hóa, thể thao khối, bản do nhân dân quản lý và tổ chức các hoạt động. 100% người phụ trách nhà văn hóa khối, bản được tập huấn nghiệp vụ. Kinh phí hoạt động do nhân dân đóng góp.

Ở bản Phiêng Bi, xã Pú Nhung, năm 2020 nhân dân đã góp công, góp của xây dựng nhà văn hóa. Ðến tháng 3/2023 tiếp tục khánh thành sân vận động cũng từ nguồn đóng góp trong bản. Trước đây, bên cạnh nhà văn hóa bản có khoảng sân bỏ không, cỏ mọc um tùm, nhiều vũng, hố, ổ gà... Từ lâu thửa đất này trở thành nơi chăn thả trâu bò, thậm chí có hộ lấn dựng chuồng trâu. Trong khi bản không có không gian để tổ chức các hoạt động tập thể ngoài trời, vui chơi thể thao. Vì thế 170 hộ dân trong bản đồng thuận đóng góp hơn 153 triệu đồng sửa sang, nâng cấp, tạo mặt bằng phẳng phiu làm sân vận động bản với diện tích 5.400m2 và xây tường bao xung quanh, làm đường cấp phối nối từ đường nội bản vào cổng sân. Giờ đây hàng ngày người dân đến chơi bóng chuyền, bóng đá, tù lu... Nhiều hoạt động vừa góp phần nâng cao thể chất cho bà con, hướng trẻ em, thanh niên đến những trò chơi lành mạnh, vừa tham gia gìn giữ văn hóa truyền thống, làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân.

Bà Lò Hồng Nhung, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Tuần Giáo nhận định: “Cùng với các nguồn lực Nhà nước, xã hội hóa thì ở nhiều địa bàn, nhân dân đã chủ động, tích cực đóng góp xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao khối, bản; có thống nhất quy chế hoạt động và người quản lý. Các công trình đã phát huy tốt hiệu quả, làm phong phú các hoạt động văn hóa, thể thao tại cơ sở, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn nét đẹp truyền thống, thúc đẩy các phong trào thi đua...”.

Tuy nhiên, bà Nhung cũng thẳng thắn chia sẻ, một số thiết chế văn hóa, thể thao khối, bản, chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về diện tích sử dụng, trang thiết bị phục vụ... Kinh phí dành cho việc xây dựng đồng bộ các thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở vẫn còn nhiều bất cập, chưa thống nhất.

Ðây cũng là tồn tại chung, thực trạng đang diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở còn thiếu và chưa đồng bộ, có nơi hiệu quả sử dụng chưa cao. Với đặc thù miền núi, địa bàn rộng, đi lại khó khăn, nguồn lực còn hạn chế, vì thế kinh phí dành cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao không tập trung và phải lồng ghép bằng nhiều chương trình, dự án khác nhau. Ðến nay, toàn tỉnh có 1 trung tâm văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa, Ðiện ảnh tỉnh); 10/10 huyện, thị xã, thành phố có thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện; 98/129 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, khu thể thao; hơn 700 (tương ứng hơn 50%) thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao. Con số không nhỏ nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động văn hóa, thể thao của nhân dân trong thời kỳ mới, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số nơi, hoạt động nhà văn hóa thôn, bản còn nhiều hạn chế về nội dung, hình thức; có nhà văn hóa còn để lãng phí, ít hoạt động.

Vì vậy, thiết chế văn hóa cơ sở cần được quan tâm hơn nữa. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị về văn hóa cho đồng bào miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi thôn, bản, tổ dân phố cần đầu tư xây dựng 1 nhà văn hóa, có đủ trang thiết bị để tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao cho nhân dân. Cùng với đó là tập huấn quản lý, sử dụng hiệu quả nhà văn hóa, thúc đẩy các hoạt động văn hóa tại cơ sở. Bên cạnh nguồn lực Nhà nước thì tăng cường hoạt động xã hội hóa để hoàn thiện các công trình văn hóa, thể thao; khuyến khích, tạo điều kiện để các tập thể, cá nhân tiếp tục duy trì, phát triển hoạt động của các cơ sở văn hóa, thể thao như nhà thi đấu, sân bóng đá mini, bể bơi, khu vui chơi cho trẻ em, các câu lạc bộ văn nghệ, bóng chuyền, đạp xe, đi bộ... phục vụ nhu cầu văn hóa, thể thao ngày càng cao của nhân dân.

Theo Báo Điện Biên Phủ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×