Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Công tác tuyên truyền, giáo dục tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái - thực trạng và giải pháp

14/10/2021 | 16:20

Thông qua các hoạt động giáo dục, truyền thông, Bảo tàng tỉnh đã và đang từng bước khẳng định hình ảnh của chính mình để công chúng biết nhiều hơn, đến gần với những giá trị di sản văn hóa của địa phương.

Công tác tuyên truyền, giáo dục tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái - thực trạng và giải pháp - Ảnh 1.

Du khách đến tham quan Bảo tàng tỉnh Yên Bái

Theo ICOM (Hội đồng Bảo tàng Quốc tế thuộc UNESCO) “Bảo tàng là một thiết chế phi vụ lợi, hoạt động lâu dài phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội, mở cửa đón công chúng đến xem, có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, tuyên truyền và trưng bày các bằng chứng vật chất về con người và môi trường sống của con người, vì mục đích nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức.”

Công trình nhà bảo tàng tỉnh Yên Bái chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng từ ngày 21/9/2020, đã tổ chức đón tiếp trên 10.000 lượt khách tham quan. Để đáp ứng nhu cầu của đông đảo công chúng, trong những năm qua từ khi chưa có nhà trưng bày cố định Bảo tàng vẫn luôn đặc biệt quan tâm đến chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, trong đó chất lượng nguồn nhân lực. Hiện nay, phòng Trưng bày - Tuyên truyền của Bảo tàng có 06 cán bộ làm cả 02 khâu công tác trưng bày và tuyên truyền,đội ngũ làm công tác thuyết minh, tuyên truyền luôn nêu cao tinh thần tự giác học hỏi nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng giao tiếp,100% cán bộ có trình độ đại học. Để chuẩn bị cho công tác thuyết minh, tuyên truyền được chuyên nghiệp, hằng năm lãnh đạo đơn vị luôn quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn do Cục Di sản văn hóa, Sở VHTTDL tổ chức, phối hợp với các đơn vị bạn nhờ giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ…

Là một Bảo tàng khảo cứu địa phương, nơi sưu tầm, lưu giữ và trưng bày tuyên truyền về các di sản văn hóa, lịch sử - xã hội của tỉnh Yên Bái, trong nhiều năm qua các thế hệ lãnh đạo Bảo tàng đã rất trăn trở trong việc làm thế nào để nhiều người biết tới và thu hút khách tham quan đến với Bảo tàng. Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, từ ngày 21/9/2020 Nhà trưng bày với diện tích gần 2700m2 với 02 không gian trưng bày trong nhà và ngoài trời đã chính thức đưa vào sử dụng, tổng bộ vốn đầu tư lên tới gần 100 tỷ đồng.

Để duy trì hoạt động trưng bày được tốt ban lãnh đạo đơn vị đã không quản ngại khó khăn, vất vả thường xuyên động viên, chia sẻ kịp thời với cán bộ. Hiện nay, bảo tàng mở cửa phục vụ khách tham quan từ thứ 3 đến chủ nhật, buổi sáng từ 8h00 - 11h00 và buổi chiều từ 14h00 - 17h00 (nghỉ thứ 2 vệ sinh, bảo quản hiện vật, nhà trưng bày)

Tổ thuyết minh hiện có 04 đồng chí đều là nữ độ tuổi 35-45, để công tác tuyên truyền, giáo dục đạt hiệu quả cao, đòi hỏi mỗi cán bộ phải nắm bắt độ tuổi, tâm lý, trình độ nhận thức của từng đối tượng khách để lựa chọn cách thuyết minh phù hợp. Trong quá trình hướng dẫn tham quan tại bảo tàng, cán bộ thuyết minh có thể vận dụng những phương pháp hướng dẫn khác nhau như tái hiện, kể chuyện, đặt ra những câu hỏi mang tính gợi mở, tạo không khí gần gũi để khách tham quan có thể tương tác, tránh hình thức chuyển tải thông tin một chiều.

