Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

"Đánh thức" tiềm năng du lịch Sơn La

08/02/2021 | 09:05

Nằm ở trung tâm của vùng Tây Bắc, tỉnh Sơn La có tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch. Với chiến lược phát triển bền vững của “ngành công nghiệp không khói”, tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu là xây dựng được các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập quốc tế, đưa Sơn La trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của vùng Tây Bắc.

"Đánh thức" tiềm năng du lịch Sơn La - Ảnh 1.

Vịnh Uy Phong - Điểm du lịch hấp dẫn vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: PV

Khơi dậy tiềm năng du lịch

Là một trong những điểm sáng khi vươn mình bứt phá, phát triển du lịch nơi vùng cao đặc biệt khó khăn, 5 năm qua, huyện Bắc Yên đã xây dựng được nhiều điểm du lịch thu hút du khách, như: Sống lưng khủng long, hồ sen Hua Nhàn, bãi đá khắc cổ khe hổ, hang A Phủ, thiên đường mây Tà Xùa, đồi Pu Nhi, ruộng bậc thang Xím Vàng, vườn chè cổ thụ bản Bẹ... Nếu như năm 2015, tổng lượng khách du lịch đến Bắc Yên chỉ đạt 25.000 lượt, thì đến cuối năm 2020 con số này đã đạt 61.700 lượt người, với doanh thu từ du lịch đạt trên 20 tỷ đồng/năm.

Ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, cho biết: Huyện Bắc Yên đã tập trung xây dựng và hoàn thiện quy hoạch các điểm du lịch. Đồng thời, tích cực mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, đảm bảo việc đầu tư phát triển du lịch được thuận lợi. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung cải thiện, nâng cấp hạ tầng, nhất là tuyến đường giao thông từ trung tâm huyện lên các xã Tà Xùa, Làng Chếu. Hệ thống nhà hàng, cơ sở lưu trú được đầu tư, đặc biệt tại khu vực xã Tà Xùa, với hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo đón khoảng 700 du khách/ngày.

Huyện Mường La cũng đã khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng các điểm đến du lịch những năm gần đây. Đến với Mường La, du khách khó có thể bỏ qua công trình thủy điện Sơn La - đập thủy điện lớn nhất Đông Nam Á; hành trình khám phá, trải nghiệm chuỗi sản phẩm du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La; các điểm du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh... Và gần đây, “miền quê cổ tích” Ngọc Chiến với các sản phẩm du lịch được khai thác cả 4 mùa đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Ngọc Chiến được thiên nhiên ưu ái bởi sự đa dạng của cảnh quan, địa hình; từ những cánh đồng bằng phẳng, đến những bình nguyên có diện tích 300 - 500 ha, những dãy núi cao đến 2.800 m; cùng độ che phủ rừng trên 85%, đem lại bầu không khí tự nhiên, trong lành, phù hợp với nhiều loại hình du lịch, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, tham quan.

Thực hiện chiến lược phát triển du lịch, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch; trong đó tập trung vào quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mộc Châu và Khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh ta đã và đang triển khai 2 đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị huyện Mộc Châu và huyện Vân Hồ; triển khai 2 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu dân cư dịch vụ, du lịch, sinh thái; quy hoạch phân khu xây dựng quần thể du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí thuộc khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Đối với quy hoạch Khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, tỉnh đã phê duyệt 15 dự án quy hoạch; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội vùng lòng hồ và các quy hoạch ngành, sản phẩm liên quan trực tiếp đến phát triển khai thác tiềm năng vùng lòng hồ.

Để Sơn La trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn

Nhìn lại chặng đường gần 8 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã thu hút 132 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch dịch vụ, với tổng vốn đăng ký hơn 6.373 tỷ đồng; đã xây dựng và đưa vào khai thác được 33 khu, điểm, bản du lịch trên toàn tỉnh. Các huyện, thành phố đã nỗ lực xây dựng các phương án phát triển du lịch phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo nên những chuyển biến tích cực của du lịch Sơn La nói chung.

Đặc biệt, các địa phương đã đầu tư xây dựng một số sản phẩm, sự kiện du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giới thiệu quảng bá nông sản an toàn, như: Ngày hội xoài Yên Châu; ngày hội nhãn Sông Mã; ngày hội sắc màu văn hóa Hang Chú (Bắc Yên), hội chè cao nguyên Mộc Châu; Ngày hội hoa Đào xã Lóng Luông (Vân Hồ)... Cùng với đó, hệ thống cơ sở lưu trú cũng phát triển mạnh với trên 350 khách sạn, nhà nghỉ du lịch, homestay. Đến nay, lượng khách du lịch đến Sơn La đạt khoảng 2 triệu 500 nghìn lượt người/ năm, trong đó khách quốc tế trên 110 nghìn lượt; tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.915 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 13.350 lao động.

Ông Trần Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, cho biết: Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt mục tiêu đưa du lịch Sơn La trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn vùng Tây Bắc. Xây dựng được các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập quốc tế. Mỗi địa phương cần lựa chọn những điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng nhất để xây dựng trở thành thương hiệu riêng; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, kết nối doanh nghiệp du lịch; huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch đồng bộ, an toàn; đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch...

Hy vọng trong tương lai gần, với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, tỉnh Sơn La sẽ đạt được mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Báo Sơn La

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×