Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đà Nẵng: Phát triển công nghiệp văn hóa

13/02/2023 | 14:45

Định hướng đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng sẽ phát triển đa dạng, đồng bộ các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn một cách bền vững, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu. Qua đó, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tăng cơ hội việc làm và đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân thành phố.

Đà Nẵng: Phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Các hoạt động, sự kiện được xã hội hóa góp phần thu hút nguồn lực và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia phát triển ngành công nghiệp văn hóa của thành phố.

Đà Nẵng có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, lễ hội. Vì vậy, những năm qua, ngành văn hóa đã bước đầu quan tâm định hướng phát huy di tích, đình làng, lễ hội trong hoạt động kinh tế du lịch. Thành phố đã hình thành các tour, tuyến du lịch kết nối các điểm di sản, các lễ hội truyền thống nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, các nghề truyền thống tại các làng quê dọc tuyến sông, nhất là các tuyến sông Hàn - Khu căn cứ cách mạng K20; sông Hàn - Túy Loan - Thái Lai; tuyến du lịch sông Cu Đê.

Bên cạnh đó, các địa phương chủ động triển khai xây dựng các đề án phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch như: "Đề án bảo tồn và phát huy giá trị đình Lỗ Giáng" của UBND quận Cẩm Lệ, "Đề án du lịch cộng đồng Nam Ô" của UBND quận Liên Chiểu. Các đơn vị đưa vào khai thác các chương trình nghệ thuật như: "Hồn Việt", "Tuồng xuống phố", "Sân khấu bài chòi"... phục vụ người dân và du khách. Bước đầu, một số chương trình đã cho thấy tiềm năng của công nghiệp văn hóa trên lĩnh vực nghệ thuật, giải trí.

Đặc biệt, du lịch văn hóa dần là một trong những lĩnh vực được xác định mũi nhọn, ưu tiên phát triển của thành phố. Một số di tích trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách, là động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Năm 2019, danh thắng Ngũ Hành Sơn đón hơn 2 triệu lượt khách tham quan, mang lại doanh thu hơn 83 tỷ đồng; di tích Thành Điện Hải - Bảo tàng Đà Nẵng đạt hơn 330.000 lượt khách tham quan.

Trưởng ban quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn Nguyễn Văn Hiền cho biết, năm 2022, danh thắng đón 681.566 lượt khách, trong đó có 112.036 lượt khách nước ngoài. "Cuối năm 2022, hệ thống ma nhai tại danh thắng được công nhận là di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để ban quản lý đẩy mạnh quảng bá, thu hút du khách đến với danh thắng Ngũ Hành Sơn, mang lại nguồn thu từ di sản văn hóa", ông Hiền thông tin.

Nhắc đến công nghiệp văn hóa, không thể không kể đến các sự kiện, lễ hội tầm cỡ khu vực và quốc tế. Năm 2008, Đà Nẵng là địa phương duy nhất trong cả nước tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế (DIFF) với kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Dương Lê Phương cho biết, qua 10 lần tổ chức thành công sự kiện DIFF và các hoạt động phụ trợ đã tác động rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của thành phố; thúc đẩy hoàn thiện và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng; thu hút ngày càng nhiều du khách và giúp kéo dài thời gian lưu trú khi đến Đà Nẵng.

DIFF đã trở thành sản phẩm văn hóa du lịch quốc tế đặc sắc, mang dấu ấn khác biệt rõ nét, góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch của thành phố. Sau thời gian ảnh hưởng dịch bệnh, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2023, dự kiến diễn ra từ ngày 3-6 đến 8-7 với kinh phí dự kiến khoảng 150 tỷ đồng. Bên cạnh hoạt động trình diễn pháo hoa của các đội tham gia thi đấu, thành phố yêu cầu các chương trình nghệ thuật phục vụ bên lề bảo đảm chất lượng tốt, đặc sắc và hoành tráng…

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Vỹ, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới, hội nhập phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thành phố trong hiện tại và tương lai.

Đầu năm 2023, UBND thành phố ban hành đề án "Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện, làm nền tảng xây dựng thành phố an bình, đáng sống, hình thành các giá trị bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, lịch sử, văn hóa của người Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030".

Trong đó, định hướng đến năm 2030, thành phố đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm để phát triển công nghiệp văn hóa, ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng; điển hình là ngành du lịch văn hóa trong bối cảnh thành phố cũng đang định hướng phát triển thành phố sự kiện, xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.

Đồng thời, chú trọng việc ứng dụng các công nghệ mới trong một số ngành mũi nhọn, nhằm tạo ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật có chất lượng, có thể tham gia vào thị trường quốc tế. Ngoài ra, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa trên các lĩnh vực.

Qua đó, đẩy mạnh sự phát triển của những ngành kinh tế dịch vụ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân thành phố.

Theo Báo Đà Nẵng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×