Tầng 01 với 05 không gian trưng bày trong nhà, chủ đề 1: Địa lý tự nhiên tỉnh Yên Bái, giới thiệu về vị trí địa lý, sự thay đổi địa danh, tài nguyên khoáng sản, và các di tích danh thắng tiêu biểu của tỉnh. Tầng 2: Chủ đề 2 về cộng đồng các dân tộc, giới thiệu về đời sống, làng bản, văn hóa tâm linh hay các nghề thủ công truyền thống của đồng bào…Chủ đề 3: Yên bái thời tiền sơ sử, trưng bày giới thiệu các di tích hiện vật có niên đại cách đây 80.000 năm - 2500 năm. Chủ đề 4, trưng bày, giới thiệu về thời kỳ phong kiến ở Yên Bái Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Chủ đề 5, với nội dung cận hiện đại, giới thiệu xuyên suốt trang sử hào hùng của tỉnh từ 1900 - nay. Đây là nội dung giáo dục kiến thức lịch sử hết sức bổ ích với các đối tượng học sinh tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, sinh viên trên địa bàn tỉnh; khách tham quan du lịch, các nhà nghiên cứu…có thể tìm hiểu kiến thức về lịch sử, văn hóa thông qua những sưu tập tài liệu, hiện vật tại bảo tàng. Không gian ngoài trời trưng bày giới thiệu các hiện vật chiến tranh như máy bay Mic 21. Mic 17, súng thần công, xác máy bay, bom mìn… Nhà sàn truyền thống người Thái đen, cọn nước vùng cao…Phòng trưng bày chuyên đề thường xuyên tổ chức nội dung trưng bày phù hợp với các sự kiện tiêu biểu của tỉnh, của đất nước.

Công tác tuyên truyền, giáo dục tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái - thực trạng và giải pháp - Ảnh 2.

Cán bộ làm công tác thuyết minh, hướng dẫn tham quan tại bảo tàng phải tự đổi mới, tìm tòi, sáng tạo

Ngoài việc tổ chức phục vụ khách tham quan tại đơn vị, Bảo tàng còn tham gia các cuộc trưng bày lưu động phối hợp, phục vụ các nhiệm vụ chính trị và đông đảo Nhân dân.

Song song với việc tổ chức hướng dẫn khách tham quan, phòng Trưng bày tuyên truyền đang hướng tới đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục như: phối hợp với đoàn viên thanh niên ở các phòng chuyên môn, tổ chức các hoạt động tương tác trải nghiệm, các hoạt động cho học sinh sau khi tham quan trưng bày để tạo cho các em sự hứng khởi, vui vẻ như: nhảy sạp, đi cà kheo, chơi ô ăn quan…

Ra đời từ năm 2020, trang thông tin điện tử (website), fanpage của Bảo tàng đã trở thành kênh tuyên truyền thu hút khá đông số lượt khách truy cập. Bên cạnh đó Bảo tàng phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường quảng bá giới thiệu về bảo tàng, các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương thông qua những bài viết, clip, phóng sự tài liệu...

Thông qua các hoạt động giáo dục, truyền thông, Bảo tàng tỉnh đã và đang từng bước khẳng định hình ảnh của chính mình để công chúng biết nhiều hơn, đến gần với những giá trị di sản văn hóa của địa phương.

Thực tế cho thấy để làm tốt hơn công tác thuyết minh tuyên truyền giáo dục tại Bảo tàng cần có các giải pháp nâng cao hiệu quả. Trước hết đòi hỏi nguồn nhân lực của bảo tàng, các hoạt động giáo dục, tuyên truyền phục vụ khách tham quan phải không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hình thức hoạt động... Trong đó hướng tới các giải pháp quan trọng sau: làm mới nội dung trưng bày; tăng cường quảng bá, khẳng định vị trí, hình ảnh, hoạt động thông qua các cuộc trưng bày thường xuyên và trưng bày chuyên đề.

Để thu hút được khách tham quan thì nhiệm vụ đặt ra đối với Bảo tàng là phải có một thương hiệu đủ sức hấp dẫn. Điều này đồng nghĩa với việc Bảo tàng phải nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ tại các phòng chuyên môn của bảo tàng như: nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền một cách đồng bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của bảo tàng phải luôn được đặt lên hàng đầu. Bảo tàng phải có chiến lược về đào tạo, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn để thực hiện cho từng năm, tùy thuộc mục đích, khả năng, vị trí từng công việc cụ thể.

