Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điện Biên: Góp phần nâng cao giá trị văn hóa truyền thống

12/11/2021 | 08:16

Xác định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang là yếu tố quan trọng không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mà còn góp phần thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trọng tâm là hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân. Từ đó, các giá trị văn hóa gia đình vừa được gìn giữ, đồng thời cũng được phát huy trong tình hình mới.

Điện Biên: Góp phần nâng cao giá trị văn hóa truyền thống - Ảnh 1.

Cán bộ xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến người dân bản Pú Nen.

Xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) vừa được UBND tỉnh công nhận là xã nông thôn mới. Đây là xã thứ 2 trên địa bàn huyện có được thành quả này, song nhìn lại quá trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy chính quyền xã đã gặp không ít khó khăn. Trong muôn vàn cái khó, việc xây dựng đời sống văn hóa cũng là vấn đề đặt ra. Ông Lò Văn Thi, Chủ tịch UBND xã Búng Lao chia sẻ: Với đầy đủ các yếu tố đặc thù của vùng cao, trước đây người dân ở một số bản chưa chú trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhất là chưa thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Còn tình trạng tảo hôn hoặc tổ chức lễ cưới linh đình, tốn kém; tang lễ thì kéo dài thời gian để thi hài quá giờ quy định, ảnh hưởng đến giao thông đi lại, gây mất trật tự khu dân cư… Trước thực trạng đó, xã thường xuyên chỉ đạo các bản xây dựng hương ước, quy ước thực hiện nếp sống văn minh, gìn giữ và phát huy thuần phong mỹ tục, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Đồng thời, đưa các nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào tiêu chuẩn bình xét các danh hiệu, như: Gia đình văn hóa, bản văn hóa… Cùng với đó, phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể, tính tiền phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác tuyên truyền, gương mẫu đi đầu để nhân dân làm theo. “Mưa dầm thấm lâu”, ý thức của người dân trong thực hiện nếp sống văn minh được thay đổi. Đến nay, 100% lễ cưới, đám tang đều được tổ chức đúng thời gian quy định.

Cũng là huyện vùng cao nên nhận thức về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ở một số nơi trên địa bàn huyện Mường Nhé nhiều năm trước chưa được coi trọng. Song vài năm trở lại đây, đa phần tư duy của người dân về vấn đề này đã thay đổi. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn huyện có hơn 10 đám cưới thì đều tổ chức theo nếp sống mới, không có trường hợp nào vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Đối với việc tang, 100% trường hợp chấp hành không rải vàng mã, tiền thật trên đường đưa tang. Ông Lê Hồng Nam, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Nhé cho biết: Để đưa nếp sống văn minh vào cuộc sống, bên cạnh công tác tuyên truyền, huyện phát huy uy tín của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, những người có nhận thức tương đối đầy đủ về những tập quán để tuyên truyền cho con cháu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đồng thời bảo tồn, lưu giữ những phong tục tập quán tốt đẹp, những giá trị văn hóa tiêu biểu trên địa bàn dân cư. Cùng với đó, hàng năm chỉ đạo cơ sở quan tâm đến việc xây dựng quy ước thôn, bản, tổ dân cư. Đến nay, toàn huyện có 89 bản quy ước với trên 114 bản, tổ dân cư đã được UBND huyện công nhận. Nhìn chung, việc xây dựng và thực hiện quy ước ở cơ sở đã góp phần vào việc gìn giữ, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư; bài trừ các hủ tục trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, tổ chức lễ hội ở địa phương; từ đó góp phần xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hoá...

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau 5 năm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang (giai đoạn 2016 - 2021), đến nay, hầu hết các lễ cưới trên địa bàn được thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình (chiếm 95,5%). Việc cưới vừa đảm bảo thuần phong mỹ tục vừa đúng với nếp sống văn hóa mới đã góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, gia đình ấm no, hạnh phúc. Đối với việc tang, các đám tang không cử nhạc trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm. Việc phúng viếng bằng vòng hoa đã được hạn chế và chỉ dành cho tập thể; trang phục dùng trong việc tang đảm bảo thực hiện theo nếp sống văn minh, theo truyền thống địa phương, dân tộc. Việc tổ chức tuần tiết sau tang lễ như: Cúng 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, cải táng được tổ chức trong phạm vi gia đình, họ hàng, hạn chế tối thiểu việc cỗ bàn. Việc mai táng chủ yếu là sử dụng hình thức mai táng một lần, đảm bảo vệ sinh môi trường…

Có thể nói, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang những năm gần đây ở tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến. Riêng từ năm 2020 đến nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương đã tăng cường tuyên truyền vận động người dân hạn chế tổ chức, tham gia các hoạt động tập trung đông người. Nhiều gia đình tổ chức đám cưới gọn nhẹ, báo hỷ chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của chính quyền về phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, các đám tang cũng đảm bảo quy định về phòng, chống dịch bệnh, như: Trang bị nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế, khai báo y tế, tránh tập trung đông người.

Theo Báo Điện Biên Phủ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×