Cần đổi mới các hoạt động giáo dục của bảo tàng nói chung, Bảo tàng tỉnh Yên Bái nói riêng, hướng dẫn tham quan vẫn là hình thức giáo dục quan trọng mang tính truyền thống, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc giáo dục dưới hình thức những bài thuyết minh được chuẩn bị sẵn sẽ kém hấp dẫn, không còn hiệu quả như mong muốn. Để công việc này đem lại hiệu quả thực sự, đòi hỏi cán bộ làm công tác thuyết minh, hướng dẫn tham quan tại bảo tàng phải tự đổi mới, tìm tòi, sáng tạo trên cơ sở khuyến khích sự tương tác, đối thoại với công chúng, khách tham quan.

Mặt khác, để hội nhập và phát triển, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đang từng bước đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác thuyết minh (phối hợp với trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Thái Nguyên, Công ty 360 Plus Hà nội) giảm dần công tác tuyên truyền từ phía thuyết minh viên, tăng dần tự tham quan khám phá của công chúng bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ. Khách tham quan đến với bảo tàng rất đa dạng, nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp, mục đích khác nhau. Vì vậy, việc xây dựng các chương trình giáo dục tại bảo tàng phù hợp cho các đối tượng khách tham quan là cần thiết. Ví dụ: khi xây dựng các chương trình giáo dục cho giới trẻ, đặc biệt là học sinh các cấp học, sinh viên cần tạo điều kiện cho các em tự tìm hiểu khám phá kiến thức thông qua giáo cụ trực quan nhằm bổ trợ thêm những kiến thức còn thiếu trong nhà trường qua những hình ảnh, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng…

Bên cạnh các hoạt động giáo dục mang tính truyền thống, Bảo tàng đang nghiên cứu giải pháp tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục như: tổ chức các buổi tọa đàm, thuyết trình, nói chuyện liên quan đến các chủ đề trưng bày của bảo tàng; tổ chức tái hiện các hoạt động lễ hội truyền thống; tổ chức các buổi chiếu phim tư liệu về các đề tài lịch sử, văn hóa, các sự kiện quan trọng của tỉnh...Bên cạnh đó, việc nghiên cứu xây dựng phòng khám phá, bảo tàng ảo nhằm góp phần thỏa mãn sự tò mò, sáng tạo cho khách tham quan cũng là điều cần thiết, phù hợp xu thế phát triển chung.

Bảo tàng cần thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình tỉnh nhà, Trung ương để tuyên truyền hoạt động của mình. Xây dựng mối quan hệ với cơ quan báo chí, truyền thông, kết nối mỗi nhà báo trở thành một người bạn thân thiết, đây là điều kiện cần thiết để công tác truyền thông của Bảo tàng đạt được hiệu quả.

Thiết kế các loại tờ gấp, catalogue giới thiệu về bảo tàng và hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng, cung cấp cho khách tham quan, các khu di tích, khách sạn, công ty du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh; Biên soạn, in ấn, phát hành sách hướng dẫn tham quan dành cho khách tham quan tự do; thiết kế sản phẩm lưu niệm, lấy ý tưởng từ các hiện vật tiêu biểu của bảo tàng kết hợp những giá trị văn hóa, gắn bó với các làng nghề truyền thống trong tỉnh; xuất bản ấn phẩm, sách về các sưu tập hiện vật tiêu biểu của bảo tàng…

Tăng cường tuyên truyền trên website của bảo tàng, đầu tư thay đổi giao diện, nội dung thường xuyên nhằm tạo sự hấp dẫn, mới lạ. Ngoài ra, việc ứng dụng mạng xã hội trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của bảo tàng là rất cần thiết. Thông qua các trang mạng xã hội, bảo tàng thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ là chia sẻ thông tin, giới thiệu về bảo tàng, giữ liên lạc thường xuyên, lắng nghe, tạo mối quan hệ tương tác với công chúng.

Có thể thấy công tác tuyên truyền, giáo dục của các bảo tàng nói chung, Bảo tàng tỉnh Yên Bái nói riêng chỉ có thể đạt kết quả tốt khi có một hệ thống trưng bày hoàn thiện, đa dạng, hấp dẫn, thể hiện được bản sắc độc đáo của riêng mình; một đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, có lòng yêu nghề, đam mê, nhiệt huyết với công việc; đa dạng hóa các hình thức hoạt động… Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên thì trong thời gian tới công tác giáo dục cũng như các hoạt động nghiệp vụ khác của Bảo tàng tỉnh Yên Bái sẽ thu được kết quả, thành công, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước./.

Theo Sở VHTTDL Yên Bái

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×